Đến thời điểm này, hầu hết phụ huynh và học sinh đã xác định được trường sẽ đăng ký thi vào lớp 10 theo 3 nguyện vọng, nhờ dựa vào điểm thi học kỳ 1 và sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm.
Áp lực một kỳ thi
Chị Nguyễn Thị Lan có con đang theo học tại một trường THCS thuộc địa bàn quận 3, TP.HCM cho biết: “Buổi họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm dành nhiều thời gian cho việc trao đổi về kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Hiện nay, đây được xem là cửa ải khó khăn nhất trong cuộc đời của học sinh phổ thông, vì tìm một chỗ học lớp 10 còn khó hơn cả thi đại học”.
Giải thích rõ hơn việc này, anh Văn Hoàng có con học trường THCS ở Bình Thạnh phân tích: “Những năm gần đây, chuyện xét tuyển đại học, học sinh và phụ huynh không lo lắng bằng chuyện thi tuyển sinh 10. Bởi lẽ, khi học xong lớp 12 thì trường đại học, trường nghề hiện nay có rất nhiều, không vào trường này có thể vào trường khác, không xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp thì có thể xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông. Thi tuyển sinh 10 lại hoàn toàn khác, nhất là những học sinh ở khu vực đô thị hiện nay phải chạy đua vào lớp 10 công lập đang vô cùng căng thẳng và áp lực. Nhiều học sinh phải học ngày, học đêm, học ở trường, học ở trung tâm, ở nhà thầy cô giáo…nhưng vẫn sợ không thể đậu được nguyện vọng 1 vì tỉ lệ đậu lớp 10 chỉ dao động ở mức 60-80% tổng số học sinh lớp 9 trên địa bàn”.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, năm học 2022-2023, Thành phố có khoảng 109.000 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập chỉ đáp ứng 70% chỗ học lớp 10. Như vậy, sẽ có khoảng 30% học sinh buộc phải rẽ hướng qua các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng hoặc trường THPT dân lập, tư thục
Giáo viên phổ biến quy chế trước khi thi cho học sinh.
Ngay sau khi có điểm thi học kỳ 1 vừa qua, hầu hết các trường THCS đều nhanh chóng thống kê điểm 3 môn thi (toán, văn, Anh), sau đó họp phụ huynh để thông báo, đồng thời hướng dẫn họ chọn trường dựa trên điểm thi này và điểm trúng tuyển năm ngoái. Thầy P.T, giáo viên toán lớp 9 cho biết: “Các em học sinh lớp 9, khi làm bài thi trong lớp, đề giáo viên hoặc trường cho thì điểm rất cao, nhưng khi thi học kỳ 1 vừa qua, đề do phòng giáo dục cho, trong đó có phần toán thực tế là phần các em sợ nhất, do trong sách giáo khoa không có chương nào về toán thực tế, đòi hỏi các em phải có kiến thức cuộc sống mới giải được, vì vậy điểm các em lại rất thấp, điều này khiến một số em bị sốc”.
Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, đề toán năm nay dự kiến có vận dụng kiến thức đã học giải bài toán thực tế.
“Ngán” toán thực tế, em Văn Thanh, học sinh Trường THCS Hai Bà Trưng nói: “Toán thực tế không khó, nhưng đòi hỏi phải từng trải qua việc đó mới biết, như tính lãi suất ngân hàng, chúng em còn nhỏ không có tiền gửi ngân hàng, chưa đi gửi tiền bao giờ nên không hiểu. Rồi bài toán về tính tiền điện, tiền nước... cũng khó. Bên cạnh đó có nhiều bài về sản xuất, tính nguyên vật liệu, giá thành… là những kiến thức xa lạ với em”.
Căng thẳng chọn trường, chọn môn học
Năm nay là năm thứ 2 TP.HCM thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, triển khai ở bậc THPT, chương trình học yêu cầu học sinh chọn tổ hợp môn học ngay từ đầu năm lớp 10. Việc học sinh lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 sẽ giữ ổn định đến năm lớp 12. Nếu muốn chuyển đổi môn học, học sinh chỉ thực hiện được vào cuối năm lớp 10 nhưng việc này không hề đơn giản, bởi sẽ phải nhanh chóng bổ sung kiến thức cả năm học. Do đó, việc chọn trường nói chung, tổ hợp môn học nói riêng nếu phù hợp ngay từ đầu thì sẽ giúp quá trình học tập của học sinh ở bậc THPT thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, cho đến lúc này, nhiều nơi chưa có thông tin tổ hợp môn của các trường. Chị Nguyễn Hằng có con học tại Trường THCS Lê Lợi cho biết: “Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm tư vấn cho chúng tôi rất kỹ, chủ yếu dựa vào học lực của cháu mà chọn trường phù hợp, bây giờ chúng tôi đã xác định được trường dự tính thi rồi. Tuy nhiên, khi nghe nói còn phải chọn môn học trong tổ hợp môn luôn trong đợt này, chúng tôi khá lo lắng vì rất ít thông tin”.
Trước thực trạng này, hầu hết phụ huynh và học sinh cho biết, trước mắt đều chọn trường theo điểm tuyển sinh và khoảng cách không quá xa nhà.