Không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu cuối năm

21/06/2023 16:30


Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu về tình hình cung ứng xăng, dầu nửa cuối năm 2023. Ảnh: MOIT

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết: Tổng nguồn cung xăng dầu từ 2 nguồn nhập khẩu, sản xuất 5 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 9,779 triệu m3/tấn (nhập khẩu chiếm 42,64%, sản xuất trong nước chiếm 52,36%) và lượng tồn kho khoảng 1,577 triệu tấn/m3, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, phục vụ sản xuất của người dân và doanh nghiệp sử dụng.

Nguồn cung ổn định

Trong bối cảnh đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục lâm vào tình trạng suy thoái, khủng hoảng, lạm phát và đứt gãy nguồn cung nhiều mặt hàng. Nhìn chung các quốc gia đều nỗ lực phục hồi kinh tế nhưng do đà suy thoái nên nhu cầu xăng dầu không cao và nguồn cung thế giới không quá khan hiếm, giá cả ít biến động.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận: Trong nước, nguồn cung xăng dầu từ 2 nhà máy (Bình Sơn và Nghi Sơn) khá ổn định về sản lượng. Bên cạnh đó, qua thực tiễn những tháng cuối năm 2022 vừa qua, các doanh nghiệp đầu mối và hệ thống kinh doanh xăng dầu đã có nhiều kinh nghiệm cùng sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và gỡ khó cho doanh nghiệp của các bộ, ngành đã giữ cho thị trường xăng, dầu thời gian vừa qua ổn định. 

Các doanh nghiệp đầu mối nhìn chung đều chấp hành khá nghiêm túc các quy định của pháp luật trong cung ứng, kinh doanh xăng dầu. Nhiều doanh nghiệp đầu mối đã nỗ lực hoạt động, chủ động vượt khó để cung ứng tương đối kịp thời, đầy đủ xăng dầu cho hệ thống phân phối của mình, thậm chí các doanh nghiệp còn sẵn sàng chia sẻ nguồn cung cho doanh nghiệp đầu mối, tư nhân phân phối không thuộc hệ thống.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, 2 doanh nghiệp Bình Sơn, Nghi Sơn có nhiều nỗ lực trong vận hành, khai thác vượt công suất để cung ứng ra thị trường với sản lượng đã cam kết. Nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn hoạt động sản xuất và cung ứng, kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương và Ban soạn thảo đề cập trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.

Thực hiện kế hoạch phân giao sản lượng tối thiểu

Để tiếp tục bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn cung xăng dầu, phục vụ nhu cầu thị trường trong nước thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, đầu mối kinh doanh xăng dầu và các đơn vị liên quan nghiêm túc tự đánh giá và báo cáo trung thực về kết quả hoạt động của đơn vị mình trong 6 tháng qua dựa trên các quy định hiện hành, gửi Bộ Công Thương trước ngày 15/7/2023 để làm căn cứ cho việc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cần thiết. 

Đồng thời, chú trọng rà soát việc thực hiện kế hoạch phân giao sản lượng tối thiểu (cả nguồn trong nước và nhập khẩu) mà Bộ Công Thương đã giao đầu năm cho doanh nghiệp để bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu ra thị trường.

"Trong mọi tình huống, không để đứt gãy, không để thiếu nguồn cung xăng dầu để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng chỉ đạo.


Trong mọi tình huống, không để đứt gãy, không để thiếu nguồn nguồn cung xăng dầu để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh hoạ

Bình Sơn cần chủ động phương án khi Nghi Sơn bảo dưỡng định kỳ

Dự báo nguồn cung từ Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ bị gián đoạn trong thời gian từ trung tuần tháng 8 đến hết tháng 9, đầu tháng 10 (do bảo dưỡng định kỳ), Bộ trưởng yêu cầu PVN và Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn chủ động có phương án (cả kỹ thuật, nhân lực, vật tư nguyên liệu…) trong mọi tình huống để hoạt động hết/vượt công suất, bảo đảm đủ nguồn cung theo cam kết của mình ra thị trường.

Các doanh nghiệp đầu mối căn cứ sản lượng phân giao đầu năm và sản phần phân giao bổ sung hôm nay (đối chiếu với kết quả đã thực hiện 6 tháng qua) để chủ động, nghiêm túc tiến hành nhập khẩu trong tháng 7/2023, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường, không được để đứt gãy.

Các doanh nghiệp đầu mối cần nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhất là việc thực hiện quy định về dự trữ thương mại bắt buộc; phân phối lợi nhuận trong hệ thống và việc trích lập, quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu theo đúng quy định. Khẩn trương và khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (hoặc tự đối chiếu với quy định hiện hành) để tự hoàn thiện, bảo đảm đủ điều kiện hoạt động theo quy định).

Bên cạnh đó, cần chủ động và mạnh mẽ hơn trong cơ cấu lại doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trước mắt cần nghiêm túc thực hiện đề án, kế hoạch kết nối thông tin, dữ liệu theo thời gian thực vàkhẩn trương áp dụng chứng từ, hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ ngày 1/8/2023.

Đồng thời, thường xuyên phản ánh, cung cấp các số liệu, dữ liệu liên quan tới việc điều chỉnh công thức tính giá và mặt bằng giá cơ sở kinh doanh xăng dầu; đồng thời, chủ động tích cực cung cấp thông tin cho báo chí hoặc minh bạch hóa thông tin trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của mình, bảo đảm công khai, khách quan để nhận được sự chia sẻ của xã hội.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thẳng thắn phê bình các doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm túc các chỉ đạo, điều hành của liên Bộ Tài chính - Công Thương cũng như các quy định có liên quan của pháp luật. Đồng thời khẳng định, mọi ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội tại cuộc họp sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục ghi nhận, kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc phản ánh với cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Phan Trang


Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp