Khẩn: TP.HCM tăng cường phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N1

25/02/2023 15:55

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn về phòng chống cúm gia cầm A/H5N1. Tỉnh Prey Venbg (Campuchia), có đường biên giới với Việt Nam, bước đầu ghi nhận 02 trường hợp dương tính với virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, trong đó 01 bệnh nhi tử vong.

Ngày 25/2/2023, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai phòng chống dịch bệnh cúm A/H5N1, sau khi tiếp nhận công văn của Viện Pasteur TP.HCM về việc tăng cường giám sát viêm phổi nặng do virus.

Sở Y tế TP.HCM Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) triển khai các biện pháp giám sát chặt người nhập cảnh đi/đến/ở từ vùng có dịch cúm A/H5N1 và phối hợp với các trạm Kiểm dịch động vật trong giảm sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu.

HCDC cũng tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp, chùm ca bệnh ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM  để xác định nguyên nhân và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế lây lan diện rộng.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu HCDC triển khai hoạt động truyền thông đến người dân về các biện pháp phát hiện, phòng, chống bệnh cúm gia cầm tại cửa khẩu và tại cộng đồng.

HCDC sẽ làm đầu mối, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm tại các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Tổ chức tập huấn cho các Trung tâm Y tế quận, huyện và TP Thủ Đức về công tác giám sát và phòng, chống dịch cúm A(H5N1) tại cộng đồng nhằm tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng; đặc biệt chú ý đến các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng dịch.

Còn các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi diễn tiến bất thường, đặc biệt có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết; thực hiện hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để được chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phải đảm bảo nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để tiếp nhận cách ly, điều trị các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định cúm A/H5N1; đồng thời tổ chức tập huấn lại về chẩn đoán, điều trị, phòng lây nhiễm cúm A(H5N1) cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Kể từ khi H5N1 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, sự lây truyền virus H5N1 sang người vẫn không phổ biến và không bền vững. Mặc dù mức độ rủi ro của dịch bệnh cúm A/H5N1 đối với con người là thấp nhưng WHO khuyến cáo không chủ quan và cần chuẩn bị các tình huống xấu có thể xảy ra khi có bát kỳ sự biến đổi nào của tác nhân gây bệnh.

Đáng lo ngại hơn khi Viện Pasteur TPHCM vừa thông tin cho biết (theo tin từ WHO) tại tỉnh Prey Veng của Campuchia bước đầu ghi nhận hai trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm gia cầm A (H5N1) độc lực cao, trong đó có một trường hợp tử vong và một số trường hợp nghi mắc bệnh.

Trước đó, ngày 8/02/2023, WHO công bố ghi nhận đã có một số báo cáo về một số loại động vật có vú (bao gồm chồn, rái cá, cáo và sư tử biển) đã bị nhiễm cúm gia cầm H5N1. Theo WHO, H5N1 đã lây lan sang các loài chim và gia cầm hoang dã trong 25 năm qua, nhưng gần đây xuất hiện lây lan sang động vật có vú là dấu hiệu cần được theo dõi chặt chẽ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người không nên tiếp xúc trực tiếp hoặc thu gom động vật hoang dã đã chết hoặc bị bệnh, thay vào đó phải báo ngay cho chính quyền địa phương biết để xử lý. WHO khuyến nghị các quốc gia cần tăng cường giám sát những nơi con người và động vật nuôi hoặc động vật hoang dã có tương tác với nhau.

Mạng lưới phòng xét nghiệm toàn cầu của WHO, Hệ thống giám sát và ứng phó cúm toàn cầu tiếp tục xác định và giám sát các chủng virus cúm đang lưu hành, đồng thời cung cấp khuyến cáo cho các quốc gia về nguy cơ của H5N1 đối với sức khỏe con người, các biện pháp kiểm soát dịch cúm H5N1 và hướng dẫn điều trị.

WHO tiếp tục đồng hành với các nhà sản xuất để đảm bảo rằng khi cần, nguồn cung cấp vắcxin và thuốc kháng virus sẽ luôn có sẵn trên phạm vi toàn cầu.

An Quý

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp