Hình ảnh "giao dịch thành công" bị làm giả có một số đặc điểm khác với hình ảnh từ ngân hàng chính thống về màu sắc, phông chữ, thời gian...
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa mới đưa ra cảnh báo về tình trạng giả mạo biên lai chuyển tiền xuất hiện rất nhiều thời gian gần đây.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo khẳng định chuyển khoản internet banking, chụp ảnh biên lai gửi cho người bán hàng, nhưng thực chất là không chuyển tiền thật.
Cụ thể, các đối tượng dùng phần mềm tạo dựng hóa đơn giả đưa cho người bán nhằm chứng minh đã thực hiện chuyển khoản, yêu cầu giao hàng gấp. Đến khi các nạn nhân không thấy tài khoản báo có tiền và nhận ra mình đã bị lừa, các đối tượng đã "cao chạy xa bay".
Hình ảnh 'giao dịch thành công' cũng bị làm giả
Cục An toàn thông tin lưu ý, để tránh bị lừa đảo, người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng.
Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công.
Hình ảnh "giao dịch thành công" bị làm giả có một số đặc điểm khác với hình ảnh từ ngân hàng chính thống về màu sắc, phông chữ, thời gian...
Đặc biệt, người dân không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email… cho bất kỳ ai, kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan Nhà nước.
Hiện có rất nhiều ứng dụng và trang web khác nhau hỗ trợ việc làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng. Thậm chí, người dùng có thể làm giả biên lai của nhiều ngân hàng khác nhau với mức giá chỉ 20.000 đồng mỗi lần.
Nhật Nam
Theo Báo điện tử Chính phủ