Nhân dịp Xuân Quý Mão, ông Phạm Thế Đồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Sài Gòn - ITO đã có buổi chia sẻ cùng Tạp chí Khoa học phổ thông về những kế hoạch hướng đến cộng đồng trong năm 2023 cũng như những quan điểm, triết lý trong công việc, cuộc sống của mình.
Phóng viên: Ông có thể cho biết các chương trình, kế hoạch dành cho những hoạt động xã hội mà Bệnh viện Sài Gòn - ITO luôn hướng đến?
- Ông Phạm Thế Đồng: Trước giờ, hệ thống Bệnh viện Sài Gòn - ITO luôn dành ưu tiên cho những chương trình xã hội hướng về cộng đồng. Trong năm 2023, Bệnh viện Sài Gòn - ITO sẽ tiếp tục phối hợp với Tạp chí Khoa học phổ thông nhằm phổ cập những kiến thức y khoa phổ thông về bệnh lý cơ xương khớp, cột sống, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, giảm đau cho bệnh nhân có bệnh lý mãn tính… đến người dân, đặc biệt là những người dân thuộc vùng sâu vùng xa, ít có điều kiện tiếp cận y tế. Song song đó, trong kế hoạch hợp tác lâu dài, chúng tôi sẽ dành riêng một nguồn kinh phí để đồng hành cùng các chương trình từ thiện của Tạp chí Khoa học phổ thông, một trong số đó là đưa bác sĩ đến khám tận nơi và phát thuốc miễn phí.
- Ông có thể tiết lộ tổng kinh phí mà Bệnh viện Sài Gòn - ITO đã dành cho các hoạt động xã hội, cộng đồng trong suốt những năm qua?
- Chia sẻ cộng đồng mang giá trị tích cực và ích lợi cho bệnh nhân, hoạt động trong lĩnh vực y tế, chúng tôi luôn tâm niệm sẽ cố gắng hết sức chia sẻ nỗi đau, phối hợp với các tổ chức khác chung tay chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân còn khó khăn, không có điều kiện thuận lợi. Chúng tôi làm việc này bằng chính cái tâm của mình, không mong nhận lại nên cho đi là không kể (cười).
Ông Phạm Thế Đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn - ITO
- Được biết, ông từng tốt nghiệp ngành điện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, có nhiều năm công tác trong lĩnh vực được đào tạo. Duyên cớ gì đưa ông đến với ngành y, vốn không liên quan chuyên môn trước đó?
- Kể ra thì hơi dài dòng, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ gia đình. Ông nội tôi có 10 người con, 5 người theo nghề y, 5 người làm khoa học. Mặc dù là nhà khoa học nhưng bố tôi lại rất mong tôi chọn ngành y. Riêng tôi, do nhận thấy mình không được khéo léo trong mổ xẻ và cũng sợ máu, nên khi chọn nguyện vọng thi đại học, cả 3 nguyện vọng, tôi đều đăng ký vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm 2001, khi đang công tác tại Công ty Casumina, vì để tìm nguồn máu hiếm O Rh- (xác suất 1 trên 2 triệu người) cứu chồng của một đồng nghiệp đang trong cơn nguy kịch, tôi đã vận dụng mọi cách, mọi mối quan hệ để xin chuyển được 4 đơn vị máu hiếm này từ Hàn Quốc về Việt Nam. Lần khác, đang ở Đại sứ quán đợi tới lượt phỏng vấn xin visa đi công tác Ai Cập, một chị đồng nghiệp ở TP.HCM gọi điện thoại bảo có người nhà đang phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nhưng không có máu để tiếp, nhờ tôi ứng cứu. Trình bày lý do xin hoãn phỏng vấn, được Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam chấp nhận, tôi tức tốc đến Việt Đức. May thay, máu tôi phù hợp để truyền cho người bệnh, ca phẫu thuật thành công. Qua hai sự việc đó, tôi nhận ra, nếu biết cách và kịp thời, sẽ có rất nhiều người được cứu sống. Đó cũng là một vài cơ duyên đưa tôi đến lĩnh vực này.
Nhận kỷ niệm chương - cựu sinh viên tiêu biểu nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường Đại học Bách khoa Hà Nội
- Thời điểm từ năm 2006 đến 2016, ông vừa nắm giữ chức Tổng Giám đốc Công ty Sơn chất dẻo - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, vừa là Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Sài Gòn - ITO. Đảm nhiệm cùng lúc hai vị trí then chốt, ông phân thân như thế nào để cân bằng giữa công việc và gia đình?
- Trong nghệ thuật quản trị, biết dùng người, biết giao việc là yếu tố quan trọng nhất. Tôi có phương châm, đừng để con khỉ trên vai mình, phải biết ném nó sang vai người khác. Trong cuộc sống cũng vậy, phải biết cách sắp xếp làm sao để còn có thời gian tận hưởng cuộc sống chứ không thể làm việc quần quật tối ngày. Triết lý sống của tôi là làm vừa đủ, làm rõ ràng và trung thực. Nhưng biết thế nào là “vừa đủ” mới là khó nhất. Đơn cử Bệnh viện Sài Gòn - ITO, nếu bị cuốn vào vòng xoáy đấu giá, bán cổ phần, kêu gọi đầu tư nước ngoài… thì mình sẽ bị mất quyền kiểm soát, nguy cơ đi chệch hướng so với định hướng đề ra ban đầu rất dễ xảy ra… Nhưng lúc ấy, những mời gọi kia quả thực quá hấp dẫn về mặt lợi nhuận, không tiết chế được, mình cũng sẽ phá bỏ luôn triết lý sống của chính mình.
Kỉ niệm với Thủ tướng Canada
Với tôi, giữa phát triển nhanh và phát triển bền vững, tôi chọn phát triển bền vững. Trong kinh doanh, mặc dù lợi nhuận quan trọng, nhưng cứu người và cố gắng giảm thiểu sai sót hết mức tối đa đối với bệnh nhân vẫn là mục tiêu quan trọng hơn cần hướng đến.
- Trước thềm năm mới, Bệnh viện Sài Gòn - ITO có dự tính sẽ tạo ra những bước đột phá trong lĩnh vực chuyên môn của mình?
- Chúng tôi chỉ có tham vọng làm sao phục vụ tốt hơn nữa cho bệnh nhân chứ đột phá thì khó. Năm mới, vẫn tiếp nối tinh thần hạn chế tối đa rủi ro xảy ra cho người bệnh; đẩy mạnh nghiên cứu giảm đau cho bệnh nhân đau mạn tính zona và ung thư; chăm sóc sức khỏe tim mạch và cơ xương khớp cho người cao tuổi. Hiện người cao tuổi chiếm khoảng 35% bệnh nhân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Sài Gòn - ITO.
Về phía nội bộ, chúng tôi vẫn luôn thực thi những chính sách phúc lợi dành cho nhân viên như hỗ trợ cho vay mua nhà, mua xe, tiếp nhận hoặc giới thiệu việc làm phù hợp cho con em họ sau khi ra trường. Nói chung, chúng tôi tạo điều kiện tối đa trong khả năng của mình, làm tốt vai trò người “chỉ đường, truyền lửa” để nhân viên yên tâm công tác và gắn bó lâu dài.
- Xuất thân là dân kỹ thuật, những trở ngại mà ông gặp phải khi quản trị mô hình bệnh viện là gì? Tương lai, ông có dự tính để con cái kế thừa sự nghiệp của mình?
- Tôi có may mắn là học thêm văn bằng 2 Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Mở Bán công TP.HCM (khóa 1993 -1995), sau đó sang Úc tu nghiệp ngành Quản trị chất lượng nên cũng “thuận tay” trong quản trị bệnh viện. Chính ngành nghề đã tạo nên tính cách con người. Dân kỹ thuật thì không dám làm liều, vì làm liều là chết ngay. Trong khi đó, ngành quản trị sẽ giúp mình “uyển chuyển” hơn trong cách thức giải quyết vấn đề. Hiện, tôi không dám nói là mình đã thành công, nhưng chắc chắn là không thất bại.
Tôi không quan trọng chuyện “con vua thì lại làm vua”. Vợ chồng tôi luôn khuyến khích, ủng hộ các con đi theo con đường riêng của mình. Việc kế thừa sự nghiệp, tôi chú trọng chọn người để tiếp tục phát triển chứ không phải để lụn bại. Thành ra, cơ hội chia đều cho bất kỳ ai, nếu hội đủ hai yếu tố, đó là phải yêu công việc mình chọn và có khả năng. Thiếu một trong hai yếu tố trên, bạn sẽ không thể đi đường dài.
- Xin cảm ơn ông!