Đại biểu Quốc hội: Bảo đảm công bằng giữa cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân

06/01/2023 16:36


Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Yên Bái - Ảnh: VGP/HL

Ngay sau Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu, giải trình tối đa các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên gia, xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và tiến hành khảo sát tại địa phương về việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh và về tài chính, nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý, trình kỳ họp lần này gồm có 12 chương, 121 điều, tăng 3 chương (Chương VI, VII, XI) và 30 điều so với Luật hiện hành.

Dự thảo Luật có 9 nhóm điểm mới liên quan đến người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật; hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung quy định về hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thiết bị y tế; về huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp và các quy trình, thủ tục được quy định theo hướng cải cách thủ tục hành chính.

Xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật về: Hành nghề khám chữa bệnh; tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện về khám chữa bệnh; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…

Các ý kiến đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trong thời gian qua; cho rằng dự thảo Luật trình ra Quốc hội được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nhiều nội dung cập nhật hợp lý, kịp thời và dự thảo luật lần này cơ bản đủ điều kiện thông qua tại kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại của ngành y tế.

Nhiều ý kiến đại biểu khẳng định, việc sửa đổi Luật phải đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân...

Liên quan đến nội dung về hành nghề khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho biết, điều 20 trong dự thảo Luật quy định 7 trường hợp không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có các trường hợp như: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật; đang trong thời gian thi hành án treo về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật; đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật được tha tù trước thời hạn có điều kiện… Đại biểu đề nghị bổ sung thêm trường hợp không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người đang trong thời gian thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ vì hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật. 

Ở góc độ khác, đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk), nhấn mạnh, khám chữa bệnh là dịch vụ đặc thù có liên quan chặt chẽ tới tính mạng, sức khỏe của người dân, do đó, việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện, trách nhiệm hành nghề là hết sức cần thiết. Dự luật cần có quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về các trình tự, thủ tục hành chính, các yêu cầu về khám, chữa bệnh. 

Theo dự án Luật hiện nay được trình, các quy định liên quan đến quy trình, thủ tục hành chính chủ yếu tập trung vào các nội dung cấp giấy phép hành nghề, thừa nhận giấy phép hành nghề, cấp giấy phép hoạt động và quy định về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (như hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới, thử lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh) nhằm bảo đảm chặt chẽ, kiểm soát chất lượng vì sự an toàn của người bệnh và hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh. Quy định và xác định thời hạn của các thủ tục hành chính này cơ bản đã được Chính phủ đánh giá tác động và thể hiện tại Hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh trình Quốc hội.

Về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (Điều 108), nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ về cơ chế tự chủ của các bệnh viện; xem xét tính khả thi của cơ chế tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và cần quy định cụ thể việc tự chủ nhưng đồng thời bảo đảm chất lượng trong dịch vụ y tế.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị việc tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cần quy định rõ cơ sở khám chữa bệnh tự bảo đảm chi thường xuyên, được quyết định giá dịch vụ khác… Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các hình thức tổ chức các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, một số ý kiến đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, như về yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo. Đồng thời, quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân; bổ sung quy định về phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp và thống nhất với quy định của dự thảo Luật Giá.

Đầu tư nâng cấp nơi khám, chữa bệnh tại biên giới, hải đảo

Nêu thực tế, hiện các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn đã bị hỏng hóc, xuống cấp, lạc hậu, thiếu đồng bộ, không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, trong khi đó nguồn lực đầu tư của các địa phương rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư để nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hoặc mua sắm mới cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) đề nghị sau khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua, Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cân đối, bố trí nguồn lực để từng bước đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các khu vực này. Đồng thời có cơ chế, chính sách hợp lý trong việc tuyển dụng, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên của các cơ sở y tế khu vực này, bảo đảm có đủ nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

Ngoài ra, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) và một số ý kiến địa biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án Luật tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các chương, điều của dự án Luật về từ ngữ, văn phong, kỹ thuật lập pháp; bảo đảm tính logic, sự đồng bộ, thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung, nhất là đồng bộ với Luật Bảo hiểm y tế, Luật Đấu thầu, Luật Giá… 

Hải Liên


Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp