Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết như trên liên quan đến thông tin có tình trạng mạo danh MSVT đối với một số loại trái cây xuất khẩu, trong đó có sầu riêng xuất sang Trung Quốc.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, kỳ vọng xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc là rất lớn. Muốn làm được điều này, cần thực hiện khuyến cáo, khuyến nghị của Trung Quốc với các doanh nghiệp về những vấn đề cần khắc phục. "Chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể để có thể đáp ứng yêu cầu khi sắp tới Trung Quốc tiếp tục cùng với cơ quan kiểm dịch Việt Nam tiến hành các đợt kiểm tra trực tuyến đánh giá lại các cơ sở đóng gói cũng như các vùng trồng", ông Trung nhấn mạnh.
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo hệ thống kiểm dịch thực vật của tất cả các cửa khẩu, chỉ bao giờ có sự hướng dẫn cụ thể của Cục Bảo vệ thực vật và thông báo chính thức các mã số mà phía Trung Quốc đã phê duyệt thì mới cấp phép. Căn cứ vào các mã số đã được cấp, cộng với các văn bản ủy quyền và sản lượng cho từng MSVT thì có thể kiểm soát được tình trạng mạo danh.
Ông Trung cũng khẳng định, với hệ thống kiểm dịch hiện đại và với cách thức kiểm soát hiện nay thì hoàn toàn có thể kiểm soát được, bảo đảm các quyền lợi của chủ sở hữu các MSVT cũng như cơ sở đóng gói.
Bên cạnh đó, hiện nay Cục Bảo vệ thực vật và các địa phương đang làm rất bài bản, bảo đảm khi tất cả các doanh nghiệp và các cơ sở đóng gói vùng trồng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thì lúc đó mới được phép xuất khẩu. Khoảng cuối tháng 9/2022 có thể chuẩn bị xong các bước để phục vụ xuất khẩu gồm hồ sơ, thu mua, đóng gói, in các MSVT vào bao bì để đáp ứng các yêu cầu của phía Trung Quốc...
Giải pháp để nâng số MSVT được cấp phép
Mở cửa thị trường đã là một quá trình khó khăn của cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT cũng như sự nỗ lực của các địa phương phối hợp thực hiện. Nhưng việc giữ được thị trường này phải cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa và cần tiếp tục tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định thư đã ký kết.
Thời gian tới, để duy trì và tiếp tục nâng số MSVT, cơ sở đóng gói sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp.
Cụ thể, Cục Bảo vệ thực vật và các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trồng và có cơ sở đóng gói sầu riêng tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký, khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Các đơn vị kiểm dịch thực vật kiểm soát chặt chẽ các MSVT, cơ sở đóng gói tại cửa khẩu đảm bảo các lô hàng xuất khẩu tuân thủ đúng quy định của Trung Quốc.
Các cơ quan quản lý địa phương cần tiếp tục bám sát, đồng hành cùng các vườn trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng để kịp thời hướng dẫn, giải quyết những vấn đề phát sinh; cập nhật và cung cấp những quy định mới nhất liên quan đến sầu riêng. Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói, đào tạo họ thành lực lượng nòng cốt trong giám sát, thiết lập vùng trồng theo yêu cầu của Trung Quốc. Ngoài ra, hệ thống thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ mở rộng thị trường và quảng bá hình ảnh sản phẩm sầu riêng của Việt Nam.
Các doanh nghiệp xuất khẩu phối hợp với các cơ sở đóng gói, các vùng trồng đã được cấp mã số tuân thủ chặt chẽ các quy định của Trung Quốc, không chỉ khi được kiểm tra mà phải luôn duy trì việc đáp ứng về giám sát dư lượng, kiểm soát sinh vật gây hại trong suốt quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, các vùng trồng sầu riêng cần hạn chế trồng xen với các loại cây trồng khác để kiểm soát lây nhiễm chéo sinh vật gây hại. Thông qua đó, số lượng các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đạt chuẩn sẽ được nâng cao.
Theo Đỗ Hương / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ