Một số định hướng quan trọng để phát triển dược liệu
- Dựa trên lợi thế cạnh tranh: Khai thác các cây dược liệu bản địa; đặc điểm văn hóa, đặc biệt là các dược liệu liên quan đến văn hóa các dân tộc và bán hàng/xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch.
- Tăng lợi thế so sánh: Khai thác các kinh nghiệm canh tác dược liệu bản địa của cộng đồng nhằm tạo ra năng suất và chất lượng cao hơn; cơ giới hóa trong các khâu trồng trọt, sơ chế nhằm hạ giá thành sản phẩm.
- Định hướng thị trường: Theo yêu cầu của thị trường (thiết kế sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng, mức độ thường xuyên,...). Về cơ bản có 3 nhóm thị trường chính: Nội địa, xuất khẩu và xuất khẩu tại chỗ. Mỗi thị trường có yêu cầu về thiết kế, tiêu chuẩn khác nhau.
- Theo chuỗi giá trị: Việc phát triển ngành dược liệu cần được triển khai trên toàn chuỗi giá trị nhằm dỡ bỏ các rào cản, thách thức
(Ảnh minh họa)
- Gia tăng giá trị: Giá trị dược liệu được gia tăng thông qua nhiều cách, như xây dựng tiêu chuẩn vùng trồng, chế biến, tinh chế, phát triển sản phẩm mới từ dược liệu thay vì chỉ bán thô, xây dựng thương hiệu, gắn với du lịch.
- Nâng cao hiệu quả: Không chỉ dựa vào năng suất, sản lượng, mà phải dựa vào những giá trị tích hợp, đi vào chiều sâu (như giá trị cảm nhận của khách hàng), có tính bền vững, thông qua xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, gắn kết với du lịch, xây dựng mô hình phát triển hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng.
- Hợp tác và liên kết: Hợp tác là nông dân, HTX và doanh nghiệp cùng nhau gỡ "nút thắt" manh mún, nhỏ lẻ thông qua các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Liên kết là kết nối giữa các chủ thể sản xuất và kinh doanh, thông qua: Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thay cho chuỗi liên kết dễ bị tổn thương do xung đột lợi ích các bên tham gia và biến cố thị trường; Xây dựng hệ sinh thái ngành hàng, với sự tham gia của các bên, bao gồm các chủ thể chuỗi giá trị (hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp), nhà khoa học, Nhà nước, các nhà hỗ trợ chuỗi (ngân hàng, doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm).
- Nền kinh tế tuần hoàn: Khai tác các phụ phẩm, phế phẩm trong sản xuất dược liệu thành sản phẩm có giá trị.
- Xây dựng thương hiệu: Theo hướng tích hợp tiêu chuẩn GACP-WHO và organic, tạo gia dược liệu sạch, chuẩn hóa và chất lượng cao.
- Phát triển nhân lực: Đào tạo nông dân và đội ngũ lãnh đạo các HTX, doanh nghiệp tại cộng đồng về: i) An toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn (như GACP-WHO, organic, Fairtrade),... từ đó giúp người dân tự bảo vệ mình, phát triển ngành dược liệu có trách nhiệm, từ đó tạo nên thương hiệu ngành dược liệu; ii) Về kinh tế: Các quy luật kinh tế, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, HTX,...; iii) Các kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh: Các công nghệ, kỹ thuật sinh học, sơ chế, chế biến, xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến đạt tiêu chuẩn theo luật định; các kỹ năng bán hàng, các ứng dụng của cách mạng CN 4.0 trong sản xuất, kinh doanh như truy xuất nguồn gốc/chất lượng, kinh tế chia sẻ, bán hàng,...
- Bền vững: Gồm bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội, thông qua xây dựng mô hình chuỗi giá trị hài hòa với sự tham gia vốn của cộng đồng, ứng dụng các tiêu chuẩn xanh, sạch.
TS. Trần Văn Ơn
Theo Tạp chí Sức Khoẻ Cộng Đồng