1. Chuyên mục Khởi hành Chào buổi sáng VTV1: Kiểm tra toàn diện kinh doanh vận tải; Xử lý nhiều vụ thanh thiếu niên gây rối trên đường; Hiểm họa từ thú vui độ xe máy; Tình huống cảnh báo: Gặp nạn do dừng xe trên cao tốc.
2. Tin, bài về tình hình TTATGT
Báo ANTĐ ngày 17/2, đưa tin: Xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến đến Công an các địa phương để giao ban công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: “Các đơn vị Công an toàn quốc cần tập trung rà soát, xử lý nghiêm các đối tượng đua xe và tổ chức đua xe trái phép. Lực lượng CSGT phối hợp với Cảnh sát hình sự tổ chức xác minh, làm rõ các điểm độ xe để xử lý tận gốc và xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tai nạn giao thông do lỗi chủ quan…”.
Báo VietNamNet ngày 17/2, đưa tin: Cục CSGT kiểm tra nồng độ cồn, xe quá khổ, hết đăng kiểm ở 30 tỉnh, thành. Sáng 17/2, trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết đã ban hành kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. "Thông qua công tác kiểm tra, đôn đốc nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, hiệu quả công tác để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông".
Báo Kinh tế & Đô thị ngày 17/2, đưa tin: Nồng độ cồn "trong ngưỡng" vẫn bị phạt, vì sao? Những ngày vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước triển khai chiến dịch xử lý vi phạm về nồng độ cồn giảm các vụ tai nạn giao thông-nhất là các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến bia, rượu. Nhiều người cho rằng khi nồng độ cồn trong máu ở "trong ngưỡng" 10.9 mmol/l sẽ được coi là mức độ cho phép và coi là "cồn tự nhiên trong cơ thể"... Liên quan đến vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế Trần Thị Trang cho biết, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về "cồn tự nhiên" trong cơ thể. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cấm "điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" và đã áp dụng ổn định đối với người điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trong 10 năm trước khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành. Luật đã kế thừa quy định này, mở rộng thêm đối với người điều khiển xe máy và các phương tiện giao thông khác.
Báo Người đưa tin ngày 17/2, đưa tin ảnh: Bất chấp nguy hiểm, xe máy nối đuôi nhau đi ngược chiều. Để rút ngắn quãng đường di chuyển, hàng trăm phương tiện bất chấp nguy hiểm cắt ngang đường Giải Phóng để đi ngược chiều vào phố Định Công. Vừa qua, Sở GTVT Tp.Hà Nội tổ chức lại giao thông khu vực nút giao Giải Phóng - Kim Đồng để phục vụ thi công hầm chui nút Kim Đồng - Giải Phóng. Theo đó, các phương tiện khi di chuyển từ nút Giải Phóng - Kim Đồng, phố Kim Đồng vào phố Định Công phải tiếp tục di chuyển trên phố Giải Phóng khoảng 300 m đến điểm mở giải phân cách rồi quay đầu xe tiếp tục lộ trình.
Tạp chí GTVT ngày 17/2, đưa tin ảnh: Đắk Lắk: Xe chở vật liệu cày nát đường liên xã. Đoàn xe chở cát, đá có dấu hiệu quá tải hoạt động ngày đêm, bức tử tuyến đường liên xã Ea Ô – Cư Ni (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), gây mất ATGT, vệ sinh môi trường, tiềm ẩn TNGT.
Tạp chí GTVT ngày 17/2, đưa tin: Sau vụ TNGT làm 10 người chết, xe khách vẫn vào đường cấm ở Quảng Nam. Ngày 16/2, Đội CSGT-TT, Công an huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam tổ chức lực lượng TTKS, xử lý các phương tiện vi phạm nồng độ cồn, tốc độ và đi vào đường cấm trên tuyến đường Võ Chí Công. Để tránh trạm thu phí trên QL1, rút ngắn thời gian di chuyển, các tài xế xe khách vẫn cố tình đi vào đường cấm dù ngày 14/2 vừa qua trên tuyến vừa xảy ra vụ TNGT làm 10 người chết, 11 người bị thương. Theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, hầu hết người tham gia giao thông trên tuyến đều chấp hành nghiêm các quy định về nồng độ cồn và tốc độ. Tuy nhiên vẫn xuất hiện một số xe khách, xe container đi lại trên tuyến này bất chấp biển báo cấm lưu thông.
Báo Pháp luật TP.HCM ngày 17/2, đưa tin: Dàn cảnh tống tiền Cảnh sát giao thông, 4 người bị truy tố. Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Vĩnh Phúc vừa hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can Trịnh Xuân Tiến (33 tuổi, ở Phú Thọ), Bùi Văn Hà (41 tuổi, ở Mê Linh), Nguyễn Khắc Được (33 tuổi, ở Hưng Yên) và Nguyễn Văn Nam (32 tuổi, ở Vĩnh Phúc) về tội cưỡng đoạt tài sản. Theo cáo trạng, các bị can quen biết nhau thông qua các nhóm Facebook có tên: “Giao thông Vĩnh Phúc”, “Luật giao thông”. Trong khoảng thời gian từ ngày 18 đến 27-6-2022, cả nhóm đã sử dụng hình ảnh để uy hiếp, tống tiền cảnh sát giao thông.
3. Tin bài về đăng kiểm PTGTCGĐB
Báo SGGP ngày 17/2, đưa tin: Trước 1-3, trung tâm đăng kiểm phải báo cáo về tình trạng nhân lực. Ngày 16-2, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) cho biết đã khôi phục 4 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) tạm dừng hoạt động để phục vụ điều tra trước đó. Trong đó, có 2 TTĐK ở Hà Nội là 2901V và 2906V và 2 TTĐK ở Nghệ An là 3701S và 3702S. Cục ĐKVN cũng cho biết, hiện nay cả nước đang có 48 TTĐK bị tạm dừng hoạt động trên tổng số 281 trung tâm. Trong đó, 41 TTĐK tạm dừng do liên quan đến sai phạm đang bị cơ quan công an điều tra, 7 TTĐK tạm dừng do không đủ điều kiện hoạt động.
4. Tin bài về TNGT
Báo Zing news ngày 17/2, đưa tin: Đi xe máy qua đập tràn, một người bị đuối nước. Khoảng 7h sáng 17/2, hai vợ chồng ông N.D. (66 uổi) và bà N.T.T (67 tuổi) cùng trú tại phường Thuận Lộc, TP Huế, về quê dự đám giỗ. Khi qua đoạn đập tràn thôn Thủ Lễ, vợ chồng ông Dũng cùng xe máy không may rơi xuống khu vực nước sâu. Thời điểm này, đập tràn có nước ngập sâu hơn 0,5 m do mưa lớn nhiều ngày. Sau khi sự việc xảy ra, người vợ đã được người dân gần đó cứu hộ kịp thời, chỉ bị thương nhẹ. Riêng người chồng bị nước cuốn mất tích. Đến khoảng 10h30 cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể người chồng./.
Theo Cổng thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông