Cơ hội tốt để đổi mới trong dạy học môn lịch sử

19/07/2022 18:22

(Chinhphu.vn) - Các nhà khoa học chuyên ngành lịch sử đánh giá cao những điều chỉnh và khẳng định đây là cơ hội tốt để đổi mới trong dạy học môn lịch sử.

Cơ hội tốt để đổi mới trong dạy học môn Lịch sử - Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng việc xây dựng lại chương trình, thiết kế thành môn bắt buộc ở môn lịch sử là nền tảng, cơ bản cho đại trà học sinh.

Ngày 19/7, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo góp ý Chương trình môn lịch sử cấp THPT điều chỉnh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội.

Không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông môn lịch sử cấp THPT, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, cử tri về việc môn lịch sử là môn tất cả học sinh được học ở cấp THPT và thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về môn lịch sử, Bộ GD&ĐT đã giao cho Ban Phát triển chương trình môn học lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 thực hiện việc rà soát, điều chỉnh chương trình môn lịch sử.

Ban Phát triển chương trình đã đề xuất phương án Điều chỉnh môn lịch sử đó là: Giữ nguyên phần lựa chọn là phần chuyên đề học tập lịch sử 35 tiết/lớp/năm học của CT GDPT 2018. Chuyên môn lịch sử trong nhóm khoa học xã hội thành phần lịch sử bắt buộc với thời lượng 52 tiết/lớp/năm học (Phần bắt buộc được lựa chọn từ các chủ đề, các nội dung cốt lõi của Chương trình môn lịch sử 2018).

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Trưởng Ban phát triển Chương trình môn học lịch sử cấp THPT trong CT GDPT 2018 cho biết những điều chỉnh Chương trình môn lịch sử phần bắt buộc được dựa trên 8 nguyên tắc chính.

Đó là tuân thủ mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 và đặc điểm môn lịch sử.

Không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành, củng cố kiến thức phổ thông ở giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến thức cốt lõi qua các chủ đề nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Việc điều chỉnh phải dựa trên cơ sở chuyển từ môn học lựa chọn mang tính định hướng nghề nghiệp trở thành môn học bắt buộc cho tất cả các đối tượng học sinh đại trà với thời lượng 52 tiết/lớp/năm học (so với 70 tiết theo Chương trình môn lịch sử 2018), với nguyên tắc tinh giản một số nội dung, mức độ yêu cầu cần đạt cho phù hợp với học sinh đại trà.

Bảo đảm tính cơ bản, hệ thống cho giáo dục đại trà, đồng thời bước đầu quan tâm đến giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp THPT.

Các chủ đề, nội dung lựa chọn phải phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi, nhận thức học sinh cấp THPT. Coi trọng kiến thức lịch sử dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam nhằm nâng cao giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc…

Chương trình lịch sử phần bắt buộc phải bảo đảm tính khả thi, sự phù hợp, vừa sức đối với tất cả học sinh đại trà.

Chú ý đến sự hài hòa, tính logic, sự kết nối giữa nội dung các chủ đề phần lịch sử bắt buộc (cơ bản, cốt lõi) với các chuyên đề theo định hướng nghề nghiệp có tính chuyên sâu.

Thách thức cho những người thiết kế chương trình

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng việc xây dựng lại chương trình, thiết kế thành môn bắt buộc ở môn lịch sử là nền tảng, cơ bản cho đại trà học sinh. Yêu cầu cần đặt ra là xây dựng phẩm chất nền tảng cho tất cả học sinh, không phải định hướng nghề nghiệp nên đây cũng là thách thức cho những người thiết kế chương trình khi chuyển từ 70 tiết thành 52 tiết.

Mặt khác, việc điều chỉnh Chương trình lịch sử phần bắt buộc với cấp THPT đã giảm những kiến thức hàn lâm, tăng tính truyền thống để học sinh thêm yêu quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng Việt Nam. Bảo đảm được cấu trúc, tinh thần định hướng nghề nghiệp không thay đổi. Học sinh có phần lựa chọn để định hướng nghề nghiệp tốt nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, việc điều chỉnh không phải là xây mới mà thực chất điều chỉnh giữa phần bắt buộc và lựa chọn. Do đó mong muốn ý kiến đóng góp xem đã đáp ứng được kiến thức cơ bản, nền tảng cho tất cả đối tượng học sinh hay chưa; cách giải quyết (việc giảm chủ đề) hợp lý không; nội dung nêu đã bảo đảm tính khoa học chưa; tính sư phạm có bảo đảm yêu cầu hay không...

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ quản lý, giáo viên các tỉnh phía bắc về nội dung, chương trình cũng như đồng thuận cao về 8 nguyên tắc điều chỉnh chương trình môn lịch sử phần bắt buộc. Các thầy cô cũng nêu lên mong muốn trong việc tập huấn giáo viên, đưa ra hướng dẫn triển khai chung... 

Các nhà khoa học chuyên ngành lịch sử cũng đánh giá cao những điều chỉnh và khẳng định đây là cơ hội tốt để đổi mới trong dạy học lịch sử.

Ban Phát triển chương trình môn lịch sử cấp THPT trong CT GDPT 2018 sẽ nghiên cứu và có những điều chỉnh phù hợp nhất sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp điều chỉnh chương trình môn llịch sử phần bắt buộc qua hội thảo.


Theo Phương Liên / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp