Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM thông tin tại họp báo - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Chiều 5/1, thông tin với báo chí về kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố cho biết, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của hơn 12 triệu dân trên địa bàn, Thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu.
Trong đó, doanh nghiệp bình ổn thị trường Thành phố chiếm 25-43% nhu cầu thị trường (tăng 10% so với tháng thường); doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ… chiếm 57-75% nhu cầu thị trường.
Thành phố cũng đã đôn đốc các đơn vị chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Nguồn vốn doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết là 20.000 tỷ đồng, trong đó 8.000 tỷ đồng là hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm Tết (từ ngày 01 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị 12.000 tỷ đồng, trong đó có 4.200 tỷ đồng là hàng bình ổn thị trường.
Ngoài ra, ông Phương cho biết thêm, lượng nông sản cung ứng thị trường Thành phố thông qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày. Hiện có 225/232 chợ truyền thống hoạt động, còn 07/232 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động.
Đối với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hiện trên địa bàn Thành phố có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, 3.012 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố sẳn sàng phương án tăng công suất, kéo dài thời gian hoạt động những ngày cận Tết, chuẩn bị và đẩy mạnh cung ứng tăng từ 02 - 03 lần so với ngày thường.
Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa Tết, Sở Công Thương đã vận động các hệ thống siêu thị kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng. Cụ thể, từ ngày 20 - 27/12 tháng Chạp Âm lịch: Mở cửa từ 7h đến 23h đêm; từ ngày 28 - 29/12 tháng Chạp Âm lịch: Mở cửa từ 6h sáng đến 24h đêm; ngày 30 tháng Chạp Âm lịch: Mở cửa từ 6h sáng đến 12h trưa.
Khai trương năm mới: 08h sáng mồng 2 Tết Nguyên đán; từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Nguyên đán: Mở cửa từ 8h sáng đến 12h trưa. Đến mùng 6 Tết Nguyên đán sẽ hoạt động kinh doanh bình thường.
Về giá cả, ông Phương cho biết, doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước Tết và một tháng tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: Thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Đồng thời, doanh nghiệp bình ổn thị trường cùng các doanh nghiệp cung ứng phối hợp các hệ thống phân phối triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tập trung.
Tổ chức các nhóm doanh nghiệp bán hàng lưu động
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công Thương, nhằm chủ động, kịp thời cung ứng bổ sung, không để xảy ra khan hàng, sốt giá cục bộ các nhóm hàng bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố, Sở đã tổ chức 4 nhóm doanh nghiệp bán hàng lưu động tập trung do 4 đơn vị làm đầu mối: Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp Thành phố, Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp Thành phố (HBA), Liên hiệp HTX Thương mại thành phố (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra).
Đơn vị đầu mối phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, ban quản lý khu công nghệ cao để xây dựng lịch trình cụ thể, chuẩn bị chu đáo công tác hậu cần, chuẩn bị mặt bằng, tuyên truyền, an ninh trật tự...; huy động doanh nghiệp bình ổn thị trường, phối hợp doanh nghiệp khác cùng tổ chức thực hiện.
Theo đó, sẽ thực hiện 260 chuyến trong 2 tháng cao điểm trước Tết, chủ yếu tại các quận ven - huyện ngoại thành, khu công nghiệp-khu chế xuất, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết...
Vũ Phong
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ