Ngày 21/4, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với sự tham dự của lãnh đạo Cục A03 (Bộ Công an), lãnh đạo ngành giáo dục của 63 tỉnh, thành phố và đại diện các ban ngành liên quan.
4 yếu tố quan trọng đảm bảo tốt cho kỳ thi
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, tuy kỳ thi diễn ra hằng năm, nhưng mỗi năm sẽ có những đổi mới về kỹ thuật nhằm khắc phục những tồn tại ở các kỳ thi trước, từ đó để thực hiện kỳ thi ngày một tốt hơn.
Thứ trưởng nhấn mạnh 4 yếu tố quan trọng đảm bảo tốt cho kỳ thi, đó là: Nắm chắc quy chế; chuẩn bị kỹ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, các phương án đảm bảo an toàn cho thí sinh, cán bộ thực hiện nhiệm vụ của kỳ thi; kiểm soát tốt tình hình, dự báo rủi ro, có phương án dự phòng, nếu có vấn đề cần báo cáo kịp thời; giải quyết tốt các tình huống.
Về cơ bản, Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ổn định như năm trước. Kỳ thi năm nay vẫn giữ các nguyên tắc cơ bản: Đảm bảo quyền thí sinh, phân cấp cho các địa phương; trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân; quy trình, tiến độ, kết quả thực hiện các khâu; ứng dụng công nghệ thông tin.
Bài thi năm nay được giữ ổn định như kỳ thi năm 2021. Trong đó có 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần: Vật lý, Hoá học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Nội dung bài thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận.
Bài thi Ngữ văn thời gian làm bài là 120 phút; bài thi Toán là 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi bài thi thành phần tổ hợp liên môn.
Ngày 31/3, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi minh họa đối với 15 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Cấu trúc đề thi năm nay cơ bản ổn định như năm 2021.
Điều chỉnh thuận lợi hơn cho thí sinh
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi năm nay có một số điểm mới, điều chỉnh thuận lợi hơn cho thí sinh là hình thức đăng ký dự thi trực tuyến. Bộ GD&ĐT đã thực hiện thí điểm đăng ký thi trực tuyến tại 2 trường THPT vùng khó khăn của tỉnh Bắc Giang và Hoà Bình. Kết quả ban đầu các em học sinh dễ dàng thực hiện.
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đăng ký dự thi trực tuyến với thí sinh lớp 12 qua tài khoản là số căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, hoặc mã định danh. Các thí sinh thuộc diện khác sẽ đăng ký trực tiếp tại điểm thi do sở GD&ĐT bố trí.
Phiếu đăng ký dự thi không bao gồm đăng ký xét tuyển đại học và cao đẳng. Do khi có kết quả thi tốt nghiệp, thí sinh mới đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, phần cuối phiếu đăng ký dự thi sẽ có mục tích lựa chọn có hay không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Thời gian đăng ký dự thi từ ngày 4 đến 13/5. Kỳ thi chính thức diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/7; ngày 9/7 là ngày thi dự phòng; khung giờ thi được giữ ổn định.
Thời gian công bố kết thúc thi sớm hơn 2 ngày so với năm trước, dự kiến sẽ là 24/7.
Bên cạnh đó, năm nay nhân viên phục vụ thi tại các điểm thi có thể là nhân lực tại chỗ do điểm thi tại trường, nơi đặt điểm thi bố trí hoặc nhân viên tại các cơ sở giáo dục khác do sở GD&ĐT điều động. Sau khi thực hiện phân công cán bộ coi thi, cán bộ coi thi thứ 2 sẽ bốc thăm cách đánh số báo danh. Các thiết bị của thí sinh không được phép mang vào phòng thi sẽ được lưu giữ và để cách phòng thi 25 mét để đảm bảo ngắt các kết nối.
Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả kỳ thi
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục A03 thông tin tình hình, kết quả công tác phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi năm 2021 và giải pháp nâng cao hiệu quả kỳ thi năm 2022.
Đại biểu tham dự hội nghị đến từ các sở GD&ĐT của 63 tỉnh, thành phố sẽ được tập huấn về hệ thống phần mềm quản lý và đăng ký thi trực tuyến cho thí sinh là học sinh lớp 12 THPT năm 2021-2022.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số sở GD&ĐT đặt các câu hỏi, nêu băn khoăn thắc mắc về một số vấn đề, như: Phương án tổ chức thi cho các thí sinh F0, quy cách mẫu giấy thi, kiểm tra các thiết bị in sao đề thi, phương án bảo quản các thiết bị không được phép mang vào phòng thi trong trường hợp không bố trí được điểm lưu giữ thiết bị cách phòng thi 25 m như quy chế đưa ra...
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, những ý kiến của lãnh đạo các địa phương rất sát với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, trước khi tổ chức tập huấn kỳ thi lãnh đạo Bộ phải đợi tập hợp ý kiến các địa phương, sau đó báo cáo và xin ý kiến Chính phủ. Sau khi được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ GD&ĐT mới tổ chức tập huấn về công tác thi cho các địa phương.Đại diện Bộ Công an cũng giải thích cụ thể về các thiết bị in sao đề thi, việc kiểm tra các thiết bị, cũng như hướng dẫn sử dụng các thiết bị đảm bảo an toàn cho kỳ thi.
Đại diện Bộ Công an cho biết, sẽ chỉ đạo PA06 các tỉnh, thành phố phối hợp kiểm tra rà soát các thiết bị đảm bảo thuận lợi cho các địa phương, tránh việc phải mang các thiết bị quá nặng về từ Hà Nội tới địa phương để kiểm tra như ý kiến của một số đơn vị. Các thiết bị phá sóng điện thoại hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khoẻ của thí sinh và cán bộ tham gia kỳ thi, vì thế các địa phương có thể yên tâm.
Theo Nhật Nam / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ