Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả lớn

01/07/2022 16:05

(Chinhphu.vn) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đặc biệt lưu ý, thi tốt nghiệp THPT 2022 là kỳ thi quốc gia, mục đích là tốt nghiệp, nhưng còn xét tuyển đại học, tính cạnh tranh rất cao, vì vậy cần tổ chức an ninh, an toàn ở từng điểm thi, bởi nếu không, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả lớn.

Chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể gây hậu quả lớn - Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2022 của tỉnh Hà Nam

Tổ chức an ninh, an toàn ở từng điểm thi

Sáng 1/7, Đoàn công tác số 1 do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2022 của tỉnh Hà Nam. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Hà Nam có 23 điểm thi đặt tại 23 trường THPT, với 404 phòng thi/9.225 thí sinh dự thi. Trong đó giáo dục phổ thông có 8.087 thí sinh, giáo dục thường xuyên có 1.138 thí sinh. Để tổ chức kỳ thi, Hà Nam huy động 1.040 cán bộ coi thi, 194 cán bộ giám sát và lực lượng công an, trật tự viên, phục vụ, y tế, bảo vệ trên 500 người.

Đến nay, Sở GD&ĐT đã tập huấn và chỉ đạo các đơn vị có thí sinh dự thi, các phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn quy chế thi và các văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên được cử tham gia làm nhiệm vụ tại các điểm thi; phổ biến, hướng dẫn quy chế thi cho thí sinh dự thi. 

Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo Thanh tra Sở dự tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp năm 2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức; tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi cho 80 cộng tác viên thanh tra thi.

Công tác in sao đề thi huy động 25 người. Công an tỉnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, tham gia vận chuyển đề thi, bài thi bằng ô tô. Phương án bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi được thực hiện nghiêm ngặt với hệ thống tủ sắt được khoá và niêm phong, camera an ninh, có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày...

Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các trường THPT thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh phòng dịch, công tác đảm bảo an ninh an toàn tại các điểm thi; rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất trường, lớp. 

Công tác chấm thi dự kiến từ ngày 9/7. Cách ly triệt để đối với ban làm phách đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Chấm thi tự luận huy động 139 người, trong đó cán bộ chấm thi là 119 người, đảm bảo chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài, mỗi bài thi được chấm 2 vòng độc lập...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng, Trưởng Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2022 cấp tỉnh cho biết, kỳ thi sắp tới được xác định là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các cấp, ngành của tỉnh Hà Nam.

Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành liên quan của tỉnh thực hiện nghiêm túc 4 nhiệm vụ. Đó là: Đảm bảo an ninh, an toàn là hàng đầu; công tác phòng cháy chữa cháy là quan trọng, vì thế, các cơ quan chức năng cần kiểm tra kỹ trước và trong kỳ thi ở 23 điểm thi; kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và an toàn thực phẩm trong suốt kỳ thi; điện lực Hà Nam phải xây dựng phương án, cam kết khắc phục mất điện trong thời gian 10 phút, các điểm thi phải có máy phát điện dự phòng. Cùng với đó, các lực lượng tình nguyện nắm bắt, rà soát hỗ trợ thí sinh khó khăn tham dự thi.

Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đặc biệt lưu ý: Đây là kỳ thi quốc gia, mục đích là tốt nghiệp, nhưng còn xét tuyển đại học, tính cạnh tranh rất cao, vì vậy cần tổ chức an ninh, an toàn ở từng điểm thi, bởi nếu không, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả lớn.

Chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể gây hậu quả lớn - Ảnh 2.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn kiểm tra thực tế tại một số điểm thi ở tỉnh Thanh Hóa

Cần tránh xảy ra sai sót, dù nhỏ nhất, trong khâu bảo mật đề thi

Kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại tỉnh Thanh Hóa, ngày 30/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh đến khâu bảo mật đề thi, cần tránh xảy ra sai sót dù nhỏ nhất.

Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã khảo sát trực tiếp công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại địa điểm in sao đề thi của tỉnh Thanh Hóa, một số điểm thi như Trường THPT Tĩnh Gia 1 (huyện Tĩnh Gia), Trường THPT Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương), Trường THPT Đào Duy Từ (TP. Thanh Hóa)…

Đoàn đã có những lưu ý với tỉnh về an ninh, an toàn, bảo mật trong công tác thi, đặc biệt là một số điểm mới trong quy chế, như điểm để đồ của thí sinh, quy định về phòng chờ, phòng thi cho thí sinh F0, phòng để lưu giữ bài thi, đề thi; phương án hỗ trợ các thí sinh nếu xảy ra diễn biến thời tiết bất thường.

Qua kiểm tra thực tế một số điểm thi của Thanh Hóa, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, mục tiêu của kỳ thi không chỉ để xét tốt nghiệp, mà còn là căn cứ để đánh giá kết quả dạy và học của từng trường, cũng như việc đối sánh giữa các địa phương. Kết quả kỳ thi cũng là căn cứ quan trọng để các trường đại học tuyển sinh đầu vào.

Ghi nhận nỗ lực khắc phục những khó khăn trên địa bàn tỉnh để chuẩn bị cho kỳ thi, Thứ trưởng lưu ý với Thanh Hóa về công tác đảm bảo an toàn đề thi ở tất cả các khâu, từ in sao đề thi, đến địa điểm thi, vận chuyển đề thi, cán bộ coi thi... Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến yếu tố con người, đặc biệt là phải quán triệt tinh thần cho cán bộ tham gia vào công tác thi, phải đảm bảo tính an toàn, bảo mật cho đề thi, tránh xảy ra sai sót dù nhỏ nhất.

Cũng theo Thứ trưởng, cán bộ coi thi cần tuyên truyền cặn kẽ cho cho thí sinh về quy chế thi, nhất là việc làm sao cho thí sinh hiểu, khi đưa đề ra ngoài, hoặc có hành vi gian lận đề thi, thì đó không đơn thuần là vi phạm quy chế, mà trở thành phạm tội hình sự.

Chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho kỳ thi

Cũng trong ngày 30/6, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Ngô Thị Minh dẫn đầu, đã kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại tỉnh Cao Bằng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, kỳ thi năm nay toàn tỉnh có 5.086 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 317 thí sinh so với năm 2021; có 21 điểm thi với tổng số phòng thi là 232; 1.008 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia tổ chức thi.

Ngành GD&ĐT tỉnh Cao Bằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho những người tham gia tổ chức thi, cho thí sinh và người thân của thí sinh ở các điểm thi; vận động, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh tham dự kỳ thi; không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại khi tham dự kỳ thi.

Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, khách quan, minh bạch, đúng quy chế; xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức thi nghiêm túc, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, đặc biệt dịch COVID-19. Đồng thời, chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhằm đảm bảo phục vụ tốt cho các khâu của kỳ thi như in sao đề, vận chuyển đề, coi thi, chấm thi…; sẵn sàng các phương án dự phòng về địa điểm thi, phòng thi dự phòng, các phương án cho tình huống thiên tai, mất điện; tổ chức phổ biến, học tập quy chế thi đến các đối tượng tham gia kỳ thi, lưu ý những lỗi thường gặp trong quá trình coi thi ở các năm trước để rút kinh nghiệm…

Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị Cao Bằng cần tiếp tục quan tâm, chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho kỳ thi. Trong đó, cần chú ý tới công tác tập huấn, quán triệt thí sinh, đảm bảo tính bảo mật, kiểm tra giám sát trong giao nhận, vận chuyển đề, bài thi, công tác in, sao.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền; chú trọng công tác an toàn về phòng, chống cháy nổ, mưa lũ, thiên tai, rà soát cơ sở vật chất, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát, phân công rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong ban chỉ đạo kỳ thi.


Theo Phương Liên / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp