Ngày 02/02/2023, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3 (BV ĐHYD TPHCM - Cơ sở 3) tổ chức Hội nghị thường niên và đào tạo liên tục Trung tâm U máu lần thứ XIV với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán, điều trị bệnh da bằng laser và các phương pháp khác”.
BSCKI. Hoàng Văn Minh, Cố vấn chuyên môn Trung tâm U máu - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3, cho biết, nội dung Hội nghị năm nay bao quát trên 2 lĩnh vực chính: cập nhật những tiến bộ trong điều trị sẹo, u sắc tố, mạch máu bằng laser và cập nhật chẩn đoán các bệnh lý da di truyền.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3 (BV ĐHYD TPHCM - Cơ sở 3) tổ chức Hội nghị thường niên và đào tạo liên tục Trung tâm U máu lần thứ XIV với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán, điều trị bệnh da bằng laser và các phương pháp khác”.
“Trong thời gian vừa qua, trong dịch Covid-19, phương pháp điều trị u máu tại Việt Nam có rất nhiều tiến bộ; đặc biệt sử dụng Timolol tại chỗ đơn thuần hoặc phối hợp các biện pháp laser khác. Hội nghị lần này sẽ xây dựng được phác đồ điều trị tối ưu phù hợp điều kiện Việt Nam, giúp các bác sĩ tuyến đầu trong điều trị u máu một cách tốt nhất, tại chỗ; mang lại hiệu quả tích cực, an toàn cho người bệnh, nhất là trẻ em, ở giai đoạn sớm, góp phần nhân rộng cho các cơ sở y tế địa phương,” BSCKI. Hoàng Văn Minh chia sẻ.
Giải trình tự gene trong chẩn đoán bệnh da di truyền
Bên cạnh đó, bệnh da di truyền là một trong số những bệnhvề da hiếm gặp cần được cập nhật kịp thời các phương pháp chẩn đoán và điều trị. Tại Trung tâm U máu BV ĐHYD TPHCM - Cơ sở 3, kỹ thuật giải trình tự gene trong chẩn đoán bệnh da di truyền đã được ứng dụng thành công. Nhiều trường hợp bệnh da hiếm gặp, lần đầu tiên phát hiện trên thế giới đã được chẩn đoán bằng kỹ thuật này tại Trung tâm U máu. Các bài báo khoa học về các ca bệnh này đã được trình bày tại nhiều hội nghị quốc tế, đăng tải tại nhiều tạp chí uy tín và đồng thời được trình bày lại tại Hội nghị lần này, giúp các đại biểu cập nhật nhiều kiến thức quan trọng.
Trung tâm U máu đã tiếp nhận điều trị, theo dõi và nghiên cứu, phát hiện đột biến gene mới cho một gia đình có 3 người cùng mắc bệnh khô da sắc tố ngụ tại tỉnh Tây Ninh. Đây là một bệnh lý rất hiếm gặp với tỷ lệ mắc chỉ 1/1.000.000.
Đây là căn bệnh khiến da người bệnh không có khả năng tự phục hồi khi bị tia tử ngoại làm tổn thương. Hậu quả là da bị cháy nắng nghiêm trọng kèm theo kích ứng và phồng rộp, khô da, tàn nhang, tăng và giảm sắc tố. Người bệnh còn có các triệu chứng ở mắt như sợ ánh sáng, nhạy cảm với ánh sáng, suy giảm thị lực và đục thủy tinh thể.
Hay một gia đình ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM có đột biến gene mới mà thế giới chưa từng ghi nhận. Người bệnh bị nổi cục u dưới da ở khớp bàn ngón giữa của tay trái, sau đó cục u này cứ từ từ to dần lên. Qua thăm khám, bác sĩ Hoàng Văn Minh nhận thấy các cục u của người bệnh không đau, không ngứa, màu da hoặc hơi vàng cam, di động ít, sờ chắc, giới hạn tương đối rõ.
Những vùng khớp lớn như khuỷu tay, đầu gối hay gân gót thì xuất hiện nhiều cục nằm kề cận nhau, kích thước không đều, từ 1 - 3cm. Có một số cục to sau gân gót nên làm hạn chế cử động khớp. Nghi ngờ các cục u này là bệnh u vàng thể gân, có liên quan đến tiền căn tăng cholesterol máu có tính chất gia đình, bác sĩ Hoàng Văn Minh đã cho người bệnh làm xét nghiệm máu tổng quát, sinh thiết và làm MRI cục u tại gân gót.
Trung tâm U máu đã tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh da di truyền, một trong số những bệnh về da hiếm gặp
Kết quả cho thấy cholesterol toàn phần của người bệnh tăng rất cao, LDL cholesterol tăng. Nhận định đây là một bệnh hiếm gặp, bác sĩ Hoàng Văn Minh đã gửi mẫu qua Mỹ để làm giải phẫu bệnh và hội chẩn. Kết quả giải phẫu bệnh và hội chẩn bên Mỹ cũng cho thấy người bệnh bị u mỡ vàng thể gân như chẩn đoán của bác sĩ Hoàng Văn Minh lúc ban đầu. Khi thăm khám người em út và cho sinh thiết cục u ngay khuỷu tay, kết quả cho ra tương tự là u mỡ.
Với nhiều chuyên đề thiết thực, theo BSCKI Hoàng Văn Minh, trong tương lai Trung tâm U máu BV ĐHYD TPHCM - Cơ sở 3sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Đây cũng là hoạt động giúp cập nhật các phương pháp điều trị mới, mang đến cơ hội chẩn đoán và điều trị chính xác, kịp thời cho người mắc bệnh u máu, bớt sắc tố và các bệnh da hiếm gặp khác tại Việt Nam.
U máu, bớt bẩm sinh... là bệnh lý thường gặp ở trẻ em
BS CKI. Hoàng Văn Minh cho biết, Trung tâm U máu trực thuộc ĐHYD được thành lập từ năm 2008 với nhiệm vụ khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo, giảng dạy cho các học viên của trường. Trung tâm U máu BV ĐHYD TPHCM chủ yếu tiếp nhận điều trị các dị dạng mạch máu bẩm sinh cho trẻ em, trong đó u máu là chủ yếu với tỷ lệ 80% bệnh nhân đến khám tại trung tâm.
Đến nay, Trung tâm đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hàng nghìn trẻ em trên đất nước đã được khám, chữa bệnh miễn phí; nhiều trường hợp tưởng chừng như vô vọng với căn bệnh u máu nhưng đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa. Hiện nay, trên thế giới có 08 trung tâm điều trị về u máu, các loại bớt bẩm sinh. Trung tâm U máu BV ĐHYD được đánh giá là trung tâm mạnh nhất ngoài nước Mỹ, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ các trường đại học, bệnh viện lớn trên toàn thế giới như Mỹ, Hàn Quốc,... Trong tương lai, Trung tâm U máu sẽ là mô hình mẫu để các bệnh viện khác đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm.
Hội nghị thường niên và đào tạo liên tục của Trung tâm U máu là hoạt động định kỳ được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động của Trung tâm U máu, đồng thời là dịp để các chuyên gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị bệnh da bằng laser và các phương pháp khác. Sau 2 năm bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19, Trung tâm U máu BV ĐHYD TPHCM - Cơ sở 3 tiếp tục tổ chức hội nghị thường niênlần thứ XIV với sự tham gia của báo cáo viên là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ đầu ngành trong nước và quốc tế, thu hút hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp. |
Anh Trần Nguyễn H, phụ huynh của bệnh nhi đã được điều trị thành công tại Trung tâm U máu, chia sẻ “Từ khi vừa sinh ra, trong lòng bàn tay của bé đã xuất hiện những đốm đỏ, theo thời gian, vết bớt lan rộng hết bàn tay của bé. Dù đã điều trị tại một số bệnh viện tại TPHCM, nhưng chỉ sau 6 tháng, vết bớt đã phát triển thành khối u máu, lan khắp mu bàn tay, cổ tay. Lúc đó, gia đình rất hoang mang, lo lắng. Qua tìm hiểu, chúng tôi quyết định đưa bé đến Trung tâm U máu của BV ĐHYD. Sau hơn 4 năm điều trị, đến nay những vết bớt của bé đã giảm rõ rệt. Hiện tại, bé thường xuyên tái khám định kỳ để các bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh. Bé hiện đã trở lại với cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.”
U máu, bớt bẩm sinh... là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, chiếm từ 5 - 10%. Hiện nay, với sự phát triển về chuyên môn và cơ sở vật chất, trung bình một năm, Trung tâm U máu đã điều trị thành công cho hơn 4.000 trường hợp với các phương pháp hiện đại, ít để lại di chứng, đồng thời chi phí điều trị giảm đáng kể. BS CKI. Hoàng Văn Minh cũng khuyến cáo, đối với những trẻ nhỏ có xuất hiện những vết bớt trên cơ thể trong thời gian dài, phụ huynh cần đưa con em đến bệnh viện càng sớm càng tốt, để bác sĩ có thể chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.
“Trước đây, u máu có nhiều phương pháp chữa trị như phẫu thuật, dán đồng vị phóng xạ… Với những phương pháp này, u máu mặc dù có thể hết tự nhiên, nhưng nếu can thiệp bằng các phương pháp này có thể để lại sẹo, những biến chứng về thẩm mỹ. Với đà phát triển của laser, đây là một phương tiện điều trị tốt hơn, ít tai biến hơn. Gần đây, giới chuyên khoa phát hiện thêm nhiều loại thuốc thoa với những hoạt chất đặc trị u máu, tương đối dễ sử dụng, thoa tại chỗ và hầu như không có tai biến phụ. Loại thuốc thoa này có thể sử dụng rộng rãi dưới sự kiểm soát của bác sĩ,” BS Hoàng Văn Minh cho biết.
U máu thường xuất hiện ở vùng đầu cổ (60%), 25% ở vùng thân và 15% ở chi. Vị trí u máu nguy hiểm thường nằm ở mắt, não, đường thở, nội tạng. Theo các báo cáo, u máu có thể tự thoái triển nhưng khoảng 50% tồn tại đến tuổi đi học. Nhưng ngay cả khi thoái triển, 20 - 40% để lại di chứng thay đổi trên da.
Viện Hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ chấp thuận cho BSCKI Hoàng Văn Minh báo cáo online tại hội nghị da liễu hằng năm vào tháng 3/2023 về trường hợp được báo cáo đầu tiên trên thế giới về mối liên quan giữa bệnh lắng đọng canxi ở da dạng như hạt kê, rụng tóc toàn phần và bệnh cường giáp ở bé gái T.N.A. (11 tuổi, ngụ ở Bình Phước) không mắc hội chứng Down. Theo người nhà, từ 2 tuổi, bé bắt đầu bị rụng tóc, 8 tuổi thì rụng tóc hoàn toàn. Bệnh nhi còn có bướu ở cổ, có các sẩn màu vàng với đường kính 1- 3mm quanh cổ, nách và chi trên. TS. Trần Quang Khánh, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết trước đó bệnh nhi này đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám về bướu cổ. Khám trên lâm sàng, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi còn bị rụng tóc toàn phần và lắng đọng canxi ở da. Trong khi y văn thế giới chưa thấy mô tả những trường hợp như vậy, nên sau khi điều trị bướu cổ ổn định cho bệnh nhi, bác sĩ đã chuyển bệnh nhi qua Trung tâm U máu (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3). Tại đây, bác sĩ Minh cho làm thêm xét nghiệm gien thì phát hiện thêm có các biến thể RBM28 dị hợp tử mới. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị lắng đọng canxi ở da dạng hạt kê. Lắng đọng canxi ở da dạng hạt kê là một tình trạng lành tính do canxi lắng đọng trong mô dưới da. Lắng đọng canxi ở da có thể có nhiều nguyên nhân như chấn thương, viêm nhiễm, giãn tĩnh mạch, khối u, bệnh mô liên kết, tăng phosphate huyết, tăng canxi huyết và nhiễm trùng. Hầu hết các ca bệnh lắng đọng canxi ở da được mô tả trong y văn đều có liên quan đến hội chứng Down, ảnh hưởng đến bệnh nhân trẻ từ 6 đến 13 tuổi. Hội nghị da liễu hằng năm của Viện Hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ là hội nghị chuyên khoa da liễu lớn nhất trên thế giới, với sự tham dự của gần 20.000 bác sĩ đến từ gần 100 nước trên thế giới. |