Đau thần kinh sau bệnh zona

19/01/2023 07:01

Đau thần kinh (Neuropathic pain) gây nên do kích thích từ những tổn thương của hệ thống thần kinh ngoại vi hoặc trung ương. Loại đau này thường có cảm giác nóng bỏng, kiến cắn, châm chích, như điện giật, ngứa, co thắt, đè ép, lạnh buốt, hoặc rát bỏng…

 

Sau khi gây bệnh thủy đậu, virus vẫn có thể “ngủ” bên trong các dây thần kinh

Bệnh zona là kết quả tái hoạt động của virus herpes zoster (varicella-zoster virus-VZV). Virus này cũng chính là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em (dân gian gọi là phỏng rạ hay trái rạ). Virus thủy đậu cư trú trong cơ thể ở trạng thái “ngủ” bên trong các dây thần kinh cảm giác sau khi gây bệnh thủy đậu ở người, chúng sẽ "thức giấc” và  đi dọc theo dây thần kinh cảm giác vào da đồng thời tạo ra những mảng phát ban gây đau gọi là bệnh zona.

Dạng zona hay gặp nhất thường xuất hiện nửa người, một bên ngực - bụng lan dọc xuống một bên cánh tay. Ngoài ra có thể xuất hiện các vị trí khác nhưng ít gặp hơn: hông, bụng, bộ phận sinh dục, bẹn, xương cùng, đùi, cẳng chân; vùng trán, mi trên dọc trong mắt, cánh mũi, niêm mạc mũi… gây biến chứng mắt như viêm màng tiếp hợp, viêm giác mạc, mống mắt, loét giác mạc,…; vùng hàm mặt cả niêm mạc miệng, vùng cổ  gáy, da đầu vành tai, rối loạn cảm giác 2/3 trước lưỡi, rối loạn khả năng nghe, liệt mặt một bên; tổn thương nhiều dây thần kinh sọ não, đôi khi tổn thương cả não.

Hiện, người ta chưa biết rõ chính xác nguyên nhân vì sao virus thủy đậu lại có thể tái hoạt động và gây ra bệnh zona. Tuy nhiên, virus cư trú trong cơ thể ở trạng thái “ngủ” sống chung “hòa bình” cùng cơ thể chúng ta, chúng sẽ "thức giấc” và gây bệnh cho con người khi có những yếu tố thuận lợi sau đây:

- Sang chấn tấm lý, mệt mỏi.

- Hệ miễn dịch suy yếu (có thể là do tuổi cao, bệnh lý, thuốc làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể ,…).

- Người bệnh bị ung thư và/hoặc nhiễm HIV.

- Người đã sử dụng các biện pháp điều trị bằng tia xạ.

- Đã có tổn thương vùng da bị nổi ban

Thông thường sau khi tăng cảm giác da hoặc cảm giác đau khoảng từ 1 đến 3 ngày, các dải ban sẽ nổi lên, tấy đỏ, phồng  nước ở ngay vị trí đau. Sau khoảng 10 ngày tại các dải ban phồng nước sẽ tụ mủ (có thể không có) và đóng vảy, khoảng sau từ 2 đến 3 tuần các nốt ban trên da sẽ biến mất và vảy rơi ra, có thể để lại sẹo…

Zona có thể gây biến chứng thần kinh

Bệnh zona điều trị không kịp thời và đúng bài bản sẽ dẫn đến biến chứng thần kinh nghiêm trọng gọi là đau thần kinh sau bệnh zona (PHN - Postherpetic neuralgia) là biến chứng nặng nề nhất. PHN là những cơn đau kéo dài sau khi sang thương (các nốt phỏng nước) đã biến mất. Tình trạng này được gọi là đau dây thần kinh sau zona và xảy ra khi các sợi thần kinh bị hư hại gửi thông điệp lẫn lộn và phóng đại đau từ làn da đến bộ não, đau kinh khủng, cảm giác nóng bỏng, kiến cắn, châm chích, như điện giật, ngứa, co thắt, đè ép, lạnh buốt, hoặc rát bỏng.


Không có bệnh lý nào đau như đau thần kinh sau zona, đau làm người bệnh mất ăn, mất ngủ, mất khả năng lao động và làm việc không có hiệu quả, thậm chí rối loạn tâm thần, suy kiệt (nhất là người cao tuổi). Đau gây ra các biến chứng nguy hiểm như tăng huyết áp (THA) rối loạn nhịp tim, làm xuất hiện và/hoặc gia tăng bệnh lý thiếu máu cơ tim, tăng đường huyết nhất là người có bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Thuốc giảm đau thông thường không có hiệu quả hoặc gảm đau rất ít.

Ngoài ra tùy theo vị trí sang thương có thể gây ra: liệt mặt, giảm khả năng về thính giác, mất tầm nhìn và nhiễm trùng da, cá biệt có thể gây viêm não, viêm màng não.

Theo thống kê tại  Hoa Kỳ,  khoảng trên 90% người lớn có chứng cứ huyết thanh của việc nhiễm virút Varicella Zoster và đều có nguy cơ bị zona. Số bị  bệnh này mới hàng năm vào khoảng 1,5 đến 3 trường hợp trên 1000 người. Tuổi đời tăng là yếu tố nguy cơ chủ chốt của bệnh zona, số trường hợp bị bệnh  mới của zona ở những người trên 75 tuổi mỗi năm có hơn 10 trường hợp trên 1000 người. Tại Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ, còn tại bệnh viện SAI GON ITO ghi nhận mỗi năm tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị.

Bên cạnh các điều trị đặc hiệu, người bệnh cũng cần lắng nghe cơ thể - nghỉ ngơi nhiều và tránh các hoạt động vất vả trong khi bệnh đang hồi phục. Ngoài ra, tránh căng thẳng vì căng thẳng có thể làm đau hơn. Thư giãn bao gồm nghe nhạc, tập thể dục, đọc sách, xem  phim hoặc làm việc theo sở thích,  các tiêu khiển khác. Chế độ dinh dưỡng cao, cân đối lượng đạm, chất xơ và vitamin, vitamin nhóm B: B1, B6, B12 góp phần đáng kể vào hiệu quả giảm đau.

Phân biệt giữa giời leo và bệnh zona

Phát hiện và phân biệt đúng bệnh Giời leo và bệnh Zona thần kinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc áp dụng đúng đắn và kịp thời các phương pháp điều trị bệnh.

Bệnh zona như mô tả ở trên. Bệnh giời leo là bệnh gì? Bệnh giời leo chính là hiện tượng da người bệnh bị bỏng bởi chất acid photpho hữu cơ do côn trùng bọ giời gây ra, những vùng da bị bọ giời leo qua để lại những vệt dài tổn thương đỏ, sưng rát…bệnh thường xuất hiện khoảng 5 – 7 ngày là khỏi.

Tuy mới nhìn qua thường thấy những triệu chứng của bệnh giời leo khá giống với bệnh zona, nhưng nếu quan sát kỹ chúng ta có thể nhận biết được 2 căn bệnh này hoàn toàn riêng biệt. Một số cách mà bạn có thể dùng để phân biệt bệnh giời leo và bệnh zona thần kinh ví dụ như:

Sau khi giời leo qua da chúng ta sẽ để lại cảm giác đau rát ngay tức thời tại vùng da tiếp xúc với thủ phạm gây bệnh, quan sát chúng ta chỉ thấy có môt vệt dài chứ ít lan sang vùng da xung quanh nên khá dễ phát hiện. Bệnh thường không nghiêm trọng chỉ sau vài ngày là những dấu hiệu  này biến mất. Thường vị trí xuất hiện bệnh rất đa dạng vì chỉ cần vùng da tiếp xúc với côn trùng gây bệnh là xuất hiện những dấu hiệu này.

Do tác nhân gây bệnh là dịch tiết côn trùng có chứa chất acid photpho hữu cơ nên việc điều trị thường là dùng dung dịch kiềm mạnh để trung hòa chất độc do côn trùng gây ra  giúp khỏi bệnh hoàn toàn. 

Trong dân gian hay điều trị bệnh giời leo bằng cách lấy gạo nếp và đậu xanh nhai nhỏ và đắp vào vùng da bị tổn thương.

Để trị bệnh trái  rạ (thủy đậu), người dân cũng sử dụng bài thuốc dân gian như đốt gốc cây rạ và hòa với nước rửa lên các dải phỏng nước trên da, chính vì thế sẽ gây nhiễm trùng nặng tại chỗ và toàn thân. Nhiều người dân do nghi là giời leo nên cũng dùng  gạo nếp và đậu xanh nhai nhỏ và đắp vùng da bị tổn thương

Cả 2 phương pháp dân gian điều trị giời leo hay trái rạ nêu trên đều dễ gây nhiễm trùng tại chỗ và toàn thân đôi khi rất nghiêm trọng. Vì thế khi chúng ta có những biểu hiện ban đầu nghi ngờ có bệnh zona cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám và điều trị sớm nhất khi có thể.

TS.BS. Lê Văn Chung, Bệnh viện Saigon-Ito

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp