DN Việt củng cố thị trường nội địa, mở rộng xuất khẩu sang thị trường “ngách”

21/01/2023 17:46

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do diễn biến không thuận lợi từ thị trường thế giới, các doanh nghiệp (DN) Việt cũng gặp phải thách thức ngay tại “ sân nhà” do phải cạnh tranh với các thương hiệu ngoại. Nhiều DN Việt cho biết trong năm 2023 sẽ củng cố và mở rộng thị trường nội địa, tìm kiếm và mở rộng xuất khẩu tại thị trường ngách.

Hiện nay, nhiều DN dệt may xuất khẩu đang tính đến việc quay trở lại thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, sụt giảm đơn hàng xuất khẩu ở Mỹ, châu Âu,…


Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt thắng Jeans (VitaJean) cho rằng, thị trường nội địa với 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng cho các DN ngành dêt may. Ảnh: VGP/Lê Anh

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans (VitaJean), Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết: Những năm trước đây, nhiều DN dệt may, trong đó có Việt Thắng Jeans đã đẩy mạnh xuất khẩu, quan tâm nhiều tới các thị trường xuất khẩu mà chưa chú trọng vào thị trường nội địa. Sau đại dịch, trong 2 quý đầu năm 2022, các thị trường xuất khẩu tăng trưởng tốt, tuy nhiên bước vào quý III/2022 trở đi, các đơn hàng giảm dần do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn giảm.

Đứng trước khó khăn, nhiều DN quan tâm hơn tới thị trường nội địa với 100 triệu dân, còn nhiều dư địa phát triển. "Từ khi chú tâm hơn vào thị trường nội địa, kết quả kinh doanh trong năm 2022 ở thị trường trong nước có mức tăng trưởng hơn gấp đôi trong năm qua so với năm trước đó" ông Việt chia sẻ.

Cũng giống như VitaJean, thời gian gần đây, Tổng Công ty May 10 (May 10) cũng liên tục mở cửa hàng mới cũng như phát triển nhãn hàng để tiêu thụ trong nước. Đáng chú ý, cách đây hơn 2 tháng, May 10 đã đưa vào khai thác hai nhãn hàng thời trang mới là DeTheia – dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới và Generos – thời trang nam dành cho giới trẻ, phân khúc khách hàng hiện đại.

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, đưa vào khai thác 2 nhãn hàng thời trang mới là hoạt động nằm trong chiến lược mở rộng thêm các phân khúc khách hàng trong thị trường nội địa với gần 100 triệu dân của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM Phạm Văn Việt dự báo, thị trường xuất khẩu dệt may lớn như EU, Mỹ có thể sẽ phục hồi trở lại từ quý III/2023 trở đi cũng như có thể khởi sắc trở lại từ đầu năm 2024. Do đó, để vượt qua thách thức hiện tại, DN Việt cần tiếp tục củng cố và phát triển thị trường nội địa, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu ngách còn nhiều dư địa như châu Phi, Mỹ Latin…

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các DN ngành dệt may phải tái cấu trúc lại, trong đó ứng dụng chuyển đổi số từ quản trị đến sản xuất, dịch vụ. "Những DN đã đầu tư chuyển đổi số, hiện đại hoá sản xuất từ sớm sẽ có chi phí sản xuất cạnh tranh và có nhiều cơ hội duy trì, phát triển đơn hàng mới" ông Việt nhấn mạnh.

Củng cố " chỗ đứng" vững chắc tại thị trường nội địa

Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) và các công ty thành viên trong những năm gần đây, nhờ các chính sách hỗ trợ của TPHCM về phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ đã mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị và sản xuất. Do đó hiện nay, sản phẩm của công ty luôn có "chỗ đứng" vững chắc tại thị trường trong nước, nhất là các sản phẩm cơ khí, khuôn mẫu. Công ty cũng là đối tác của nhiều DN, tập đoàn FDI lớn đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Ông Nguyễn Phương Đông, Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) cho biết, hiện các công ty thành viên của CNS đang đàm phán lại các đơn hàng cung ứng cho năm 2023. Nhìn chung các công ty khá lạc quan với nhu cầu đặt hàng từ thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và các nước khu vực châu Á cũng như các đối tác FDI lớn từ nước ngoài.


Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên kiểm tra mẫu sản phẩm trước khi xuất xưởng. Ảnh: VGP/Lê Anh

Tiêu biểu như các sản phẩm cao su kỹ thuật phục vụ trong ngành ô tô, kiếng, tấm lót sàn… của Công ty CP Cao su Bến Thành ( đơn vị thành viên của CNS) đang rất được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Ai Cập... với nhiều đơn hàng dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2023.

Là lãnh đạo DN trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều sản phẩm tiêu biểu TPHCM (sản phẩm OCOP có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, thân thiện với môi trường) có quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO, HACCAP, Halal và tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, trong định hướng phát triển của DN, luôn xác định củng cố vững chắc tại thị trường nội địa làm tiền đề để mở rộng xuất khẩu.

Ông Vũ dự báo, năm 2023 thị trường thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, do sự sụt giảm về tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu. Do đó, Xuân Nguyên tiếp tục xây dựng, củng cố và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước. Sản phẩm của Xuân Nguyên đã có mặt trên các quầy kệ của nhiều siêu thị và điểm bán trên cả nước. Hiện nay, Xuân Nguyên đã hình thành mạng lưới phân phối sản phẩm thực phẩm đều trên khắp cả nước với hơn 16.000 đại lý, điểm bán lẻ trên toàn quốc, phấn đấu trong 3 năm tới sẽ có 20.000 đại lý trên toàn quốc.

Bên cạnh việc chú trọng thị trường nội địa, Xuân Nguyên tiếp tục duy trì và đẩy mạnh liên kết với các DN khác tại thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ. Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường " ngách" trong đó, trọng tâm trong năm 2023 là các nước khu vực Đông Nam Á.

Lê Anh

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp