Phó Cục trưởng Cục ATTP Trần Việt Nga cho biết, đã có kết quả sơ bộ của các đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP đối với các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ lớn dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: VGP/Hiền Minh
6 đoàn kiểm tra ATTP tại 12 tỉnh, thành phố
Theo kế hoạch triển khai đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân 2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP (BCĐ), có 6 đoàn thanh, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong quá trình kiểm tra tại các địa phương, các đoàn đã có những thông tin đánh giá ban đầu như thế nào, thưa bà?
Bà Trần Việt Nga: Trong kế hoạch của BCĐ, thời gian này có 2 nhiệm vụ chính, đó là tuyên truyền công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết và tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất thực phẩm trên cả nước chuẩn bị cho dịp Tết và mùa lễ hội sắp tới.
Bên cạnh đó, BCĐ cũng chỉ đạo các bộ, ngành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, gồm y tế, công thương, nông nghiệp, công an và các ngành có liên quan, tổ chức 6 đoàn để kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố, trong đó có kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và tùy theo tình hình thực tế sẽ lấy mẫu để kiểm nghiệm.
Sơ bộ đến thời điểm này, chúng tôi đã nhận được báo cáo nhanh của một số đoàn. Trong đó có đoàn do Thanh tra Bộ Y tế chủ trì, kiểm tra tại Hà Nội, lấy mẫu và xét nghiệm 6 sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ nhiều nhất vào ngày Tết, đó là giò chả, bánh kẹo, hạt bí, hạt hướng dương, rượu, bia… Kết quả cho thấy, tất cả các mẫu này đều đạt chỉ tiêu an toàn theo quy định của Bộ Y tế.
Các đoàn kiểm tra khác cũng đã lấy mẫu tại các địa phương, hiện đang trong quá trình kiểm nghiệm, nên chưa có kết quả. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, kết quả kiểm tra này cần phải được nhanh chóng thông tin công khai, rộng rãi tới tiêu dùng, cũng như chính quyền địa phương nơi các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn và chính cơ sở sản xuất, kinh doanh đó. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để người dân sớm có thông tin, an tâm tiêu thụ thực phẩm trong dịp Tết.
Theo kết quả đánh giá sơ bộ của các đoàn kiểm tra, những vấn đề nguy cơ mất ATTP trong dịp Tết này là gì, thưa bà?
Bà Trần Việt Nga: Tết là dịp người tiêu dùng Việt Nam mua và sử dụng thực phẩm nhiều hơn hẳn so với các dịp khác trong năm. Vì vậy, bên cạnh cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, có nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu thực phẩm tăng dịp này đã trộn lẫn hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm… Người tiêu dùng phải hết sức lưu ý và khi mua cần lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, mua ở địa chỉ uy tín.
Việc sử dụng thực phẩm tích trữ trong dịp Tết cũng là yếu tố nguy cơ gây mất ATTP. Chẳng hạn, khi có quá nhiều thực phẩm, sử dụng lâu ngày, điều kiện bảo quản không bảo đảm, đặc biệt vùng có khí hậu nóng nắng, vùng sâu vùng xa không có thiết bị bảo quản… rất dễ gây hỏng thực phẩm.
Nếu thực phẩm đóng gói sẵn, người dân nên lựa chọn bao gói hoàn chỉnh, không bị rách, trên bao gói phải có nhãn mác đầy đủ, thể hiện các thông tin bắt buộc, như tên sản phẩm, tên và địa chỉ nhà sản xuất… - Ảnh: VGP/HM
Xuất hiện một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm
Thưa bà, thực phẩm chức năng, hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung cũng được người dân sử dụng nhiều trong dịp Tết. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, rất nhiều sản phẩm này có vi phạm về chất lượng. Tại sao những sản phẩm này vẫn được quảng cáo và bán tràn lan, thưa bà?
Bà Trần Việt Nga: Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chúng tôi đã có rất nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và liên tiếp có những thông tin cảnh báo trên website của Cục ATTP và các phương tiện truyền thông để người dân biết, tránh sử dụng những sản phẩm vi phạm.
Cụ thể, qua giám sát thời gian vừa rồi, chúng tôi thấy nổi lên vấn đề vi phạm về quảng cáo, như: Quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, sử dụng hình ảnh bác sĩ, cán bộ y tế, thầy lang, hoặc tự giới thiệu là người bệnh đã sử dụng sản phẩm và khỏi bệnh trong thời gian ngắn…
Thực tế, đã có nhiều người tiêu dùng không biết, không hiểu và mua nhầm những sản phẩm đó về sử dụng.
Đặc biệt, thời gian qua còn xuất hiện một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm. Ngay sau khi phát hiện, chúng tôi đã chuyển thông tin sang bên công an để xác minh, điều tra.
Bên cạnh đó, còn có một số sản phẩm khác chúng tôi cũng đang phải phối hợp làm rõ, đó là một số sản phẩm xuất hiện trên thị trường, nhưng không có đơn vị chịu trách nhiệm, hoặc ghi nhãn không trung thực, không đúng bản chất sản phẩm. Đây là hiện tượng xuất hiện hàng giả. Tuy nhiên, để khẳng định việc có hay không xuất hiện những thực phẩm chức năng giả, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xác định. Nếu là thật, thì đây là mối nguy lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Đối với sản phẩm giả, không có nguồn gốc xuất xứ, thì khả năng trộn các chất có hại cho sức khỏe rất cao. Vì vậy, Cục ATTP luôn tập trung lực lượng để hậu kiểm, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng, nếu có nghi ngờ, sẽ lập tức cảnh báo người tiêu dùng biết, không mua những sản phẩm này và sẽ phối hợp sớm nhất với các cơ quan địa phương, công an, quản lý thị trường để ngăn chặn kịp thời.
Đến nay, đường dây nóng của Cục ATTP còn duy trì không, thưa bà? Trong dịp Tết này, người dân có thể phản ánh các vấn đề về ATTP như thế nào?
Bà Trần Việt Nga: Đường dây nóng của Cục ATTP vẫn hoạt động bình thường. Người dân có thể phản ánh các vấn đề về ATTP qua đường dây nóng (0911811556), hoặc phản ánh qua website của Cục. Chúng tôi đã có lịch phân công trực Tết và tất cả các ngày lễ để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người dân.
Gần đây, chúng tôi cũng nhận được nhiều thông tin liên quan đến các hiện tượng tố cáo lừa dối người tiêu dùng, như quảng cáo thực phẩm quá mức, không đúng với chất lượng sản phẩm, giá bán lại rất cao, đặc biệt là những người cao tuổi, khi xem các kênh trên mạng xã hội đều nhận thông tin quảng cáo đó và mua mất nhiều tiền sản phẩm kém chất lượng.
Xác định hiện tượng này không chỉ dừng lại ở vấn đề ATTP, mà có dấu hiệu tội phạm, lừa dối người tiêu dùng, chúng tôi đã làm việc với bên công an, trao đổi và chuyển thông tin để họ xác minh và xử lý.
Trân trọng cảm ơn ơn bà!
Cách lựa chọn sản phẩm đông lạnh:
Nếu thực phẩm đóng gói sẵn, người tiêu dùng nên lựa chọn bao gói hoàn chỉnh, không bị rách, không bị hỏng. Trên bao gói phải có nhãn mác đầy đủ, thể hiện các thông tin bắt buộc, như tên sản phẩm, tên và địa chỉ nhà sản xuất, tên và địa chỉ của đơn vị chịu trách nhiệm sản phẩm đó, hạn sử dụng, ngày sản xuất, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng…
Đối với sản phẩm nhập khẩu: Luôn phải có nhãn phụ về tiếng Việt về những thông tin này. Người dân tuyệt đối không mua thực phẩm nhập khẩu không có bao bì, không có nhãn mác rõ ràng.
Đối với thực phẩm đông lạnh, Cục ATTP khuyến cáo, người tiêu dùng cần đảm bảo các điều kiện bảo quản, sử dụng phải luôn tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bởi có thể lúc mua thực phẩm vẫn bảo đảm, nhưng khi bảo quản không theo hướng dẫn thì nguy cơ mất ATTP rất lớn, đặc biệt là thực phẩm để đông lạnh lâu ngày.
Hiền Minh (ghi)
Theo Báo điện tử Chính phủ