Bộ GD&ĐT đã nhận được đơn phản ánh, kiến nghị của một số cơ sở đào tạo về việc một số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm của các trường, đã đăng ký nguyện vọng trên hệ thống đúng ngành xét tuyển, nhưng có sai sót về mã phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển.
Vì thế, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát tất cả các trường hợp thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm và đối sánh với danh sách nguyện vọng của thí sinh tải từ cơ sở dữ liệu của hệ thống. Trong trường hợp có sai sót, các trường xem xét quyết định đưa thí sinh vào danh sách lọc ảo theo quy trình (liên hệ với thí sinh nếu cần thiết).
Hôm nay, 14/9, các cơ sở đào tạo bước vào ngày lọc ảo thứ 5 và sẽ còn một lần lọc ảo cuối cùng vào ngày 15/9.
Kết thúc quy trình lọc ảo, từ ngày 15/9 đến trước 17h ngày 17/9, các trường sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển và kết quả xét tuyển năm 2022.
Trước 17h ngày 30/9, thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Hơn 400.000 thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm
Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện triển khai việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp lệ phí xét tuyển theo hình thức trực tuyến. Do đó nhiều thí sinh đã đăng ký nhầm tổ hợp hoặc sai phương thức xét tuyển. Có nhiều trường hợp thí sinh dù đã trúng tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ, nay mới phát hiện không có tên trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT cho biết, đến nay có hơn 400.000 thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Tuy nhiên, thống kê cho thấy chỉ 35% trong số này đặt ngành đã trúng tuyển sớm ở nguyện vọng 1; 30% đặt ở các nguyện vọng khác (từ nguyện vọng hai trở đi) và 35% không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp.
Qua phân tích số liệu, đại diện một số trường cho biết, điểm chuẩn năm nay sẽ tăng nhẹ ở một số ngành "hot" như: Công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, truyền thông đa phương tiện…
Theo Phương Liên / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ