Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều

05/05/2023 10:29


Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư có sự dịch chuyển mạnh mẽ đến nhóm nguyên liệu công nghiệp. Kết thúc phiên, giá trị giao dịch tính riêng nhóm này đã tăng vọt lên 1.823 tỷ đồng, chiếm đến 38,8% tổng khối lượng của toàn thị trường; từ đó nâng giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh 41,7%, đạt gần 4.700 tỷ đồng.

Nhu cầu bông hồi phục thúc đẩy giá tăng kịch trần

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/5, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi giá bông tăng kịch trần nhờ dữ liệu bán hàng, xuất khẩu tích cực tại Mỹ. 

Theo sau sự bật tăng của bông là mức tăng 1,39% của đường 11 khi thị trường quay lại nhìn nhận vấn đề về thu hẹp sản lượng tại các quốc gia sản xuất hàng đầu. 


Ở chiều ngược lại, giá cà phê Arabica đi ngược chiều với phần lớn các mặt hàng trong nhóm khi giảm 1,37% so với mức tham chiếu. Bên cạnh sức ép từ nguồn cung, giá cà phê chịu thêm áp lực mới từ tình hình kinh tế vĩ mô ảm đạm. Lo ngại về suy thoái kinh tế tại các thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới như Mỹ và châu Âu, làm gia tăng kịch bản cắt giảm chi tiêu với các loại hàng hóa không thiết yếu như cà phê, đặc biệt là mặt hàng với giá thành cao như Arabica...

Robusta hợp đồng tháng 7 cũng ghi nhận mức giảm 0,5% khi thị trường đặt niềm tin vào mùa vụ bội thu tại Brazil. 


Giá sắt mất mốc 100 USD/tấn

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/5, thị trường kim loại quý ghi nhận những diễn biến trái chiều. Cụ thể, giá bạc tăng 2,13% lên 26,23 USD/ounce. Trong khi đó, bạch kim giảm 1,08% xuống 1.050,30 USD/ounce.

Yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của giá bạc vẫn đến từ vai trò trú ẩn an toàn vượt trội khi dòng tiền rời khỏi các thị trường đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán.  Lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng thúc đẩy dòng tiền phân bổ vào nhóm kim loại quý trong bối cảnh áp lực lãi suất cao trên toàn cầu. 

Trái lại, giá bạch kim sụt giảm, khi vai trò trú ẩn yếu hơn so với vàng và bạc. 

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng lấy lại sắc xanh trong một phiên giao dịch giằng co với mức tăng nhẹ 0,47% lên 3,86 USD/pound.

Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt đánh mất mốc 100 USD với mức giảm 1,82% về 99,44 USD/tấn. Giá sắt vẫn đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022 và đã giảm gần 25% so với mức cao nhất được thiết lập vào tháng 3 vừa qua. Sức ép kép từ việc lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn chưa khởi sắc, cùng với việc sản lượng thép có thể tiếp tục bị hạn chế để bảo vệ môi trường là nguyên nhân chính làm suy yếu giá quặng sắt trong thời gian gần đây. 

Tồn kho ngành thép tăng nhẹ trong quý đầu năm

Sau 2 quý sụt giảm mạnh liên tiếp, tồn kho toàn ngành thép đã tăng nhẹ trở lại sau quý đầu năm nay. Tổng lượng tồn kho (đã bao gồm dự phòng giảm giá) của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán cuối quý 1 ước tính vào khoảng 68.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ so với thời điểm cuối năm ngoái. 

Trong bối cảnh chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép giảm, nhu cầu suy yếu, giá thép trên thế giới và tại Việt Nam đã có dấu hiệu đảo chiều và bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Giá thép thanh vằn tại Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2022. 

Theo xu hướng đó, giá một số loại thép trong nước cũng đã giảm khoảng 1 triệu đồng/tấn trong một tháng qua. 



Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp