Phản ứng giá từ tín hiệu CPI
Lực bán quay lại thị trường dầu sau 3 phiên tăng liên tiếp với giá dầu thô WTI giảm 1,56% về 72,56 USD/thùng, giá dầu thô Brent đóng cửa giảm 1,33% về 76,41 USD/thùng.
Sức ép bán xuất hiện ngay từ đầu phiên sáng khi báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng 3,6 triệu thùng, sau 3 tuần giảm liên tiếp. Thị trường sau đó hướng sự chú ý vào Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ.
Phần lớn các chỉ số CPI được công bố đều không tiêu cực hơn so với dự đoán trước đó. Cụ thể, CPI và CPI lõi (trừ năng lượng và thực phẩm) đều tăng 0,4% so với tháng 3. Đáng chú ý, CPI tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với dự báo 0,1%.
Các số liệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Giá dầu hồi phục nhẹ với kỳ vọng tiêu thụ sẽ được cải thiện khi nền kinh tế sẽ bớt chịu áp lực do các đợt tăng lãi suất.
Một số thông tin khác mà các nhà đầu tư cần theo dõi trong thời gian tới bao gồm sản lượng dầu của Venezuela và phản ứng của Mỹ đối với đợt cắt giảm gần đây của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+). Tập đoàn Chevron của Mỹ đang có kế hoạch thúc đẩy sản lượng dầu thô tại Venezuela lên tới 160.000 thùng/ngày trong năm nay và khoảng 200.000 thùng/ngày vào năm 2024.
Sắc đỏ áp đảo bảng giá kim loại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/5, sắc đỏ áp đảo bảng giá thị trường kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, trong khi bạch kim vẫn duy trì đà tăng giá với mức tăng 0,28% lên 1.119,1 USD/ounce, thì giá bạc cho thấy sự suy yếu. Giá bạc đánh mất 0,93% về 25,65 USD/ounce.
Tâm điểm của thị trường trong phiên hôm qua hướng về báo cáo lạm phát của Mỹ.
Áp lực lạm phát giảm bớt giúp củng cố tâm lý nhà đầu tư nhờ kỳ vọng Fed có thể tạm ngừng chu kỳ tăng lãi suất. Dòng tiền được phân bổ quay trở lại các thị trường rủi ro như thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử. Điều này khiến dòng vốn chảy vào thị trường kim loại quý giảm bớt và gây sức ép tới giá.
Triển vọng nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của giá đồng từ đầu năm, tuy nhiên, dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy đà tăng trưởng của Trung Quốc đang dần chững lại, hoạt động sản xuất suy yếu trong khi tăng trưởng xuất nhập khẩu mất đà, điều này làm suy yếu triển vọng tiêu thụ các mặt hàng kim loại cơ bản, trong đó có đồng.
Mặt khác, trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ đang mờ nhạt đi trong thời gian gần đây, thì nguồn cung đồng lại tương đối ổn định, khiến giá đồng phải chịu sức ép.
Trái lại, giá quặng sắt có phiên phục hồi tích cực với mức tăng 1,26% lên 103,3 USD/tấn, nhờ kỳ vọng nhu cầu hồi phục tại Trung Quốc. Triển vọng ngành thép khởi sắc đã thúc đẩy sức mua trên thị trường quặng sắt, do sắt là nguyên liệu quan trọng để sản xuất thép.
Giá thép nội địa giảm lần thứ 3 liên tiếp
Trên thị trường nội địa, hôm qua (10/05), giá thép xây dựng bất ngờ được điều chỉnh giảm sau 2 tuần đi ngang. Cụ thể, thép thanh D10 CB300 đồng loạt giảm khoảng 100 đồng/kg trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, giá thép này dao động trong khoảng 15.150-15.290 đồng/kg.
Trong khi đó, thép cuộn CB240 duy trì ổn định quanh mức 14.820-14.900 đồng/kg. Như vậy, giá thép của nhiều thương hiệu trong nước đã có lần giảm thứ ba liên tiếp sau chuỗi tăng 5 lần trước đó. Hiện thép cuộn của Hòa Phát miền Bắc thấp hơn đầu năm khoảng 20.000 đồng/tấn, ngược lại thép cây cao hơn 530.000 đồng/tấn.
Theo MXV, đà giảm của giá thép trong nước có thể sẽ còn nối dài lại do sức ép từ giá nguyên vật liệu đi xuống trong khi nhu cầu tiêu thụ trong ngành xây dựng, bất động sản vẫn chưa cho thấy dấu hiệu bứt phá.
Theo Báo điện tử Chính phủ