Giải pháp và bước đi phù hợp trong công tác tinh giản biên chế của ngành GD&ĐT Nghệ An

14/04/2022 08:46

Vấn đề biên chế ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng, lâu nay đặt ra những mâu thuẫn, giữa yêu cầu tinh giản biên chế với số học sinh tăng. Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay tiếp tục đặt ra bài toán khó, cần nghiên cứu để có những giải pháp và bước đi phù hợp.

Nhiều giải pháp quyết liệt của ngành giáo dục Nghệ An

GD&ĐT là ngành có tổng biên chế lớn so với các ngành khác ở tỉnh Nghệ An. Triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương và tỉnh về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, thời gian qua, Sở GD&ĐT Nghệ An đã phối hợp với các địa phương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc rà soát thực tế, đồng thời đưa ra các nhóm giải pháp mang tính tổng thể để thực hiện. Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã chủ động xây dựng đề án, kế hoạch với lộ trình cụ thể về tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014-NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP gắn với việc tuyển dụng công chức, viên chức có chất lượng. Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong của từng đơn vị sự nghiệp; sắp xếp trường, lớp hợp lý. Tại huyện Con Cuông đã tiến hành giảm trường, điểm trường, giảm lớp, tăng sỹ số học sinh trên lớp. Giai đoạn 2017 - 2021, huyện Con Cuông tiến hành sáp nhập 11 trường có quy mô nhỏ. Tiến hành chuyển đổi mô hình thành trường bán trú đối với Trường Tiểu học Cam Lâm và Trường Tiểu học Đôn Phục để đưa học sinh các lớp 3, 4 và 5 từ các điểm trường lẻ về điểm trường chính. Song song sắp xếp trường, lớp gọn và hợp lý để tinh giản đội ngũ, huyện Con Cuông thực hiện bố trí 55 giáo viên, nhân viên công tác liên trường và tiến hành tinh giản biên chế 9 người.

Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An kiểm tra việc dạy học cho học sinh tại Trường tiểu học Lê Lợi, thành phố Vinh. ( Ảnh: Báo NA)
Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An kiểm tra việc dạy học cho học sinh tại Trường tiểu học Lê Lợi, thành phố Vinh. ( Ảnh: Báo NA)

Thời gian qua, huyện Quỳnh Lưu là địa phương quyết liệt sát nhập trường theo mô hình liên cấp, đồng thời sáp nhập, giảm điểm trường lẻ tại một số địa phương. Tổ chức bố trí dùng chung nhân viên kế toán tại một số trường. Bố trí giáo viên dạy liên trường bậc tiểu học, THCS. Thực hiện kiêm nhiệm một số bộ môn bậc THCS, như giáo viên Toán dạy thêm Tin, giáo viên Văn dạy thêm Giáo dục công dân. Để khắc phục thừa thiếu cục bộ, Quỳnh Lưu điều động, biệt phái 28 giáo viên ngoại ngữ THCS dôi dư xuống dạy bậc tiểu học (thời gian từ 1-2 năm tùy theo đơn vị). Hàng năm bố trí, điều động, biệt phái giáo viên văn hóa giữa các đơn vị cấp tiểu học. Giai đoạn 2015-2021, huyện Quỳnh Lưu tinh giản 78 người, trong đó 74 người nghỉ theo chế độ 108 và 113, 4 người thôi việc. Tại huyện Thanh Chương, giai đoạn 2015-2021, đã sáp nhập 3 trường mầm non Thanh Văn, Thanh Tường, Thanh Hưng thành Trường Mầm non Đại Đồng. Sáp nhập, giảm 17 điểm trường lẻ mầm non. Bậc tiểu học, sáp nhập 5 trường thành 3 trường, giảm 10 điểm trường lẻ. Bậc THCS, sáp nhập 2 trường thành 1 trường. Bố trí giáo viên dạy liên trường đối với môn tiếng Anh và Tin học ở 2 bậc tiểu học và THCS. Bố trí giáo viên dạy liên môn ở bậc THCS. Qua đó huyện Thanh Chương đã tinh giản biên chế theo chế độ 108 và 113 với tổng số 26 người.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Nghệ An, kết quả sắp xếp, tổ chức lại bộ máy giai đoạn 2015 - 2021 toàn ngành, đã giảm 2 phòng trong cơ quan Sở, giảm 99 đơn vị sự nghiệp công lập. Toàn tỉnh giảm 162 điểm trường ở 3 bậc học. Giảm 582 tổ chuyên môn và 1291 tổ văn phòng trong các trường học. Kết quả tinh giản biên chế năm 2021 so với năm 2015 toàn ngành là 1.783 người: Trong đó khối mầm non, tiểu học, THCS giảm 1.401 người. Các đơn vị trực thuộc Sở giảm 382 người.

Mục tiêu,nhiệm vụ cho giai đoạn 2021 - 2025

Chủ trương tinh giản biên chế giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục đặt ra chỉ tiêu 10%. Việc tinh giản biên chế trong điều kiện số học sinh tăng ở các cấp học, đặc biệt yêu cầu đảm bảo đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và tỷ lệ giáo viên/lớp hiện tại chưa tiệm cận quy định, đang đặt bài toán khó cho ngành GD&ĐT Nghệ An. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên bậc học mầm mon của tỉnh Nghệ An chỉ đạt 1,78 giáo viên/lớp, nhóm trẻ (tính cả hợp đồng lao động). Trong khi đó Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định 2,5 giáo viên/nhóm trẻ và 2,2 giáo viên phụ trách/lớp mẫu giáo. Tỷ lệ giáo viên cấp tiểu học, tỷ lệ bình quân chỉ đạt 1,28 giáo viên/lớp, trong khi quy định tối đa là 1,5 giáo viên/lớp. Cấp THCS, tỷ lệ 1,75 giáo viên/lớp, trong khi quy định tối đa là 1,9 giáo viên/lớp. Như vậy, so với định mức quy định để thực hiện nhiệm vụ, năm học 2021-2022, ngành Giáo dục Nghệ An đang còn thiếu hơn 8.000 giáo viên ở các cấp học. Giáo sư, Tiến sỹ Thái văn Thành, đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: "Việc thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo áp lực lao động lên đội ngũ giáo viên, làm hạn chế sự sáng tạo của nhà giáo...".

Năm học 2021 - 2022, việc giao biên chế cho ngành GD&ĐT đã có thay đổi với tổng biên chế được giao cao hơn các năm trước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho các cơ sở GD&ĐT. Tuy nhiên khó khăn vẫn đang tiếp tục đặt ra. Cụ thể, tổng biên chế của ngành GD&ĐT Nghệ An giao là 54.475 người. Trong đó có 45.980 người hưởng lương từ ngân sách. 8.459 hợp đồng hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp. 36 người hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Theo phản ánh của ông Lê Thanh An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông, mặc dù biên chế giao cho địa phương tăng, nhưng số lao động hợp đồng hưởng từ nguồn thu sự nghiệp gồm 78 giáo viên mầm non, 36 giáo viên tiểu học và 25 giáo viên THCS đối với Con Cuông không thể thực hiện do địa phương và các trường học không có nguồn để chi trả lương hợp đồng. Đây cũng là thực tế chung ở các địa phương, nghĩa là 8.459 hợp đồng hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp được giao ở Nghệ An hiện chưa khả thi.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: Việc giao là để có cơ sở cho các địa phương, cơ sở giáo dục tìm nguồn thu để chi trả, nhưng hiện tại chưa có nguồn thu để thực hiện. Để đảm bảo về đội ngũ thực hiện các mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm áp lực lao động lên đội ngũ nhà giáo và tạo điều kiện cho sáng tạo, đổi mới, Sở GD&ĐT Nghệ An kiến nghị bổ sung biên chế, bảo đảm số người làm việc các cấp học theo quy định.

Mặt khác, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã chủ động đề ra một số giải pháp để tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ giai đoạn 2022 - 2026. Yêu cầu đặt ra cho ngành GD&ĐT Nghệ An là tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông liên cấp, cụm xã. Củng cố hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú cấp THCS . Xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học. Thực hiện thí điểm mô hình trường trọng điểm, thí điểm mô hình trường tiên tiến. Xây dựng đề án tinh giản biên chế, nhất là nhóm lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ và hành chính, phục vụ theo hướng tăng cường kiêm nhiệm các vị trí y tế, thiết bị, kế toán, văn thư, thủ quỹ. Tăng cường đánh giá, xếp loại công chức, viên chức thực chất để tinh giản những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm.

Theo Nguyễn Hữu Mai / Ngày Mới Online

Dành cho doanh nghiệp