Dinh dưỡng trong quả dứa và các ứng dụng y học
Dứa có nhiều vitamin C, chất xơ pectin và một số nguyên tố vi lượng khác như thiamine; folate; vitamin B6; magnesium; sắt và calori. Dứa còn có chất bromelain – một loại enzyme tiêu hóa giống như papain trong quả đu đủ – có tác dụng làm mềm và phân hóa chất đạm ra những phân tử nhỏ để cơ thể có thể sử dụng. Và đây cũng là thành phần khiến cho nhiều người có thể bị dị ứng, gây ngứa hoặc rát lưỡi khi ăn.
Dứa được xem là loại trái cây bổ dưỡng, được khuyên dùng thường xuyên (Ảnh minh họa)
Theo American Cancer Society, Bromelain được dùng chung với thuốc điều trị ung thư để giảm thiểu tác dụng phụ của xạ trị, như là viêm cuống họng và miệng; có thể dùng thêm để hỗ trợ tiêu hóa cho những người thiếu loại enzyme này; có thể dùng thêm để tránh tình trạng máu đóng cục. Một số nghiên cứu nhỏ lẻ cũng chỉ ra rằng, chất này còn có khả năng kháng viêm, nhất là đối với các căn bệnh viêm nhiễm tại đường hô hấp như họng, xoang mũi…
Đối với Y học cổ truyền, tất cả các bộ phận của cây dứa đều là vị thuốc có thể ứng dụng để chữa bệnh. Quả có vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, giúp tiêu hóa. Nõn của dứa thanh nhiệt giải độc, dịch ép lá và quả chưa chín có tác dụng nhuận tràng và tẩy.
Bài thuốc dân gian điều trị sỏi thận bằng dứa và phèn chua có thực sự có lợi?
Công thức kết hợp dứa và phèn chua thường được áp dụng để chữa sỏi thận, sỏi tiết niệu là “dùng 1 quả dứa gọt vỏ, khoét 1 lỗ và cho vào đó một ít phèn chua (khoảng 0,3g) rồi cho nước vào đậy nắp lại ninh trong 3 giờ. Sau đó ăn các miếng dứa và uống cả nước. Dùng liên tục trong 7 ngày liền” sẽ cho tác dụng, sỏi được tán nhỏ và thải ra ngoài bằng đường tiểu.
Bài thuốc dân gian điều trị sỏi thận bằng dứa và phèn chua có thực sự có lợi? (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên đó chỉ là kinh nghiệm dân gian, thậm chí xét về mặt Đông y thì cũng chưa có đơn vị chính thống nào công nhận hiệu quả của công thức này. Vậy thực chất dứa và phèn chua có chữa được hay không?
Nói về phương pháp điều trị sỏi thận, Y học hiện đại điều trị dựa trên chất kết tinh thành sỏi. Trong đó phổ biến là các loại:
– Sỏi calcium oxalate chiếm 80% các loại sỏi thận và đa số là do di truyền, calcium không dùng trong việc tạo xương và loại ra theo nước tiểu. Ngoài ra tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều oxalate như rau spinach, cocoa, đậu phộng, các loại hạt, ớt, nước trà; ăn nhiều muối hoặc dùng bổ sung calcium viên quá nhiều cũng tăng tủi ro gây nên loại sạn này.
– Sỏi với chất struvite (là một dạng muối photphat) thường được phát hiện trong các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu, đặc biệt là ở nữ giới và được điều trị bằng cách tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
– Sỏi với axit uric do tiêu thụ nhiều chất đạm động vật thịt, cá, gà gây ra vì các thực phẩm này cho chất purine. Giới hạn các loại thực phẩm này và tăng độ kiềm của nước tiểu có thể giảm thiểu nguy cơ gây sạn.
– Sỏi với các chất amino acit cystine, loại này rất hiếm bắt gặp. Đây là bệnh bẩm sinh, thận không tái hấp thụ được chất cystine. Lượng dư thừa này luân lưu trong nước tiểu và kết tụ thành sỏi.
Trong đó, loại sỏi phổ biến nhất là Calcium và cũng là loại khó điều trị nhất bởi chúng rất cứng, phải có lực rất mạnh mới có thể phá vỡ. Hầu hết các trường hợp muốn loại bỏ đều cần can thiệp kỹ thuật y học hiện đại để phá nhỏ sỏi, sau đó kết hợp dùng thuốc để đưa phần sỏi đã nhỏ đó ra ngoài.
Dứa giúp điều trị và loại bỏ sỏi (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân chính xác dẫn đến sỏi thận hiện nay vẫn còn chưa rõ ràng, song có nhiều ý kiến cho rằng thực phẩm có nhiều ảnh hưởng lợi và bất lợi đối với sự thành hình sỏi thận. Do vậy việc nhiều người được khuyến khích sử dụng dứa, nước ép dứa như một loại thực phẩm thông dụng là chính xác, bởi loại quả này thực sự giúp lợi tiểu, thanh lọc cơ thể, dứa hoàn toàn có khả năng hạn chế việc hình thành sỏi. Song điều đó không có nghĩa là dứa giúp điều trị và loại bỏ sỏi đã hình thành vì các hợp chất có trong loại quả này không đủ mạnh để có thể hòa tan, bào mòn các chất hình thành nên sỏi đã kể ở trên. Còn nếu nói trong trường hợp sỏi nhỏ, hay mới có lắng cặn ở thận, sử dụng nước ép dứa có thể loại bỏ các tinh thể gây sỏi trong nước tiểu ra ngoài, tuy nhiên điều này là không thực sự cần thiết bởi bạn cũng có thể uống nhiều nước lọc hàng ngày để làm điều này.
Còn riêng về phèn chua thì sự thật là chúng ta không nên sử dụng đến nó. Bản chất của phèn chua là muối kép của nhôm và potassium. Đây là chất mà dân chúng thường dùng để làm cho nước có vẩn đục trở thành trong (muối nhôm kết tụ các vẩn đục này, lắng xuống đáy, nhờ đó nước trở thành trong và dùng được). Ngoài ra, một số nghiên cứu cho hay muối nhôm, tuy không độc, nhưng nếu tiếp xúc lâu ngày với lượng quá cao trong nước uống có thể gây ra rối loạn đến khả năng sinh đẻ và hệ thần kinh, cụ thể là rủi ro dẫn đến bệnh Alzheimer.
Lời khuyên bác sĩ cho bệnh nhân sỏi thận
Để tránh sai lầm trong điều trị và làm tăng khả năng bệnh tiến triển nghiêm trọng thì khi có dấu hiệu bất thường, người bệnh nên chủ động đi khám và nhận lời khuyên, tư vấn từ bác sĩ chuyên môn. Đồng thời trong chế độ ăn uống, mỗi người nên lưu ý hạn chế lượng những loại thực phẩm như: muối, đường, bia, các loại rượu, phủ tạng động vật, thịt đỏ, chocolate, cafein, tiêu đen,…
Uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể hàng ngày (từ 1,2 – 2,5l tùy theo khối lượng và nhu cầu vận động của từng người) để loại bỏ nguy cơ lắng cặn sỏi.
Nếu đã mắc bệnh hoặc có dấu hiệu lắng thận thì bạn cần tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa, lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả và phù hợp với trường hợp của mình.
Theo Tạp chí Y học cổ truyền
Theo Tạp chí Sức Khoẻ Cộng Đồng