Học viện Nông nghiệp Việt Nam giảm 5 ngành đào tạo

11/02/2023 13:27


Năm 2023, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh 18 nhóm ngành với tổng chỉ tiêu 5.860

Học viện áp dụng 4 phương thức xét tuyển: Tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ; xét kết hợp.

Nhóm ngành/ngành và tổ hợp xét tuyển như sau:


Theo đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đưa ra 4 phương thức xét tuyển cho năm 2023 gồm:

Phương thức 1: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển

Học viện xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển các nhóm đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Học viện nhận vào học có điều kiện đối với những trường hợp dưới đây:

- Thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định hiện hành của Chính phủ hoặc thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ hoặc thí sinh có nơi thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo nơi thường trú) theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được nhận vào học các ngành thuộc nhóm ngành Nông nghiệp và Thủy sản và các nhóm ngành khác khi có học lực ít nhất 1 năm tại các trường THPT đạt loại Khá.

- Thí sinh là người nước ngoài có kết quả kiểm tra kiến thức và năng lực Tiếng Việt (hoặc Tiếng Anh đối với các chương trình giảng dạy bằng Tiếng Anh) đáp ứng quy định hiện hành của Bộ trưởng GD-ĐT.

Phương thức 2: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (theo quy định, lịch trình của Bộ GD-ĐT và theo Đề án tuyển sinh của Học viện)

Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi với thang điểm 10 theo tổ hợp xét tuyển cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định. Mức chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp là 0 điểm. Học viện sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Cách tính điểm xét tuyển:

Điểm xét tuyển = Điểm thi môn 1 + Điểm thi môn 2 + Điểm thi môn 3 + Điểm ưu tiên (nếu có).

Học viện công nhận và sử dụng kết quả miễn bài thi môn ngoại ngữ tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học chính quy năm 2023. Đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ sử dụng để miễn bài thi môn ngoại ngữ tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT đồng thời vẫn tham gia thi môn ngoại ngữ thì Học viện sử dụng kết quả bài thi ngoại ngữ để xét tuyển.

Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (Xét học bạ)

Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cả năm lớp 11 (đối với xét tuyển đợt 1) hoặc lớp 12 (đối với xét tuyển đợt 2) theo thang điểm 10 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 21-23 điểm trở lên. Riêng nhóm ngành Sư phạm công nghệ, thí sinh đạt học lực năm lớp 12 xếp loại từ Giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT đạt từ 8 trở lên.

Cách tính điểm xét tuyển:

Điểm xét tuyển = ĐTBcn môn 1 + ĐTBcn môn 2 + ĐTBcn môn 3 + Điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó: ĐTBcn là điểm trung bình cả năm.

Nguyên tắc xét tuyển là thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm ngành với tối đa 2 nguyện vọng (NV) tương ứng 2 nhóm ngành đào tạo và được xét tuyển theo thứ tự ưu tiên: Học lực đạt loại Giỏi 2 kỳ tại năm xét tuyển trong các trường THPT; Thí sinh trúng tuyển có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng điểm trúng tuyển theo mức từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu hoặc chỉ tiêu còn lại của từng nhóm ngành của phương thức này. Mức chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp là 0 điểm. Thí sinh trúng tuyển NV1 sẽ không được xét tuyển NV2. Thí sinh không trúng tuyển vào NV2 đã đăng ký thì tiếp tục được xét tuyển vào các nhóm ngành khác khi còn chỉ tiêu. Thí sinh có thể được xem xét chuyển ngành/chuyên ngành trong thời gian học tập theo quy định.

Trong phương thức xét tuyển này, thí sinh đạt học lực loại Giỏi ít nhất 2 kỳ trong các năm học tại trường THPT được ưu tiên xét tuyển thẳng vào ngành học ưa thích.

Phương thức 4: Xét tuyển kết hợp

Thí sinh chỉ chọn 1 trong 3 tiêu chí xét tuyển kết hợp dưới đây:

* Tiêu chí 1: Với thí sinh đạt học lực loại Khá năm lớp 11 (đối với xét tuyển đợt 1) hoặc lớp 12 (đối với xét tuyển đợt 2) tại các trường THPT và có điểm kết quả thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 5.0 trở lên hoặc các chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế tương đương khác do Bộ GD-ĐT công bố thì điểm xét tuyển tính theo công thức sau:

Điểm xét tuyển = ĐTB cả năm đạt học lực khá x 3 + Điểm ưu tiên (nếu có)

* Tiêu chí 2: Xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ) kết hợp với kết quả cuộc thi Kiến thức Công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA - 2023, cộng điểm ưu tiên (nếu có). Tiêu chí này điểm nộp hồ sơ xét tuyển phải đạt từ 21-23 trở lên tùy ngành.

Điểm xét tuyển = Điểm học tập theo tổ hợp xét tuyển + Điểm quy đổi kết quả cuộc thi Kiến thức Công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA - 2023+ điểm ưu tiên (nếu có).

Trong đó:

- Điểm học tập theo tổ hợp xét tuyển là tổng điểm trung bình cả năm lớp 11 (đối với xét tuyển đợt 1) hoặc lớp 12 (đối với xét tuyển đợt 2) với thang điểm 10 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển.

- Điểm quy đổi kết quả cuộc thi Kiến thức Công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA – 2023 tối đa là 2 điểm.

* Tiêu chí 3: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 kết hợp với kết quả cuộc thi Kiến thức Công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA - 2023, cộng điểm ưu tiên (nếu có). Tiêu chí này điểm nộp hồ sơ xét tuyển phải đạt từ 18-20 điểm trở lên tùy ngành.

Điểm xét tuyển = Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo tổ hợp xét tuyển + Điểm quy đổi kết quả cuộc thi Kiến thức công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA - 2023 + điểm ưu tiên (nếu có).

Điểm quy đổi kết quả cuộc thi Kiến thức công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA - 2023 tối đa là 2 điểm.

Nguyên tắc xét tuyển là thí sinh đăng ký theo nhóm ngành với tối đa 01 nguyện vọng (NV) tương ứng 1 nhóm ngành đào tạo. Học viện xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Thí sinh không trúng tuyển vào NV đã đăng ký thì tiếp tục được xét tuyển vào các nhóm ngành khác khi còn chỉ tiêu.

Phương Liên


Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp