Học tiếng Anh từ nhỏ sẽ giúp trẻ hình thành phản xạ ngôn ngữ, giọng phát âm chuẩn và mô phỏng âm thanh chuẩn xác - Ảnh: VGP/MT
Học tiếng Anh không đơn thuần là học ngôn ngữ thứ hai với từ vựng, mẫu câu, mà thông qua việc học ngôn ngữ học sinh được khơi mở nhiều kiến thức và tiềm năng của chính mình. Chính vì vậy, cần đặt trọng tâm vào việc khơi dậy say mê Anh ngữ cho các em thông qua việc xác định độ tuổi học lý tưởng cùng phương pháp dạy phù hợp.
Bắt đầu hành trình học tiếng Anh từ nhỏ
Các nhà khoa học chỉ ra giai đoạn tốt nhất để học tiếng Anh là từ 3 đến 7 tuổi. Trong khoảng thời gian này, trẻ em có khả năng học ngôn ngữ tự nhiên và nhanh chóng hơn. Đây là giai đoạn não bộ phát triển mạnh mẽ, giúp trẻ dễ dàng tiếp nhận và hấp thụ ngôn ngữ mới một cách tự nhiên.
Ở độ tuổi này, trẻ em có khả năng học tiếng Anh một cách chất lượng thông qua việc nghe và nhìn các từ, cụm từ và ngữ cảnh trong cuộc sống hằng ngày. Việc học tiếng Anh từ sớm không chỉ giúp trẻ xây dựng nền tảng ngôn ngữ tốt, mà còn giúp phát triển khả năng giao tiếp, tư duy và sáng tạo.
Khi học tiếng Anh từ nhỏ, trẻ em có thể học một cách tự nhiên và không phải "học thuộc lòng" như việc học ngôn ngữ ở độ tuổi lớn hơn, qua đó, trẻ dễ dàng tìm thấy niềm vui trên hành trình học Anh ngữ của mình. Học tiếng Anh trong giai đoạn này cũng giúp trẻ hình thành phản xạ ngôn ngữ, giọng phát âm chuẩn và mô phỏng âm thanh chuẩn xác.
Anh Giang Nguyễn, từng dạy tại Đại học Luật Boston (Mỹ) cho biết, anh ủng hộ việc cha mẹ cho con tiếp xúc ngôn ngữ từ sớm. Học một ngôn ngữ càng sớm thì càng thuần thục, trôi chảy. Bỏ qua giai đoạn đầu đời này sẽ làm trẻ mất đi cơ hội tiếp nhận ngôn ngữ tự nhiên, phải rèn luyện những kỹ năng ngôn ngữ một cách máy móc, điều này khiến trẻ mệt mỏi.
Điều quan trọng là tạo môi trường học tập tích cực và thú vị cho trẻ khi học tiếng Anh. Sử dụng các trò chơi, hoạt động tương tác và các tài liệu học tập phù hợp với độ tuổi của trẻ giúp tạo niềm vui và hứng thú trong quá trình học tập. Hãy tạo điều kiện cho trẻ yêu thích việc học tiếng Anh thông qua việc chơi đùa và tương tác trong môi trường tự nhiên.
Mẹ của em Đỗ Nguyễn Anh Quân (là 1 trong 6 học viên đã xuất sắc đạt IELTS 8.0) trong lễ trao giải IELTS Bounty Hunters vừa rồi của Anh văn Hội Việt Mỹ VUS chia sẻ, vì học tiếng Anh từ nhỏ, nên Quân đã hình thành nên thói quen nghe, nói và giải trí hoàn toàn bằng tiếng Anh trong cuộc sống thường nhật.
"Mỗi bạn nhỏ đều có thể có một khả năng riêng biệt và khả năng học ngoại ngữ cũng vậy, nhưng nếu các phụ huynh cho con tiếp xúc với ngoại ngữ từ sớm thì quá trình tiếp thu ngoại ngữ của các bạn sẽ nhẹ nhàng hơn, mang lại cảm giác 'được học' thay vì 'phải học'", mẹ em Đỗ Nguyễn Anh Quân chia sẻ.
Đỗ Nguyễn Anh Quân là 1 trong 6 học viên đạt IELTS 8.0 được VUS trao tặng bằng khen trong lễ vinh danh IELTS Bounty Hunters của hệ thống - Ảnh: VGP/MT
Xu hướng giáo dục mới trong học tiếng Anh
Đa số các nhà giáo dục, thầy cô giáo và phụ huynh đều nhận định, thông qua việc được tôn trọng sự khác biệt, học sinh sẽ có trải nghiệm học tập phong phú hơn, tăng động lực, tăng tính chủ động trong học tập, tăng khả năng sáng tạo để tiến bộ mỗi ngày cả trong vốn tiếng Anh lẫn trong hiểu biết về văn hóa và cuộc sống, từng bước trở thành công dân có kiến thức và kỹ năng vững vàng trong tương lai.
Do đó, phương pháp giảng dạy cũng phải đa dạng để có thể dung hòa sự khác biệt trong lớp học, từ đó nâng cao môi trường giảng dạy chuyên nghiệp. Nhiệm vụ của giáo viên, vì vậy là rất quan trọng trong việc tạo ra một môi trường dung hòa và thống nhất, để mỗi cá nhân đều được thấu hiểu, giáo dục mang tính công bằng và đồng đều.
Với tinh thần đó, hơn 3.200 giáo viên và nhà giáo dục đến từ các tỉnh thành trên toàn quốc và các quốc gia lân cận đã tham gia Hội nghị VUS TESOL kỳ thứ 19 tại TPHCM để cùng trao đổi với 23 diễn giả trong nước và quốc tế. Thông qua 20 phiên thảo luận, hội nghị đã giới thiệu những xu hướng, phương pháp mới trong giảng dạy tiếng Anh.
Tham gia tại VUS TESOL năm nay, bà Lillygol Sedaghat, nhà thám hiểm đến từ Tạp chí National Geographic, đồng thời là một người kể chuyện đầy cảm hứng, đã chia sẻ những câu chuyện đa phương tiện, kết hợp ý tưởng về sự đa dạng và sự hòa hợp, văn hóa và môi trường.
Thông qua hình ảnh, video và nghệ thuật kể chuyện, bà Lillygol minh họa cách môi trường học tập đa dạng và hòa hợp có thể kết nối học sinh với nội dung giảng dạy tiếng Anh và truyền cảm hứng cho giáo viên nhận ra tiềm năng của họ trong việc áp dụng những kỹ thuật này để nâng cao chuyên môn của mình.
Bà Lillygol Sedaghat cho rằng, thông qua các hình ảnh giàu ý nghĩa và nội dung sâu sắc, nghệ thuật kể chuyện có thể phản ánh kinh nghiệm sống của học sinh, giáo viên và các lối sống đa dạng trên thế giới, giúp xây dựng môi trường học tập, làm việc đa dạng, hòa hợp các đối tượng khác nhau. Như vậy với phương pháp kể chuyện, có thể áp dụng vào quá trình giảng dạy tiếng Anh, tạo niềm vui, động lực cho học sinh để các em từ chỗ "phải học" thành "thích học" tiếng Anh.
Còn TS. Stephen Ryan đến từ Waseda University (đại diện cho Oxford University Press) cho biết, là giáo viên giảng dạy ngôn ngữ, thách thức lớn nhất của chúng ta chắc chắn là truyền cảm hứng học ngôn ngữ cho học viên. Để làm được điều đó, chúng ta phải có sự hiểu biết nhất định về các cá nhân trong lớp học và cách mỗi cá nhân đang quản lý việc học của mình.
Chuyên gia giáo dục giàu kinh nghiệm đến từ Cambridge University Press & Assessment, ông Allen Davenport thì giới thiệu một phương pháp mới là tạo "Giá trị thực tiễn bền vững của giáo dục: Các hoạt động trên lớp học kiến tạo một tương lai tốt hơn". Theo đó, phương pháp hòa nhập là điều quan trọng đối với sự khác biệt trong lớp học giảng dạy tiếng Anh. Bằng các hoạt động đa dạng được sinh ra từ các quan điểm đa dạng, giáo viên có thể tạo ra một lớp học hợp tác và toàn diện để từ đó thúc đẩy quá trình dạy và học tốt hơn.
Nhiệm vụ của giáo viên là rất quan trọng trong việc tạo môi trường học tập tích cực và thú vị cho trẻ khi học tiếng Anh, như sử dụng các trò chơi, hoạt động tương tác - Ảnh: VGP/MT
Chia sẻ về phương pháp học chủ động mà hệ thống VUS đang triển khai, bà Trần Thị Quí Trân, Giám đốc đào tạo của VUS cho biết, với 4 bước là khơi mở - tìm hiểu - luyện tập - sáng tạo, học viên sau khi tiếp cận chủ đề sẽ dùng chính sự tò mò và trí tưởng tượng của mình để thảo luận, đặt những câu hỏi về chủ đề học. Với sự hướng dẫn và điều phối của giáo viên, học viên sẽ được tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng và thực hành sáng tạo thông qua các dự án học tập.
Cụ thể, VUS ứng dụng mô hình lớp học ngược. Trong đó, học sinh sẽ đóng vai trò trung tâm của quá trình học. Thông qua ứng dụng học tập V-HUB Students - ứng dụng được VUS phát triển riêng cho học viên, các em sẽ tìm hiểu về nội dung bài trước khi lên lớp thông qua các video, những trò chơi và tài liệu hỗ trợ có sẵn trên nền tảng bám sát nội dung của buổi học… Sau đó, thầy cô sẽ giới thiệu chủ đề bằng một câu chuyện, câu đố vui hoặc một đoạn phim sinh động, học sinh đặt các câu hỏi để giáo viên giải đáp, cùng làm bài tập và thảo luận nhóm… để hiểu sâu và mở rộng kiến thức.
"Thói quen học chủ động ngoài việc giúp cho quá trình học tiếng Anh trở nên hấp dẫn hơn còn có một tác động lâu dài là nuôi dưỡng đam mê học tập và khả năng học tập suốt đời sẽ giúp cho học viên không ngừng phát triển trong tương lai.
Đặc biệt thông điệp của khơi mở từng bước tiến mỗi ngày của VUS năm 2023 sẽ truyền cảm hứng để mỗi giáo viên cùng tiến bước, thúc đẩy tinh thần ham học hỏi, chủ động bồi dưỡng, tương tác với những công nghệ mới để làm chủ quá trình dạy học nói chung và tiếng Anh nói riêng. Mỗi ngày một bước tiến cho chính bản thân, các giáo viên sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực, tạo nên niềm đam mê học tiếng Anh đến hàng triệu học sinh", bà Trần Thị Quí Trân chia sẻ thêm.
Cảnh Lê
Theo Báo điện tử Chính phủ