Thí sinh thi đánh giá năng lực tại ĐHQG Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Nam
Hiện nay, đã có hơn 20 trường ĐH công bố điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (điểm sàn) ĐH chính quy năm 2023 theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực.
Hầu hết các trường phía Nam xét điểm thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM, các trường phía Bắc xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội (cùng điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội).
Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường xét đồng thời kết quả thi đánh giá năng lực của cả hai ĐHQG và điểm thi đánh giá tư duy.
Cao nhất là 1.091 điểm, thấp nhất là 238 điểm
Mới đây, sau khi ĐHQG TPHCM công bố điểm thi đánh giá năng lực của hơn 88.000 thí sinh và phổ điểm năm nay, nhiều trường ĐH đã công bố mức điểm nhận hồ sơ để thí sinh cân nhắc đăng ký xét tuyển sớm vào các trường.
Theo đó, điểm trung bình của thí sinh đợt 1 năm nay là 639,2 điểm, theo thang điểm 1.200. Toàn đợt thi có 152 thí sinh đạt trên 1.000 điểm. Thí sinh có điểm thi cao nhất là 1.091 điểm và thấp nhất là 238 điểm.
Ngay sau đó, Trường ĐH Nha Trang đã công bố điểm sàn điểm thi đánh giá năng lực năm 2023 của ĐHQG TPHCM của 55 chuyên ngành, chương trình đào tạo ĐH của trường. Điểm sàn các ngành từ 500-675 điểm. Bên cạnh điểm sàn điểm thi đánh giá năng lực, ở nhiều ngành trường còn quy định điểm sàn thành phần tiếng Anh trong điểm đánh giá năng lực từ 100-130 điểm.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM dành 10-15% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM. Điều kiện xét tuyển: Điểm bài thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM từ 700 điểm trở lên đối với các ngành công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và marketing; 650 điểm các ngành ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, kinh doanh quốc tế, kế toán; 600 điểm các ngành còn lại.
Trường ĐH Kiến trúc TPHCM dành 25% chỉ tiêu ngành để xét hồ sơ tuyển sinh với thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức đợt 1 năm 2023. Mức điểm sàn từ 700 điểm. Riêng thí sinh dự thi các ngành năng khiếu, điểm thi môn năng khiếu bổ sung môn năng khiếu do nhà trường tổ chức năm 2023 đạt từ 5 điểm trở lên.
Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TPHCM nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM từ 600 điểm ở tất cả ngành học.
Trường ĐH Gia Định xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM từ 600-700 điểm trở lên khi xét tuyển vào chương trình đại trà; từ 700 điểm trở lên khi xét tuyển vào chương trình tài năng.
Trường ĐH Hoa Sen xét tuyển trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM từ 600 điểm trở lên cho tất cả các ngành.
Trường ĐH Lâm nghiệp - phân hiệu tại tỉnh Đồng Nai: Điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM năm 2023 phải đạt từ 600 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực, đối tượng).
Trường ĐH Yersin Đà Lạt nhận hồ sơ thí sinh đạt từ 600 điểm trở lên tại kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 ĐHQG TPHCM. Riêng ngành điều dưỡng, học sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại từ trung bình trở lên, hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 5,5 trở lên và đạt mức điểm từ 650 trở lên tại kỳ thi đánh giá năng lực. Ngành dược học: Học sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại khá, hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên và đạt mức điểm từ 800 trở lên tại kỳ thi đánh giá năng lực.
Trường ĐH An Giang (ĐHQG TPHCM), thí sinh phải đạt từ 600 điểm kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của ĐHQG TPHCM (chưa bao gồm điểm ưu tiên).
Trường ĐH Tôn Đức Thắng xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM từ 600 trở lên (chưa bao gồm điểm ưu tiên). Thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành dược học phải có học lực lớp 12 từ loại giỏi trở lên; các ngành thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, kiến trúc phải dự thi môn năng khiếu vẽ hình họa mỹ thuật để xét điều kiện môn xét tuyển.
Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng): Điểm xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM năm 2023 (bao gồm cả điểm ưu tiên nếu có) từ 720 điểm trở lên.
Điểm sàn đánh giá năng lực, đánh giá tư duy
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội đạt từ 70 điểm trở lên. Riêng các ngành sức khỏe cần thêm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT: Ngành y khoa, dược học học lực lớp 12 xếp loại từ giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên; ngành y học dự phòng, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học học lực lớp 12 xếp loại từ khá hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên).
Trường ĐH Duy Tân xét theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM và ĐHQG Hà Nội tổ chức (không áp dụng với ngành kiến trúc).
Theo đó, kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM, đối với ngành y khoa, răng-hàm-mặt và dược học: Từ 600 điểm trở lên, đồng thời có kết quả học lực năm lớp 12 đạt loại khá trở lên, hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 điểm trở lên; ngành điều dưỡng từ 600 điểm trở lên, đồng thời có kết quả học lực năm lớp 12 đạt loại trung bình trở lên, hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 5,5 điểm trở lên; các ngành còn lại từ 600 điểm trở lên.
Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, đối với ngành y khoa, răng-hàm-mặt và dược học: Từ 80 điểm trở lên, đồng thời có kết quả học lực năm lớp 12 đạt loại khá trở lên, hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 điểm trở lên; ngành điều dưỡng từ 75 điểm trở lên, đồng thời có kết quả học lực năm lớp 12 đạt loại trung bình trở lên, hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 5,5 điểm trở lên; các ngành còn lại từ 75 điểm trở lên.
Trường ĐH Ngoại thương xét theo kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM từ 850/1.200 điểm. Mức điểm sàn theo kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội là 100/150 điểm. Thí sinh có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 từ 7,0 trở lên. Hạnh kiểm từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân dành 20% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực năm 2022 hoặc năm 2023 của ĐHQG Hà Nội đạt từ 85 điểm trở lên, hoặc của ĐHQG TPHCM đạt từ 700 điểm trở lên, hoặc điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của ĐH Bách khoa Hà Nội đạt từ 60 điểm trở lên. Dành 20% chỉ tiêu cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023 đạt IELTS 5.5, hoặc TOEFL iBT 46, hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160 & W150) trở lên và có điểm thi đánh giá năng lực năm 2022 hoặc năm 2023 của ĐHQG Hà Nội đạt từ 85 điểm trở lên, hoặc của ĐHQG TPHCM đạt từ 700 điểm trở lên, hoặc điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của ĐH Bách khoa Hà Nội đạt từ 60 điểm trở lên.
Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông yêu cầu thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội năm 2023 từ 80 điểm trở lên; thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM năm 2023 từ 700 điểm trở lên; thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2023 từ 60 điểm trở lên.
Học viện Ngân hàng quy định thí sinh đạt học lực giỏi năm lớp 12 và có kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội đạt từ 85 điểm trở lên.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội yêu cầu thí sinh có tổng điểm thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội năm 2023 đạt từ 75 điểm trở lên.
Trường ĐH Điện lực quy định thí sinh có điểm đánh giá năng lực năm 2023 của ĐHQG Hà Nội đạt từ 80/150 điểm trở lên. Điểm xét tuyển được quy về thang điểm 30: Điểm xét tuyển = Điểm đánh giá năng lực * 30/150 điểm ưu tiên (đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên áp dụng theo quy chế tuyển sinh; thí sinh đã tốt nghiệp từ năm 2021 trở về trước không được cộng điểm ưu tiên).
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội 2023 (thang điểm 150); tổng điểm thi từ 60 điểm trở lên (Điểm xét tuyển: Tổng điểm thi quy đổi về thang điểm 30 điểm ưu tiên khu vực, đối tượng).
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định yêu cầu thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội từ 75 điểm trở lên.
Từ ngày 10 đến 17h ngày 30/7, thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đợt 1 trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng và nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mức ưu tiên giảm dần.
Nhật Nam
Theo Báo điện tử Chính phủ