Khuyến khích, bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế mạnh dạn đổi mới sáng tạo

25/02/2023 01:40

Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung giúp lãnh đạo ngành y tế TP.HCM có thêm niềm tin trong khuyến khích và động viên cán bộ y tế “càng khó khăn càng cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý của ngành y tế”. Với tinh thần trên, là người đứng đầu ngành y tế thành phố, PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã chia sẻ những trăn trở, kỳ vọng cùng Tạp chí Khoa học phổ thông…

PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng:

Nếu như năm 2021 là năm huy động tổng lực cho “cuộc chiến” với đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử của ngành y tế thành phố, thì bước sang năm 2022, ngành y tế TP đã phải trải qua rất nhiều khó khăn do sức tàn phá của đại dịch còn để lại nhiều hquả trên nhiều mặt khác nhau. Đó là sự biến động bất lợi về nguồn nhân lực y tế tại các cơ sở y tế công lập, sự biến động bất lợi về nguồn thu bị giảm sút của các BV tự chủ, một số sai phạm trong công tác mua sắm dẫn đến vòng lao lý của một số cán bộ y tế dẫn đến tâm lý e ngại và sợ sai trong đấu thầu ít nhiều ảnh hưởng đến sự thiếu hụt thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế,… và vẫn còn đó những cơ sở hạ tầng của một số BV thành phố xuống cấp chưa được đầu tư xây dựng mới.

Một trong những khó khăn chưa từng gặp trước đây đối với các BV công lập thuộc SY tế đó là nguồn thu của hầu hết BV bị sút giảm, một số BV không đủ nguồn chi trả lương và thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế, h quả là số nhân viên nghỉ việc tăng, nhất là lực lượng điều dưỡng của các BV. Bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn kéo dài thuộc về cơ chế chính sách như giá viện phí chưa được tính đúng tính đủ, mô hình cấu trúc quản lý BV chưa tương thích với cơ chế tự chủ tài chính của các BV. Rồi những khó khăn vốn kéo dài từ rất lâu đối với hệ thống y tế cơ sở, khó khăn trong tuyển dụng nhân lực cho y tế cơ sở luôn là thách thức đối với ngành y tế.


Đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin giúp BV cải tiến chất lượng quản lý. (Ảnh: Hội nghị Cải tiến chất lượng Bệnh viện trong thời đại mới do BV. Hùng Vương kết hợp cùng BV NCGM - Nhật Bản tổ chức ngày 23/2/2023).
 
* Thực sự đó là những dư âm, tồn đọng lớn của cả hệ thống y tế thành phố đang đặt ra và cần thiết có các giải pháp kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay vấn đề về sự khác biệt, khoảng cách chênh lệch giữa các BV Chuyên khoa và BV Đa khoa ngày càng cao. Vậy cụ thể tình trạng này như thế nào và ông đánh giá ra sao?

PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng:

Đứng ở góc độ tham mưu, giúp UBND TP quản lý về y tế, Sở Y tế đã nhìn nhận rõ thực tế tại thành phố về sự khác biệt này, trong đó đặc biệt là về tỷ trọng nguồn thu giữa BV Chuyên khoa và BV Đa khoa. Do tính chất công việc, các BV Chuyên khoa bao giờ cũng thuận lợi hơn BV đa khoa. Nhóm BV Chuyên khoa chiếm 35% số lượng BV nhưng lại chiếm tới 63% tổng thu. Đã đến lúc xem xét và sắp xếp lại loại hình tự chủ cho các BV, bởi thực tế một số BV chênh lệch thu chi cao, nhưng cũng không ít BV chênh lệch thu chi thấp, h quả là có sự khác biệt lớn về thu nhập của nhân viên y tế công lập, cụ thể là cao nhất là 39 triệu đồng/tháng, nhấp nhất là 7 triệu đồng/tháng.

Xét ở góc độ nào đó, rõ ràng đang có xu hướng mất công bình về thu nhập giữa các nhân viên y tế công lập, điều này đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách phù hợp để điều chỉnh. Chính chênh lệch về thu nhập sẽ dẫn đến tình hình nhân viên y tế nghỉ việc cũng có sự khác biệt giữa các nhóm BV, tỷ lệ nhân viên y tế nghỉ việc tại các BV đa khoa quận, huyện cao gấp đôi BV chuyên khoa của Thành phố. Hệ luỵ khó tránh khỏi đó là một bác sĩ mới ra trường thông thường sẽ thích về các BV chuyên khoa hơn BV đa khoa, lại càng rất ít các bạn chịu về y tế cơ sở, cụ thể là trạm y tế. Ngành y tế rất mong sớm có các chính sách để điều chỉnh tình trạng “hình tháp ngược” về loại hình bác sĩ, trong đó, đang có xu hướng rõ nét là các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa sẽ lớn hơn nhiều các bác sĩ đa khoa, vốn rất cần cho y tế cơ sở.

* Như vậy, xuất phát từ định hướng phát triển của ngành y tế và những khó khăn từ thực tiễn, ông có thể chia sẻ về những yêu cầu cấp bách mà Sở Y tế đặt ra cho ngành trong thời gian tới?  

PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng:

Từ yêu cầu của thực tiễn cần phải phát triển đồng bộ 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà chúng tôi xác định rất rõ, không bỏ sót nhiệm vụ nào, gồm: (1) nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch; (2) củng cố y tế cơ sở - phát triển y tế cộng đồng; (3) chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu ngoài BV; (4) hình thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực ASEAN.

Từ đó, ngành y tế TP tập trung vào các hoạt động như: nâng cao năng lực quản lý, khuyến khích đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực y tế phù hợp với từng nhiệm vụ; ưu tiên đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, phát triển kỹ thuật học thích hợp cho y tế cơ sở, và kỹ thuật chuyên sâu cho các BV tuyến cuối; và đẩy nhanh chuyển đổi số, y tế thông minh. Ngoài ra, cần định hướng và giúp các bác sĩ nhận thức đúng và chọn cho mình hướng phát triển nghề nghiệp phù hợp và lãnh đạo các BV cần quan tâm rèn luyện thêm cho các bác sĩ trẻ chỉ số vượt khó (AQ), nhất là cho nhân viên y tế trẻ thuộc diện quy hoạch.

Trước tình hình mới yêu cầu các BV công lập phải phát triển bền vững trên thế “kiềng 3 chân”. Cái chân thứ nhất là phải không ngừng phát triển kỹ thuật chuyên môn cùng tuyến và vượt tuyến đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân; Phải là chỗ dựa vững chắc về chuyên môn, kỹ thuật cho sự phát triển của BV tuyến trước và tuyến y tế cơ sở. Cái chân thứ hai là không ngừng cải tiến chất lượng điều trị, chất lượng phục vụ người bệnh, làm tăng sự hài lòng của người bệnh; Không ngừng cải thiện môi trường làm việc và thu nhập chính đáng của nhân viên, làm tăng sự hài lòng và an tâm công tác của nhân viên. Cái chân thứ ba là không ngừng đổi mới sáng tạo với các giải pháp hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hoạt động và phát triển của BV; (nhưng) Phải đảm bảo mọi hoạt động của BV tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.



Máy chụp X-quang tích hợp AI và kết nối PACs để hội chẩn từ xa đã trở thành hiện thực tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An (Cần Giờ).

* Vừa qua, thành phố đã thí điểm thi tuyển giám đốc BV và mới tìm được 01 ứng viên cho vị trí giám đốc BV Mắt. Có luồng ý kiến cho rằng “chiếc ghế” giám đốc BV là một “nghề nguy hiểm”, một phần có thể do công tác quản lý tại BV còn rất nhiều khó khăn và rủi ro. Bên cạnh đó là việc tuân thủ các quy định pháp luật trong công tác đổi mới sáng tạo là một thách thức không nhỏ. Ông có lời nhắn nhủ nào cho công tác quản lý và đổi mới sáng tạo của ngành y tế hiện tại không?

PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng:

Nguyên nhân gốc rễ của các sự cố và các khó khăn trong công tác quản lý BV khách quan có, chủ quan có. Tôi cho rằng, đối với các nguyên nhân khách quan, từ thực tiễn kiến nghị các cơ chế chính sách và xin được thí điểm triển khai thực hiện. Đối với nguyên nhân chủ quan, lãnh đạo BV phải quan tâm và ưu tiên đầu tư nguồn lực cho công tác quản lý BV, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý BV, bằng nhiều giải pháp khác nhau từ nêu gương, học tập BV bạn, nghiên cứu kinh nghiệm các nước, đến thí điểm các giải pháp đổi mới sáng tạo… Thực tiễn đã cho thấy nhiều sáng tạo của ngành y tế đã phát huy tác dụng, như quy trình báo động đỏ nhằm tăng cường và phát huy hiệu phối hợp các chuyên khoa với nhau trong cấp cứu người bệnh nguy kịch, rồi xây dựng mạng lưới cấp cứu ngoại viện với sự tham gia nhiệt tình của các BV quận, huyện, BV tư thay vì chỉ có 1 trung tâm cấp cứu 115 duy nhất chịu trách nhiệm cấp cứu người dân ở ngoài BV, hay như đưa trí tuệ nhân tạo (AI) về xã đảo Thạnh An - Cần Giờ đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác chăm sóc sức khoẻ người dân tại xã đảo

Về cơ chế chính sách, ngành y tế đã kiến nghị và triển khai thí điểm đào tạo thực hành 18 tháng cho bác sĩ mới tốt nghiệp để lấy chứng chỉ hành nghề tại các BV thành phố gắn liền với thực hành tại trạm y tế phường, xã, thị trấn. Các vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và kiến nghị triển khai thí điểm của ngành có thể kể đến như: đổi mới cấu trúc quản lý tương ứng cơ chế tự chủ tài chính theo mô hình Hội đồng quản lý BV, cơ chế điều phối nguồn phát triển sự nghiệp giữa các BV, cơ chế điều phối quỹ phát triển sự nghiệp giữa các BV công lập, mở rộng Danh mục thuốc BHYT cho tuyến y tế cơ sở v.v…

Tóm lại, những vướng mắc mạnh dạn đề nghị, cùng nhau bàn bạc kiến nghị lên Thành phố, làm cho có bài bản vì được khuyến khích và bảo vệ.

* Xin cảm ơn ông!

Một số mô hình thực tế về đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý của ngành y tế TP.HCM gần đây

  1. Hình thành mạng lưới các Trạm cấp cứu vệ tinh 115. Đến nay hơn 40 trạm cấp cứu rải khắp TP, trở thành một loại hình không thể thiếu trong hệ sinh thái khám chữa bệnh của TP.HCM.
  2. Mô hình “báo động đỏ trong cấp cứu người bệnh nguy kịch” đã trở thành quy trình chính thức, tiêu chí chất lượng về cấp cứu người bệnh áp dụng trên phạm vi cả nước.
  3. Thử nghiệm mô hình ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh kết hợp telemedicine khắc phục tình trạng khó tuyển dụng bác sĩ X-quang tại tuyến y tế cơ sở (trạm y tế xã đảo).
  4. Mô hình luân phiên bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân tại xã đảo Thạnh An.
  5. Mô hình đánh giá năng lực theo vị trí việc làm, kết quả công việc và chi trả lương 3P (BV Nhi đồng TP)…

 

Hồng Ân (thực hiện)

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp