Mỗi người đều có thể thực hiện các thao tác cấp cứu ban đầu
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, GS.TS. Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam - người chắp bút nội dung này để đưa vào dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi, cho biết, cấp cứu ngoại viện, còn gọi là cấp cứu ngoài cộng đồng, tức là nạn nhân sẽ được hỗ trợ bởi người gần mình nhất, người chứng kiến sự việc và có kỹ năng cấp cứu ban đầu. Mục tiêu của cấp cứu ban đầu là can thiệp càng sớm càng tốt nhằm duy trì chức năng sống của nạn nhân ở tình trạng ổn định nhất có thể cho đến khi đưa đến bệnh viện.
Vị chuyên gia này phân tích, trong hoạt động sống hằng ngày, mặc dù chúng ta chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu thì cũng không thể nói trước được những tai nạn, rủi ro có thể xảy ra.
Chính vì vậy, thế giới rất quan tâm đến vấn đề cấp cứu ngoại viện. Nhiều nước phát triển đã đào tạo, huấn luyện cấp cứu ngoại viện thành kỹ năng sống cho cả cộng đồng. Từ học sinh phổ thông cho đến mỗi người dân đều có thể nhận biết các tình huống khẩn cấp và thực hiện ngay bằng những thao tác rất đơn giản, giúp người bị nạn vượt qua khoảnh khắc nguy hiểm.
Cũng theo ông Nguyễn Gia Bình, các thống kê hiện nay cho thấy, hơn 50% các trường hợp ngừng tuần hoàn ngoại viện liên quan đến loạn nhịp tim và ngừng tim. Thời gian hiệu quả để cấp cứu ngừng tim là một vài phút, vì vậy không thể gọi nhân viên y tế đến hỗ trợ ngay được. Tuy nhiên, những trường hợp này có thể được thực hiện ngay nếu những người ở gần nhất có kỹ năng cấp cứu ngừng tim đúng cách.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình chia sẻ, não là bộ phận quan trọng nhất của con người. Não hoạt động rất nhiều và cũng cần được cung cấp rất nhiều năng lượng, oxy, glucose và các chất khác. Tuy nhiên, não không có hệ thống dự trữ.
Vì vậy, chỉ trong vòng 10 giây không cung cấp được máu lên não thì não bắt đầu thiếu oxy và dưỡng chất, người bệnh sẽ cảm thấy choáng, ngất. Sau một phút, não bắt đầu bị tổn thương. Nếu để càng lâu thì tổn thương não càng khó hồi phục. Đặc biệt là sau phút thứ 3 trở đi thì càng khó hồi phục. Do đó, để cấp cứu ngừng tuần hoàn có hiệu quả, phải thực hiện càng sớm càng tốt, trong phút đầu tiên, không nên muộn quá 3 phút.
Dẫn chứng trong một trận đá bóng ở châu Âu, có cầu thủ bị ngừng tuần hoàn ngay trên sân khi đang thi đấu, các cầu thủ trên sân ngay lập tức lật bệnh nhân nằm nghiêng và kéo lưỡi bệnh nhân để khỏi bị tụt lưỡi, bảo đảm thông thoáng đường thở và giơ tay báo hiệu nguy cấp. Trong vòng 20 giây, bệnh nhân ngay lập tức được ép tim và sốc điện. Sau vài phút cấp cứu tim đã đập lại, nạn nhân dần tỉnh lại và được đưa vào bệnh viện điều trị tiếp. Hiện nay, cầu thủ này đã hồi phục hoàn toàn và quay trở lại sự nghiệp. Đó là một điều hết sức tuyệt vời và cho thấy hiệu quả của cấp cứu ban đầu đúng và kịp thời.
Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cũng dẫn chứng thêm các trường hợp khác vẫn đăng trên các trang thông tin hằng ngày, như hóc dị vật, đuối nước, hoặc bị ngưng tim đột ngột... không được cấp cứu tại chỗ, mà chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế thì đều tử vong rất đáng tiếc. "Nếu chúng ta biết áp dụng kỹ thuật đẩy dị vật ra, hoặc biết cách ép tim thổi ngạt đúng, thì chúng ta đều có thể giúp nạn nhân vượt qua thời điểm sinh tử", GS.TS. Nguyễn Gia Bình chia sẻ.
Ai cũng được cấp cứu kịp thời
"Hiện nay, mỗi năm cả nước ta có tới hàng chục nghìn người tử vong do tai nạn giao thông, chưa kể các tai nạn trong sản xuất, sinh hoạt và đời sống khác. Nếu chúng ta làm tốt việc cấp cứu ngoại viện thì chắc chắn số lượng tử vong sẽ giảm, từ đó thiệt hại về kinh tế, thiệt hại về tinh thần và xã hội cũng giảm , GS. Nguyễn Gia Bình phân tích.
Nhiều nước phát triển từ lâu đã đưa nội dung cấp cứu ngoại viện vào quy định pháp luật. Các quốc gia ở Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Singapore, Indonesia… cũng đã đưa nội dung này thành luật.
Tại Việt Nam, nội dung này lần đầu tiên được đưa vào dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi. GS.TS. Nguyễn Gia Bình kỳ vọng, nếu Luật được thông qua, Việt Nam sẽ sớm có cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện. Hiện nay có những trường hợp không phải nhân viên y tế không muốn cứu giúp người bị nạn, mà do chưa được đào tạo về kỹ thuật cấp cứu nên kết quả không cao, hoặc có người biết cấp cứu, nhưng do sợ bị hiểu lầm nên họ đã từ chối tham gia cấp cứu.
Cấp cứu ngoại viện ở Việt Nam có khả thi?
Với kinh nghiệm 40 năm công tác chuyên môn trong ngành y, GS.TS. Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh, ở Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và làm tốt cấp cứu ngoại viện. Từ trước đến nay, chúng ta đang hiểu cấp cứu ngoại viện rất khó làm, chỉ có nhân viên y tế mới thực hiện được và khi tai nạn xảy ra thì gọi cơ quan y tế. Cách hiểu như vậy là chưa đầy đủ, và nhiều người lẽ ra có thể được cứu sống đã bị bỏ qua thời gian vàng.
Do đó, chúng ta cần coi các kỹ năng cấp cứu ban đầu phải là kỹ năng sống hằng ngày của mỗi người. Như vậy, sẽ có nhiều người biết và thực hiện chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn.
Ông Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh, những kỹ thuật cấp cứu ban đầu không hề khó như nhiều người nghĩ. Ai cũng có thể làm tốt công việc này nếu được đào tạo đúng.
Hiện nay, trên thế giới có 2 các mô hình hoạt động cấp cứu ngoại viện. Thứ nhất là mô hình hoạt động của các nước châu Âu, với điều kiện dân số không nhiều, nhưng số lượng bệnh viện và nhân viên y tế đông (số lượng nhân viên y tế gấp Việt Nam từ 5-10 lần), đầy đủ trang thiết bị y tế và điều kiện hoạt động, thì họ tổ chức một nhóm gồm bác sĩ, kỹ thuật viên… mang thiết bị cấp cứu đến hiện trường tai nạn, hoặc tại gia đình để cấp cứu. Mô hình này hiện nay chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Thứ hai, một số nước như Anh, Australia và Mỹ đưa ra mô hình cấp cứu ngoại viện bằng cách cố gắng tiếp cận nạn nhân nhanh nhất, ổn định chức năng sống với điều kiện cơ sở tối thiểu, đặc biệt là phải có sự tham gia của những người ngay bên cạnh nạn nhân. Sau đó, kỹ thuật viên cấp cứu tới hỗ trợ và sẽ đưa bệnh nhân đến bệnh viện, giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn, hồi phục nhanh hơn và ít chi phí hơn.
Tại Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Gia Bình phân tích, trong thời gian phòng, chống bệnh dịch vừa rồi, nước ta đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ rất hiệu quả, bao gồm: Chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư tại chỗ. Với cấp cứu ngoại viện, chúng ta cũng thực hiện tương tự theo phương châm 4 tại chỗ này thì sẽ rất khả thi.
Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cũng nhấn mạnh, hệ thống cấp cứu ngoại viện muốn hoạt động có hiệu quả phải do Nhà nước thống nhất quản lý, điều hành hoạt động trong từng địa phương, cũng như quy mô toàn quốc. Các cơ quan, tổ chức từ thiện, hay cá nhân tham gia đều rất tốt, nhưng Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong quá trình tổ chức và điều hành hoạt động.
Theo Hiền Minh / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ