Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng phong phú với hơn năm ngàn loài được ghi nhận có công dụng làm thuốc với nhiều loại dược liệu quý có giá trị cao như Sâm ngọc linh, Ba kích, Ngân đằng… Trong quá trình phát triển ngành dược liệu, khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng từ tri thức dân gian trong các bài thuốc y học cổ truyền đến những công nghệ mới đã và đang được nghiên cứu và áp dụng từ giai đoạn xác định, bảo tồn nguồn gen dược liệu, quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, đánh giá chất lượng, chiết xuất, đánh giá hoạt tính và bào chế các sản phẩm thuốc từ dược liệu.
Khoa học công nghệ đã góp phần làm phong phú thêm những hiểu biết của con người về hệ sinh thái dược liệu, những giá trị y học của dược liệu. Đặc biệt, những công nghệ mới hiện nay đã góp phần tạo ra những giống cây dược liệu có năng suất và chất lượng tốt, các quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến góp phần làm tăng giá trị y học và giá trị kinh tế cho dược liệu. Mặc dù chính phủ, các bộ ngành địa phương đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển dược liệu. Sự liên kết, phối hợp giữa các nhà khoa học, người nông dân, nhà sản xuất và nhà nước đã được thực hiện và thu được nhiều kết quả nổi bật.
(Ảnh minh họa)
Một số giải pháp được đề xuất trong thời gian tới bao gồm:
Tiếp tục triển khai các đề tài, chương trình nghiên cứu bảo tồn nguồn gen dược liệu trong nước. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống mạng lưới thông tin về nguồn gen quốc gia đầy đủ, thống nhất đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn thông tin đối với các tổ chức cá nhân tham gia vào phát triển dược liệu Việt Nam.
Đầu tư nghiên cứu khoa học về cây thuốc và khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ thuật cao vào sản xuất trồng và chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển dươc liệu từ việc tiếp cận chia sẻ thông tin để truy xuất nguồn gốc dược liệu, quản lý các yếu tố đầu vào (hệ thống phần mềm đánh giá chất lượng) đến theo dõi, giám sát quy trình trồng, chăm sóc (bằng hệ thống máy cảm biến và máy tính chủ trung tâm), khâu sơ chế, đóng gói tự động, vận chuyển, lưu trữ và lưu hành sản phẩm với sự hỗ trợ của hệ thống thông tin dữ liệu lớn (big data).
Tiếp tục nghiên cứu đánh giá giá trị y học của nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam. Nghiên cứu, áp dụng và chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong chiết xuất, xác định thành phần dược chất, bào chế các dạng sản phẩm thuốc từ dược liệu. Tập trung vào các công nghệ tiên tiến, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ và kinh nghiệm trong phát triển dược liệu và có nhiều điều kiện tương tự như Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan… Khai thác hiệu quả các hợp tác quốc tế thông qua nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đặc biệt là các công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh trong trồng trọt, chế biến dược liệu và bào chế các loại thuốc từ dược liệu.
Xây dựng các chương trình đào tạo từ cấp đại học đến sau đại học về nghiên cứu và phát triển dược liệu ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dược liệu. Mở rộng và triển khai thường xuyên các hoạt động tập huấn, đào tạo tại chỗ cho bà con nông dân, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất dược liệu, đào tạo kết hợp chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dược liệu.
TS. Trần Thị Oanh
Theo Tạp chí Sức Khoẻ Cộng Đồng