Kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức chính thức mở đăng ký vào ngày 25/5 và kéo dài đến 17h00 ngày 15/6/2022. Hiện tại có 20 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy làm phương thức xét tuyển.
Theo Đại học Bách khoa Hà Nội, kỳ thi năm nay được diễn ra trong một ngày vào 15/7, một tuần sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh từ nhiều vùng, Nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi tại 5 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và các trường lân cận), Hải Phòng (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam), Nghệ An (Trường Đại học Vinh), Tuyên Quang (Trường Đại học Tân Trào) và Đà Nẵng (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng).
Về cấu trúc, bài thi tổ hợp diễn ra trong 270 phút, gồm ba phần: Phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu (120 phút); phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh (90 phút); phần tự chọn 2 là môn Tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS.
Thí sinh bắt buộc làm các phần thi Toán – Đọc hiểu. Ở phần thi tự chọn, thí sinh có thể chọn phần thi khoa học tự nhiên hoặc tiếng Anh, hoặc cả hai.
Phần thi bắt buộc được tổ chức vào buổi sáng, hai phần tự chọn tổ chức vào buổi chiều để đảm bảo các thí sinh có thể thi cả ba phần.
Bài thi đánh giá tư duy sẽ được thi trên giấy, các câu hỏi là trắc nghiệm và trả lời trên phiếu như thi THPT. Riêng môn Toán và tiếng Anh có một phần tự luận để đánh giá cách tư duy và khả năng trình bày của các thí sinh.
Theo PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, quá trình xây dựng đề thi hết sức công phu và phức tạp. Bên cạnh đội ngũ ra đề thi giàu kinh nghiệm và giỏi nghiệp vụ, cùng quy trình tổ chức nghiêm ngặt, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sử dụng đơn vị độc lập với chuyên môn đo lường giáo dục để đánh giá và hiệu chỉnh chất lượng đề thi sao cho bám sát chương trình THPT.
Trước đó, Bách khoa Hà Nội đã tổ chức thành công hai buổi thi thử, vào tháng 1/2022 và tháng 3/2022, với độ khó và phân loại học sinh tương đương đề thi thật để thí sinh có thể làm quen với dạng đề và có phương án ôn thi phù hợp.
Chỉ tiêu xét tuyển của Bách khoa Hà Nội dựa trên Kỳ thi đánh giá tư duy tăng mạnh, chiếm đến 50 – 60% trong tổng số 7990 chỉ tiêu. Ngoài ra, 20 trường đại học khác trong cả nước cũng sẽ sử dụng kết quả của Bài thi này để xét tuyển.
Danh sách các trường đại học sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển: 1. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội 2. Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải 3. Trường ĐH Giao thông vận tải 4. Trường ĐH Mỏ - Địa chất 5. Trường ĐH Thăng Long 6. Trường ĐH Thủy lợi 7. Trường ĐH Xây dựng 8. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân 9. Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp 10. Trường ĐH Phenikaa 11. Trường ĐH Bách khoa Đà nẵng – ĐH Đà Nẵng 12. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội 13. Học viện Chính sách và Phát triển 14. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên 15. Trường ĐH Công nghệ Đông Á 16. Trường ĐH Kinh tế Nghệ An 17. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh 18. Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Á châu 19. Trường ĐH Hà Nội 20. Trường ĐH Vinh |
Theo Thu Hà / Ngày Mới Online