Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khi trao đổi với báo chí ngay sau cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 25/2 nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của ngành y thời điểm hiện tại.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan trả lời báo chí ngày 25/2- Ảnh: VGP/Hiền Minh
Nhiều nguyên nhân cùng lúc nảy sinh các vấn đề nóng của ngành
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thời gian qua, tại các bệnh viện đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế. Để giải quyết tình trạng này, ngay đầu năm 2022, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã rất nỗ lực, cố gắng để giải quyết.
Qua phân tích, đánh giá liên quan, Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này bao gồm cả khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do sau 3 năm chống dịch COVID-19, nguồn cung về thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trên thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam đều bị ngắt quãng.
Mặt khác, sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, số lượng người bệnh đi khám chữa bệnh tăng lên đột biến. Chính vì vậy, công tác dự trù, đấu thầu của các cơ sở y tế cũng có những thời điểm chưa đáp ứng được.
Về nguyên nhân chủ quan, quy định mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế có rất nhiều văn bản pháp luật chi phối, từ Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Tài sản công, Luật Dược và các nghị định, thông tư hướng dẫn, nên có những vướng mắc liên quan đến thể chế không thể sửa đổi được ngay, vì vậy thời gian bị kéo dài.
Một nguyên nhân nữa là trong quá trình thực hiện vừa qua, đã có rất nhiều sai phạm liên quan đến lĩnh vực mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. "Chính vì vậy, chúng tôi phải rà soát, đánh giá lại việc triển khai, để làm sao thực hiện đúng quy định, mua sắm được trang thiết bị, vật tư y tế mà không vi phạm pháp luật", Bộ trưởng cho biết.
Tư lệnh ngành y cũng chỉ ra một số trường hợp gây tâm lý lo lắng đối với đội ngũ làm công tác đấu thầu, đặc biệt là bác sĩ không có chuyên môn về tài chính nhưng phải triển khai nhiệm vụ này. Vì vậy, trong quá trình thực hiện cũng gây ách tắc, chậm trễ.
Nỗ lực, cố gắng giải quyết vướng mắc
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, theo đúng tinh thần không ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Bộ Y tế và các bộ, ngành đã rất cố gắng, nỗ lực giải quyết.
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 80 cho phép Bộ Y tế được kéo dài thời gian đăng ký lưu hành thuốc, nhằm đáp ứng được số lượng thuốc cung ứng trên thị trường. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai và đã kéo dài thêm giấy đăng ký lưu hành cho khoảng 9.000 loại thuốc, bảo đảm thuốc cung ứng trên thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã trình Chính phủ những nội dung trong sửa đổi Luật Dược, trong đó có các quy định đáp ứng nhu cầu về thuốc trên thị trường.
Bộ Y tế cũng đã cùng các bộ, ngành tập trung sửa đổi hàng loạt thông tư của Bộ, các nghị định của Chính phủ, tham mưu với các bộ, ngành sửa đổi các thông tư liên quan. Cụ thể, Bộ đã rất tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đưa những nội dung liên quan đến các quy định đặc thù của ngành y tế trong quá trình sửa đổi Luật Đấu thầu và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu.
Tuy nhiên, nội dung này sẽ được trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới nên thời điểm hiện tại chưa có ngay những giải pháp để khắc phục vướng mắc vừa qua.
Liên quan đến Luật Giá, Bộ cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thực hiện.
Các nội dung trong các Nghị định của Chính phủ, như Nghị định 98 về quản lý trang thiết bị, Nghị định 146 liên quan đến thanh toán bảo hiểm y tế, Nghị định 151 và các văn bản khác cũng đã được Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tích cực sửa đổi.
Các vấn đề "nóng" được đưa vào một Nghị quyết để có hiệu lực ngay
Để giải quyết những tình huống trước mắt liên quan đến những văn bản quy định của pháp luật chưa được ban hành, ngay tháng 11/2022, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 144 để giải quyết những vấn đề vướng mắc trước mắt trong thực tiễn.
Liên quan đến vấn đề thanh toán, nợ đọng bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh, để bảo đảm nguồn lực trong vấn đề mua sắm trang thiết bị, thuốc phục vụ người dân, Bộ Y tế cũng đã làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Đến cuối năm 2022, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thanh toán hơn 4.500 tỷ đồng liên quan đến nợ đọng bảo hiểm y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế.
Bộ Y tế cũng đã chủ động báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rà soát đánh giá lại sau 3 tháng triển khai Nghị quyết 144, những vấn đề nào còn vướng mắc trong thực tiễn mà chưa giải quyết được thì sẽ có chỉ đạo tiếp tục tháo gỡ vì đây là lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, sinh mạng của người dân.
"Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi tới các bệnh viện, các sở y tế, địa phương để đánh giá Nghị quyết 144 này, ý kiến của các Bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy trong thời gian vừa qua cũng là triển khai thực hiện theo chỉ đạo chung của Bộ Y tế, để xem còn khó khăn, vướng mắc nào thì sẽ báo cáo Chính phủ cùng phối hợp với các bộ, ngành cùng giải quyết". Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Đặc biệt, ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành y tế vừa qua cũng đã chỉ ra những nhiệm vụ ngành y tế cần phải tập trung.
Trong đó, tinh thần trước mắt, ngành còn 2 nội dung "nóng" đang vướng. Về vấn đề máy móc để phục vụ người dân khám chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ quy định, đối với những máy sau thời điểm ngày 5/11/2022 mới triển khai ký hợp đồng thì sẽ tiếp tục được sử dụng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Nội dung này cũng sẽ đưa vào Nghị quyết của Chính phủ để ban hành và có hiệu lực ngay trong tháng 2 hoặc đầu tháng 3 này.
Vấn đề thứ 2 liên quan đến những vướng mắc trong quá trình thực hiện giá của các gói thầu, các quy định liên quan đến 3 báo giá, liên quan quá trình triển khai Luật Đấu thầu, Nghị định 63, Nghị định 151 và Thông tư 68 của Bộ Tài chính. Quan điểm của Chính phủ là sẽ cho phép Bộ Y tế phối hợp cùng các bộ, ngành tổng hợp các vướng mắc để đưa vào Nghị quyết của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề cấp bách.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, đây là giải pháp cấp thiết và Bộ Y tế đang tập trung triển khai. Ngay chiều 25/2, Bộ Y tế sẽ thống nhất nội dung cùng các bộ, ngành liên quan và đầu tuần tới sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết này.
Văn bản sửa đổi về quản lý trang thiết bị y tế sẽ ban hành ngay trong tháng 2
Liên quan đến vấn đề bảo đảm điều kiện trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã chủ động sửa đổi Nghị định 98 ban hành năm 2021, cuối năm 2022, Bộ đã phối hợp cùng với các bộ, ngành để tổng hợp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định, khi Nghị định này được ban hành thì vấn đề thiếu trang thiết bị, vật tư y tế được giải quyết nhanh chóng.
Đặc biệt, Chính phủ cũng đã đồng ý để Bộ Y tế sửa đổi Nghị định 98 theo hình thức rút gọn, tức là khi Nghị định sửa đổi được ban hành thì sẽ có hiệu lực ngay. Nghị định này cũng sẽ sớm được ban hành ngay trong tháng 2.
Tư lệnh ngành y nhấn mạnh, với quyết tâm cao nhất, trách nhiệm cao nhất, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã rất tích cực chủ động. Còn một số vấn đề liên quan trách nhiệm tới một số bộ, ngành, với sự quyết liệt của Chính phủ, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hôm nay, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan sẽ giải quyết sớm nhất các vướng mắc đã được nêu ra.
"Chúng tôi cũng mong, đến đầu tháng 3 này khi các văn bản giải quyết trước mắt được ban hành thì những vấn đề bức xúc về thiếu trang thiết bị, vật tư y tế sẽ được giải quyết", Bộ trưởng nói.
Hiền Minh
Theo Báo điện tử Chính phủ