Theo đại diện Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng 13.67% so với cùng kỳ năm trước do quý III/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3.24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12.91%; khu vực dịch vụ tăng 18.86%.
Về sử dụng GDP quý III/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 10.08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 38.21% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 8.7%, đóng góp 21.13%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9.32%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2.72%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 40.66%.
Tính chung GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8.83% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2.99%, đóng góp 4.04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9.44%, đóng góp 41.79%; khu vực dịch vụ tăng 10.57%, đóng góp 54.17%".
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11.27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38.69%; khu vực dịch vụ chiếm 41.31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8.73%.
Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7.26% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 44.46% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 5.59%, đóng góp 18.46%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8.94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4.74%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 37.08%.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7.2% trong năm 2022 và 6.7% trong năm 2023. Lạm phát bình quân dự báo 3.8% trong năm 2022, khi nhu cầu trong nước tiếp tục được củng cố.
Theo Viên Minh / Ngày Mới Online