Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

30/06/2023 07:55


Tàu BOOTES TWIN (Panama) cập cảng Chu Lai để vận chuyển 3.500 tấn hàng viên nén sinh học xuất khẩu sang Nhật Bản cho Công ty TNHH Năng lượng xanh IDEMITSU Việt Nam - Ảnh: VGP/LN

Dịch vụ khai thác hàng rời quy mô, chuyên nghiệp

Ngày 21/6, cảng Chu Lai đã tiếp nhận tàu HTK CONFIDENCE chở 19.800 tấn muối trực tiếp từ cảng Kandla (Ấn Độ) về cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Athena (Quảng Nam). Tàu HTK CONFIDENCE dài 169 m, rộng 27 m, có tải trọng hơn 28.000 tấn, mớn nước -8,4 m. Sau 40 giờ tiếp nhận và giải phóng tàu, THILOGI đã vận chuyển hàng hóa về kho của Công ty Athena.

Cũng trong ngày 21/6, tàu BOOTES TWIN (Panama) thuộc hãng tàu MOL đã cập cảng Chu Lai để tiếp nhận, vận chuyển 3.500 tấn hàng viên nén sinh học xuất khẩu của công ty TNHH Năng lượng xanh IDEMITSU Việt Nam đến cảng Chiba, Nhật Bản. Ngoài ra, cảng Chu Lai cũng đang đẩy mạnh xúc tiến, làm việc với nhiều doanh nghiệp tại Lào để đưa nguồn hàng khoáng sản về xuất khẩu tại cảng.

Cảng Chu Lai là cảng tổng hợp, khai thác nhiều loại hàng hóa, như hàng container, hàng rời, hàng lỏng, khí… Cảng có vị trí địa lý thuận lợi, kết nối với các trục đường huyết mạch như đường quốc lộ, đường cao tốc và trục đường ven biển, thuận tiện trong lưu thông và kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu.

Những năm gần đây, hàng rời là một trong những thế mạnh khai thác của cảng Chu Lai với đa dạng mặt hàng, như: Viên nén, dăm gỗ, xi măng, muối, cát… So với hàng container, việc xếp dỡ, vận chuyển hàng rời phức tạp hơn, phải sử dụng nhiều trang thiết bị chuyên dụng phù hợp với từng loại hàng. Cảng đã đầu tư hệ thống băng chuyền, máy đào, máy xúc, máy ủi, hệ thống phễu rót, container xả đáy… nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hàng hóa, tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách hàng. Với các loại hàng hóa có khối lượng nhẹ và không có kết cấu cụ thể, như cát, muối, than đá… cảng trang bị gầu ngoạm để thuận tiện trong giải phóng hàng từ hầm tàu. Từ đầu năm 2023 đến nay, năng suất giải phóng tàu bình quân tăng từ 10-15% so với năm 2022. 


Hàng hóa được đội xe của cảng Chu Lai vận chuyển về kho, xưởng của khách hàng - Ảnh: VGP/LN

Đẩy mạnh đầu tư, tối ưu hóa giải pháp logistics

Năm 2023, nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, biến động, lạm phát gia tăng... ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu. Để chủ động thích ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, cảng Chu Lai triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, như điều chỉnh quy trình, nâng cấp công nghệ xếp dỡ, tăng cường công tác quản lý (phân chia ca làm việc khoa học, kiểm soát các công đoạn, thủ tục xử lý hàng hóa cập cảng)… nhằm tăng năng suất giải phóng tàu. 

Đồng thời, cảng thực hiện chính sách thu hút hàng hóa linh hoạt, tăng hiệu suất khai thác cầu bến, ưu tiên cho hàng hóa yêu cầu giải phóng nhanh, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết bất lợi, như hàng dăm gỗ, viên nén, muối, thép cuộn… Cảng đang đẩy mạnh liên kết các dịch vụ từ vận chuyển hàng hóa tại nhà máy đến cảng, xếp dỡ, kiểm đếm, dịch vụ cầu bến, kho bãi, thủ tục hải quan… giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và dễ dàng quản lý, theo dõi tình trạng đơn hàng.

Hiện nay, cảng Chu Lai đang đầu tư dự án bến cảng 5 vạn tấn và phối hợp với tỉnh Quảng Nam duy tu, nạo vét tuyến luồng Kỳ Hà để sẵn sàng đón tàu lớn, nâng cao sản lượng hàng hóa qua cảng. Các dự án hoàn thành sẽ đáp ứng tốt nhu cầu xuất nhập khẩu đang tăng mạnh tại khu vực, góp phần giảm chi phí logistics. Song song đó, THILOGI mở rộng hệ thống kho bãi phục vụ lưu trữ hàng hóa; đầu tư phương tiện, thiết bị xếp dỡ chuyên dụng hiện đại; đồng thời nâng cấp công nghệ, ứng dụng các phần mềm quản lý khoa học, rút ngắn thời gian giải phóng tàu.

Với các giải pháp khai thác hàng rời hiệu quả, chi phí cạnh tranh, cảng Chu Lai đã được nhiều doanh nghiệp lựa chọn hợp tác xuất nhập khẩu hàng hóa, như: Công ty Năng lượng sáng tạo Á Châu, Thanh Thành Đạt, Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, Nguyên liệu giấy Quảng Nam, Sun Paper Savanakhet (Lào)… 

Cảng đang tiếp tục tối ưu hóa dịch vụ, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế; đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, thu hút khách hàng mới, thực hiện mục tiêu trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa quốc tế tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào, Bắc Campuchia.

LN



Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp