Bộ GD&ĐT chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022.
Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại địa phương, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.
Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tổ chức kỳ thi này. Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến diễn ra vào nửa đầu tháng 7/2023.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GD&ĐT xây dựng, với dự kiến giữ ổn định như năm 2022.
Cấu trúc đề thi môn Toán
Đề thi môn Toán trong mỗi đề là 50 câu hỏi trong đó 45 câu hỏi thuộc về kiến thức lớp 12 và 5 câu thuộc về kiến thức lớp 11. Gồm 24 mã đề khác nhau và có 4 mã đề chính thức. Hầu hết kiến thức có trong đề thi THPT Quốc gia đều thuộc về kiến thức lớp 12.
Tuy nhiên, trong những kỳ thi tốt nghiệp THPT thí sinh không nên chủ quan và đánh rơi điểm ở những câu có kiến thức ở lớp 11. Với các chủ đề quen thuộc: Ứng dụng đạo hàm trong khảo sát hàm số; hàm số lũy thừa, hàm số mũ và logarit; nguyên hàm, tích phân và ứng dụng; chương số phức; khối đa diện; khối tròn xoay; hình học không gian Oxyz. lớp 11: Cấp số cộng, cấp số nhân; tổ hợp, xác suất; hình học không gian.
Cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn
Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có 2 phần quen thuộc: Phần đọc hiểu (3 điểm): đề thi sẽ đưa ra một đoạn văn mẫu và từ đó đặt ra câu hỏi với độ khó được phân hóa theo từng câu, yêu cầu thí sinh giải quyết vấn đề được đặt ra từ đoạn văn bên trên.
Phần làm văn (7 điểm): gồm 2 câu, câu 1 làm văn về nghị luận xã hội, câu 2 làm văn về nghị luận văn học.
Cấu trúc đề thi môn Tiếng Anh
Trong vòng 60 phút thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh sẽ cố gắng hoàn thành 50 câu hỏi, với lượng kiến thức thuộc các dạng bài quen thuộc: Ngữ âm; chọn từ để hoàn thành câu; chọn từ để hoàn thành đoạn văn; tình huống giao tiếp; tìm từ đồng nghĩa-trái nghĩa; tìm lỗi sai trong câu; xác định câu đồng nghĩa, kết hợp câu; đọc-hiểu.
Nhật Nam
Theo Báo điện tử Chính phủ