Giá nông sản, năng lượng hồi phục mạnh

16/06/2023 09:43


Trong khi đó, giá trị giao dịch toàn Sở tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng mạnh với mức tăng hơn 17%, đạt gần 6.000 tỷ đồng, cao hơn 16% so với giá trị giao dịch trung bình ghi nhận trong tuần trước.

Khí tự nhiên tăng vọt 8%, dầu thô tăng mạnh 3%

Năng lượng là thị trường ghi nhận đà tăng mạnh nhất trong ngày hôm qua. Chỉ số MXV- Index năng lượng (đo lường biến động của các mặt hàng trong nhóm) tăng tới 3,72%, lên mức cao nhất trong hơn 1 tuần trở lại đây. Giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 8% trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 3,25% trong cuộc họp ngày hôm qua. Trong khi trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tạm thời giữ nguyên lãi suất. Điều này đã kéo đồng euro đạt mức cao nhất trong 5 tuần so với đồng USD.  

Đồng USD suy yếu đã hỗ trợ cho lực mua trên thị trường do chi phí mua hàng trở nên rẻ hơn tương đối so với người mua bằng đồng tiền thương mại khác.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày 15/6, được thúc đẩy bởi tình hình tiêu thụ khả quan của Trung Quốc, cùng các dấu hiệu kích thích tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Ngoài ra, mối lo nguồn cung sụt giảm vẫn tiềm ẩn, hỗ trợ cho giá dầu. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 3,44% lên mức 70,62 USD/thùng và dầu Brent tăng 3,37%, lên mức 75,67 USD/thùng. 


MXV nhận định, thị trường dầu thô hiện đang đón nhận một vài tín hiệu tích cực hơn về nhu cầu, đặc biệt là kỳ vọng quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới Trung Quốc sẽ gia tăng các biện pháp kích thích kinh tế. Trong khi đó, nguồn cung dầu khu vực Trung Đông bị siết chặt rất dễ khiến thị trường rơi vào trạng thái thâm hụt vào giai đoạn tiêu thụ cao điểm tháng 6, tháng 7. Điều này có thể đưa giá dầu WTI sớm phục hồi lên vùng giá 73-75 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu WTI vẫn sẽ khó quay lại vùng giá 80 USD/thùng trong 1, 2 tháng tới khi rủi ro tăng trưởng yếu tại Mỹ còn tiềm ẩn, nhất là khả năng lãi suất tiếp tục tăng vẫn còn bỏ ngỏ. 

Lúa mì tăng 5%, thị trường nông sản hồi phục mạnh

Thị trường nông sản ghi nhận phiên giao dịch với đà hồi phục mạnh mẽ thể hiện qua mức tăng của toàn bộ các mặt hàng trong nhóm. Lúa mì đã tăng mạnh gần 5%, lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua. Lo ngại về tình hình nguồn cung tại khu vực biển Đen, trong bối cảnh thời tiết căng thẳng tại châu Âu đã hỗ trợ giá. 

Công ty tư vấn Strategie Grains dự báo sản lượng lúa mì mềm của EU niên vụ 23/24 ở mức 128,7 triệu tấn, giảm so với mức 130 triệu tấn dự báo hồi tháng 5. Tại Tây Ban Nha, nơi bị ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng trong năm nay, vụ thu hoạch lúa mì được dự báo sẽ đạt "mức thấp lịch sử”. 


Trong khi đó, đà tăng của giá đậu tương đã được mở rộng trong phiên giao dịch hôm qua khi giá ghi nhận mức nhảy vọt tới 24 USD/tấn lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 5. Cả nguồn cung và nhu cầu đều là những thông tin xuất hiện và hỗ trợ cho giá. 

Thời tiết khô hạn kéo dài sau khi hoàn thành việc gieo trồng đang gây áp lực đối với cây trồng trên khắp khu vực Midwest của Mỹ, dấy lên lo ngại rằng sản lượng đậu tương năm nay có thể giảm xuống dưới mức kỳ vọng. Đặc biệt, mùa vụ ở các bang sản xuất chính như Illinois, Indiana và Michigan đang chịu áp lực hạn hán nặng nề nhất. 

Trong khi đó, xét về nhu cầu, khối lượng bán hàng đậu tương niên vụ 22/23 của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 8/6 đã tăng hơn gấp đôi lên mức 478.368 tấn, theo báo cáo từ Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA). 

Ngoài ra, khối lượng ép dầu đậu tương tháng 5 của Mỹ đã vượt qua hầu hết các dự đoán của thị trường, đồng thời cũng đạt mức cao nhất từng được ghi nhận cho tháng này, Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) báo cáo. 

Đáng chú ý, dầu đậu lại tiếp tục là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất đậu tương. MXV cho biết, triển vọng nguồn cung dầu thực vật sụt giảm đã hỗ trợ mạnh cho giá dầu đậu tương.


Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp