Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân vừa chủ trì cuộc họp với tổ công tác xây dựng đề án đào tạo lưu học sinh miền Nam tại trường. Đề án nằm trong chiến lược phát triển của ĐHQG Hà Nội là tăng cường hợp tác với các địa phương trong cả nước; sẵn sàng tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đặc biệt đào tạo, phối hợp tham gia nghiên cứu cùng đội ngũ tiến sĩ cho các trường tại địa phương.
ĐHQG Hà Nội đã có thực tiễn, kinh nghiệm triển khai đào tạo cho các tỉnh phía Nam. Trường cam kết, đề án được triển khai sẽ góp phần đáp ứng đủ cung cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương.
Đề án sẽ thu hút lưu học sinh từ các địa phương, đào tạo bồi dưỡng lưu học sinh các tỉnh phía Nam ra học tập tại Hà Nội, vừa giao lưu văn hóa, vừa được học tập các chương trình học khoa học cơ bản và các ngành ứng dụng chất lượng cao mà thị trường lao động đang có nhu cầu lớn.
Ông Lê Quân nhấn mạnh, đề án sẽ được thực hiện theo hình thức phối hợp trao đổi sinh viên, giảng viên của ĐHQG Hà Nội và địa phương theo định hướng một phần hoặc toàn phần, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực tiềm năng cả hai bên có thể tham gia thực hiện; cùng tham gia phát triển ngành nghề tại các trường địa phương, phù hợp với nhu cầu của sinh viên.
Trong thời gian thí điểm, công thức đào tạo của đề án sẽ áp dụng triển khai chung cho chương trình tuyển sinh ở các đơn vị, theo mô hình 1+ (tức là 1 năm đào tạo tại trường đại học địa phương và các năm tiếp theo sinh viên sẽ theo học tại ĐHQG Hà Nội và trường sẽ cấp chứng nhận tín chỉ, …). ĐHQG Hà Nội sẽ triển khai các quỹ học bổng từ các nguồn lực xã hội để nhằm gia tăng các gói học bổng cao, hỗ trợ chi phí nội trú, sinh hoạt cho lưu học sinh với một số ngành khoa học cơ bản và ngành học ứng dụng có tính cấp thiết.
Giải quyết được bài toán đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Đại diện các trường đại học miền Nam như: Trường ĐH Phạm Văn Đồng, Trường ĐH Kiên Giang, Trường ĐH Đồng Tháp, Trường ĐH Tây Nguyên, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Trường ĐH Xây dựng miền Tây… đã đánh giá cao về sáng kiến này của ĐHQG Hà Nội. Đề án này là yếu tố then chốt để các trường giải quyết được bài toán khó khăn chung về mở ngành mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu việc làm cho khu vực.
Đại diện các trường mong muốn sinh viên khu vực ĐBSCL khi tham gia đào tạo tại ĐHQG Hà Nội sẽ tìm hiểu nền văn hóa con người Việt Nam, đồng thời được học và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chất lượng cao, liên ngành, đa ngành tại trường.
Chương trình thí điểm này để cả hai bên được hợp tác đào tạo theo chiều sâu. Các trường đều mong muốn được hợp tác theo hình thức trao đổi giảng viên và sinh viên, ĐHQG Hà Nội cấp chứng nhận tín chỉ. Các trường cam kết sẽ nghiên cứu nhiều ngành và vận động sinh viên năm nhất tham gia và có trao đổi cụ thể để thực hiện đề án trong thời gian tới.
Việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh Nam Bộ là việc làm cấp thiết, bổ sung nguồn nhân lực trình độ cao cho khu vực. Trong thời gian tới, ĐHQG Hà Nội sẽ phối hợp với một số trường đại học phía Nam lập tổ công tác xây dựng đề án này.
Theo kế hoạch, tháng 11 tới ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo và ký kết hợp tác chung với các trường. Dự kiến, năm học 2023-2024 trường sẽ đón những sinh viên đầu tiên đi theo đề án. Trong tương lai, ĐHQG Hà Nội sẽ nhân rộng mô hình tại các trường đại học ở phía Bắc.
Theo Phương Liên / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ