Khi đồng hồ điểm 13h chiều 12/5 cũng là lúc chiếc canô chuyên dụng của CSGT bắt đầu hú còi lên đường thực hiện tuần tra. Nhiệm vụ của tổ công tác trong chiều nay là đảm bảo ATGT đường thủy, phát hiện xử lý các vi phạm giao thông trong đó tập trung vào vi phạm nồng độ cồn.
Tàu tuần tra của Tổ công tác thuộc Đội CSGT đường thủy số 2 rẽ sóng lao nhanh, bắt đầu ca tuần tra chiều 12/5.
Theo Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, Đội phó Đội CSGT đường thủy số 2, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý địa bàn gần 100km hai tuyến sông Hồng và sông Đuống kéo dài từ địa phận Hà Nội đến Hà Nam. Đây là một địa bàn rộng bởi đặc thù sông nước khác với đường bộ nên công tác thực hiện nhiệm vụ gặp không ít khó khăn.
Ví dụ như việc dừng phương tiện để kiểm tra, sau khi tiếp cận thuyền, lực lượng CSGT sẽ phải hướng dẫn lái tàu tránh luồng lạch, vào khu vực thích hợp để neo đậu, đồng thời cũng phải điều tiết, phân luồng giao thông vì hầu hết đây đều là các phương tiện có tải trọng và kích thước lớn.
Hàng chục phương tiện thủy di chuyển
Ghi nhận trên tuyến sông Đuống tại địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội, mật độ phương tiện thủy lưu thông là tương đối lớn, trong đó có không ít tàu tải trọng lớn di chuyển.
Tổ công tác ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra.
Việc tiếp cận tàu thuyền để kiểm tra được lực lượng CSGT thực hiện rất thận trọng bởi yếu tố an toàn trên sông nước phải được đặt lên hàng đầu.
Cán bộ CSGT sau khi lên tàu sẽ tiến hành kiểm tra kỹ phương tiện, việc vận chuyển hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, không chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm…
Tiếp đó, tổ công tác tiến hành kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện. Khác với đường bộ, việc kiểm tra nồng độ cồn chỉ thực hiện với người điều khiển phương tiện thì đối với đường thủy, CSGT sẽ thực hiện đo cồn đối với tất cả thành viên trên tàu trong ca trực như: chủ tàu, lái tàu, thợ máy, thuyền viên... nhằm kiểm soát chặt vi phạm về nồng độ cồn với phương tiện thủy.
Tổ công tác kiểm tra nồng độ côn
Quá trình kiểm tra nồng độ cồn đối với gần 10 trường hợp đều không ghi nhận bất cứ vi phạm nào. Đây là kết quả tích cực cho những nỗ lực của CBCS Đội CSGT đường thủy số 2 trong thời gian qua khi kết hợp giữa công tác xử lý nghiêm hành vi điều khiển phương tiện thủy sau khi đã uống rượu, bia của cánh thuyền trưởng, thuyền viên với việc tuyên truyền thường xuyên, liên tục về hậu quả thảm khốc có thể xảy ra do hành vi vi phạm này.
Tổ công tác kiểm tra các điều kiện an toàn trên tàu.
Được biết, nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy, nếu người lái hoặc thuyền viên trong ca trực mà có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Ở mức cao hơn, nếu nồng độ cồn chưa vượt quá 0,4miligam/1 lít khí thở, mức phạt sẽ tăng lên 5-10 triệu đồng, hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ chuyên môn từ 1 tháng đến 2 tháng. Trường hợp vượt quá mức trên bị phạt 20-35 triệu đồng đồng thời tước quyền sử dụng chứng chỉ chuyên môn từ 2 tháng đến 4 tháng.
Báo cáo thống kê về kết quả tuần tra kiểm soát từ tháng 1/2023 đến ngày 10/5, Đội CSGT đường thủy số 2 đã xử lý 630 trường hợp tàu vi phạm, phạt tiền 828 triệu đồng; trong số này có 551 trường hợp liên quan đến vi phạm chở quá tải (để ngập mớn nước an toàn). Trong thời gian tới, Đội sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát việc kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện hoạt động vận tải hàng hóa, đặc biệt là các phương tiện vi phạm về chở quá vạch dấu mớn nước, vi phạm về đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn.
Hà Thu
Theo Cổng thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông