Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP
Tiếp nối hiệu quả Chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2020 (Chương trình 526), xác định vai trò nòng cốt quan trọng của các lực lượng phụ nữ, nông dân trong đảm bảo an toàn thực phẩm, Chính phủ đã ký kết Chương trình phối hợp số 01 giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục phát huy vai trò của hai tổ chức trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là cơ sở nhỏ lẻ, hộ cá thể) tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, thể hiện sự tin tưởng giao trách nhiệm của Chính phủ đối với hai tổ chức là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN) và Hội Nông dân Việt Nam.
Ở cấp địa phương, đã có 51/63 tỉnh, thành phố ký kết/hoạt động phối hợp để thực hiện Chương trình. Từ sự quan tâm phối hợp này, các cấp Hội đã rất chủ động phối hợp với Hội nông dân, ngành nông nghiệp và các ngành liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động và giám sát về an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức; nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được nhân rộng.
Các cấp Hội Phụ nữ cũng đã tham gia hiệu quả, tích cực, thiết thực hưởng ứng chiến dịch "Nâng niu giá trị nông sản Việt-Kết nối nông sản-San sẻ yêu thương" trong mùa dịch bệnh.
Chương trình phối hợp đã đạt được những kết quả tích cực, qua đó góp phần bổ sung thông tin, kiến thức về an toàn thực phẩm và kỹ năng tuyên truyền, vận động, giám sát cho cán bộ Hội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ và người dân về an toàn thực phẩm, có chuyển biến về thói quen sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Đồng thời, có tác động tích cực đến việc thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp, Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và nhiệm vụ công tác Hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh, bối cảnh 2 năm triển khai Chương trình phối hợp là giai đoạn đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là sức khỏe của người dân. Cũng chính ranh giới sinh tử của đại dịch đã giúp cho mỗi chúng ta nhận thấy những giá trị cốt lõi nhất của sự sống còn, của văn hóa, tình người và vấn đề sức khỏe, sức đề kháng của mỗi cá nhân và cộng đồng. Từ những nội dung chính của Chương trình phối hợp, mặc dù rất nhiều khó khăn nhưng các cấp Hội LHPN Việt Nam đã chủ động, trách nhiệm, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đạt kết quả quan trọng.
Công tác chỉ đạo các cấp Hội tham gia đảm an toàn thực phẩm được chú trọng theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Nội dung về an toàn thực phẩm được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; được lồng ghép trong triển khai thực hiện các tiêu chí Phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, đề án Chính phủ và các nhiệm vụ công tác Hội.
An toàn thực phẩm là 1 trong 3 nội dung can thiệp chính của Đề án 938 và là nội dung nằm trong tiêu chí "sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ" của Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Gia đình 5 có 3 sạch" để hướng dẫn, tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện có hiệu quả.
An toàn thực phẩm cũng được chú trọng trong quá trình hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhất là hiện nay đã có đề án số 01 của Chính phủ về "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" do Trung ương Hội đề xuất và chủ trì thực hiện.
Bà Hà Thị Nga cho biết, nội dung chỉ đạo đã có sự đổi mới, linh hoạt phù hợp với mục tiêu của Chương trình phối hợp giai đoạn này và đòi hỏi của thực tiễn, tập trung vào hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trong mùa dịch, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan nêu trên, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, vẫn còn một số vấn đề khó khăn, tồn tại như: Mặc dù cùng tổ chức các hoạt động với mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng công tác phối hợp giữa các cơ quan ở các cấp chưa thường xuyên, chưa đồng đều; còn 12 tỉnh, thành phố chưa ký kết được Chương trình phối hợp cấp tỉnh; ngân sách còn hạn chế, chủ yếu lồng ghép với các hoạt động khác...
Mặt khác, nhận thức của một bộ phận hội viên, phụ nữ, tiểu thương về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, chưa thật sự đầy đủ, từ đó chưa nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng. Địa bàn rộng, các hộ sản xuất kinh doanh chủ yếu là những cơ sở kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ còn thiếu điều kiện về cơ sở vật chất, có nhiều cơ sở kinh doanh theo thời vụ, không cố định nên công tác quản lý, kết nối tiêu thụ sản phẩm còn gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn; việc hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn còn tản mạn, chưa thành hệ thống….
Theo bà Hà Thị Nga, đây là những vấn đề cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, vào cuộc của Chính phủ, các ngành, địa phương; cũng là những nội dung mà Ban Chấp hành Trung ương Hội cần nghiên cứu, nắm bắt để có giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Hội và của các lực lượng phụ nữ, cùng với các cấp chính quyền thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Tại hội nghị sơ kết, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam mong muốn các đại biểu sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về đảm bảo an toàn thực phẩm, thảo luận về những giải pháp để thực hiện hiệu quả 3 nhóm chỉ tiêu, 6 nội dung đến năm 2025 của Chương trình phối hợp số 01. Làm sao để mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ đều nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, có ý thức trách nhiệm tham gia đảm bảo an toàn thực phẩm; công tác tuyên truyền, vận động về an toàn thực phẩm của các cấp Hội phải theo kịp được những thay đổi của thực tiễn, đến được với đông đảo chị em phụ nữ đang tham gia sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, đặc biệt là những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tiểu thương tại các chợ truyền thống. Để qua đó, Hội phụ nữ thực sự đóng góp, chung tay cùng Chính phủ, các ngành, các cấp và toàn xã hội làm tốt công tác an toàn thực phẩm, vì sức khỏe cộng đồng, vì sự phát triển bền vững đúng như mục tiêu Chương trình số 01 đã đề ra.
Diệp Anh
Theo Báo điện tử Chính phủ