TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ vừa tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội và ký kết hợp tác thỏa thuận hợp tác phát triển giữa các địa phương giai đoạn 2023 - 2025 với nhiều nội dung, tập trung vào 7 lĩnh vực trọng yếu.
Phát biểu tại hội nghị Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, vùng Đông Nam bộ là một trong những vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, phát triển đất nước. Trong những năm qua, nhận thức đúng vị trí, vai trò, tiềm năng của mình, các địa phương trong vùng đã quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, không ngừng phát huy lợi thế nhiều mặt, tập trung thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Với diện tích chiếm 9% và dân số chiếm 20% nhưng vùng Đông Nam bộ đã đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Sự liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố ngày càng được tăng cường và có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã đánh giá: vai trò động lực, đầu tàu, tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động của vùng những năm gần đây đã có xu hướng chậm lại. Một trong những nguyên nhân cơ bản là việc liên kết phát triển vùng, xây dựng không gian kinh tế thống nhất chưa hiệu quả, khiến cho nguồn lực bị phân tán; lợi ích kinh tế của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh nhau, làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng.
Đường Vành đại 3 TP.HCM, điểm đầu của cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, tuyến cao tốc phía Tây trong liên kết vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Lê Toàn /Đảng bộ TP.HCM
Theo đồng chí Nên, qua hội nghị lần này TP.HCM với một số địa phương trong vùng đã thỏa thuận hợp tác phát triển giữa các địa phương giai đoạn 2023-2025 với nhiều nội dung, tập trung vào 7 lĩnh vực trọng yếu: về công tác quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư; kết nối hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hợp tác về y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị các tỉnh, thành phố cùng nhau nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, tiềm năng, thế mạnh của vùng Đông Nam bộ và những kỳ vọng mà Trung ương đã đặt ra. Trong năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gồm vùng trung du, miền núi Bắc bộ; vùng đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Riêng Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị triển khai trong phạm vi cả nước vào ngày 23/10/2022, và trong phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, vùng Đông Nam bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, vùng luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu; là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước với hạt nhân là đô thị đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh "rực rỡ tên Vàng". Đây không chỉ là vinh dự mà còn là trọng trách to lớn mà Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước đặt ra cho vùng chúng ta.”
Song song với việc nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tiềm năng, thế mạnh của vùng Đông Nam bộ, cần thống nhất cao về liên kết phát triển vùng, xem đây là xu thế tất yếu. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: Cần xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới…
Qua tình hình thực tế và những tiềm năng trong tương lai Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, 6 tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ có 4 việc quan trọng phải đi cùng nhau, cộng đồng trách nhiệm mới phát huy được hiệu quả: Cần thay đổi về nhận thức, tư duy trong toàn hệ thống chính trị các tỉnh, thành phố về yêu cầu liên kết phát triển vùng Đông Nam bộ, bảo đảm mỗi quyết sách, mỗi chủ trương của mỗi tỉnh, thành phải tính đến lợi ích chung, hướng đến mục tiêu vừa thúc đẩy phát triển toàn vùng, vừa thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng.
Ngoài ra các địa phương cần phải cùng nhau tổ chức thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, kịp thời chia sẻ kinh nghiệm để toàn vùng phát triển nhanh và bền vững.
Trong lúc chờ hoàn thiện thể chế và thành lập hội đồng điều phối vùng, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp gỡ trao đổi nội dung liên kết; có kế hoạch phân công, điều phối liên kết hiệu quả, không để lợi ích kinh tế bị chi phối bởi địa giới hành chính; lĩnh vực nào là lợi thế tối ưu, cần ưu tiên phát triển ở đâu phải rất rõ ràng, bảo đảm sự tập trung nguồn lực và không làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng, nhằm phấn đấu thực hiện mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của vùng Đông Nam bộ.
Đặc biệt, để triển khai thực hiện liên kết vùng hiệu quả nhất 6 tỉnh thành phải cùng nhau đi đầu trong việc phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ các lĩnh vực như: quy hoạch vùng và địa phương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt là tập trung kết nối hạ tầng giao thông, xem đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược.