Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) kết hợp kỹ thuật điều trị hiến tặng ty thể (MDT) sẽ giúp hạn chế tối đa khả năng em bị mắc bệnh di truyền hiếm gặp.
Mới đây, Cơ quan Y tế Anh Quốc đã xác nhận em bé đầu tiên trên thế giới được sinh ra nhờ sự kết hợp DNA của ba người, gồm: cha, mẹ và người hiến tặng. Dù vậy, nhờ phương pháp tiên tiến, 99,8% DNA của em bé đều đến từ cha mẹ ruột.
Theo công bố, em bé được sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) kết hợp kỹ thuật điều trị hiến tặng ty thể (MDT).
Đầu tiên, các bác sĩ sẽ lấy mô trứng từ những người hiến tặng khỏe mạnh và mẹ ruột có ty thể bị lỗi. Sau đó lấy vật liệu di truyền từ trứng hoặc phôi của người mẹ ruột chuyển vào trứng hoặc phôi của người hiến tặng - đã được loại bỏ các phần khác của DNA. Phôi tiếp tục được thụ tinh trong ống nghiệm trước khi đưa trở lại cơ thể người mẹ ruột.
Trung tâm Sinh sản Newcastle là đơn vị tiên phong nghiên cứu và duy nhất được cấp phép áp dụng kỹ thuật MDT vào thực tế, sau khi Quốc hội Anh sửa đổi luật về phương pháp điều trị hiến tặng ty thể vào năm 2015.
Việc sử dụng kỹ thuật MDT giúp những người phụ nữ có ty thể đột biến sinh con mà không mắc rối loạn di truyền. Những khiếm khuyết di truyền sang con có thể dẫn đến rối loạn dưỡng cơ, động kinh, tim mạch và thiểu năng trí tuệ, tuổi thọ ngắn...
Theo công bố của Cơ quan Phôi học và Thụ tinh Con người của Vương quốc Anh (HFEA) vào hôm 9/5, tổng số ca được Trung tâm Sinh sản Newcastle thực hiện cho tới hiện tại là "dưới 5". Thông tin chi tiết không được công bố do lo ngại có thể làm ảnh hưởng tới những gia đình tham gia chương trình.
Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online