Với chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường sống và làm việc.
Các nhà khoa học khẳng định: Việc sử dụng thuốc lá không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống.
Tại Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá - có hiệu lực từ ngày 1-5-2013, trong đó quy định cụ thể các chế tài. Tuy nhiên, thực tế tình trạng vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến.
Thời gian qua, các địa phương, đơn vị, bộ, ngành, đoàn thể đã thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá; ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành, lĩnh vực về việc tổ chức triển khai, thực thi nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nhờ đó, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
So với năm 2015, năm 2020 tỷ lệ hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% năm 2015 xuống còn 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá giảm từ 45,3% năm 2015 xuống còn 42,3% năm 2020. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các điểm: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, các phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.
Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp “Thuốc lá - Mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” nhằm thông tin những tác hại của thuốc lá đối với môi trường.
Theo Tạp chí Sức Khoẻ Cộng Đồng