Các địa phương miền Trung đảm bảo hàng hoá bình ổn dịp Tết

30/12/2022 15:45


Các doanh nghiệp tại miền Trung đã lên phương án dự trữ hàng hóa Tết

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng vừa ký quyết định tạm ứng kinh phí hơn 13,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cho các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ dự trữ hàng hóa và bán hàng bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Cụ thể, Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị được tạm ứng hơn 6,1 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Thương mại-dịch vụ Sài Gòn-Đông Hà 7,2 tỷ đồng. Các công ty này hoàn trả tạm ứng cho ngân sách tỉnh trước ngày 1/3/2023.

Theo kế hoạch dự trữ, bán hàng bình ổn giá cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán do Sở Công Thương đề xuất, Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị phụ trách địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và TP. Đông Hà; Công ty TNHH MTV Thương mại-dịch vụ Sài Gòn-Đông phụ trách địa bàn huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và TP. Đông Hà.

Sở cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị lên kế hoạch dự trữ, bán hàng bình ổn giá của doanh nghiệp cần thể hiện rõ danh mục, số lượng, chủng loại hàng hóa thiết yếu, thời gian, địa điểm tổ chức bán hàng và có phương án cụ thể ứng phó kịp thời các điểm nóng của thị trường khi cần thiết.

Nhằm bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị hơn 1.510 tỷ đồng.

Việc xây dựng, ban hành kế hoạch dựa trên cơ sở tính toán nhu cầu tiêu dùng bình quân trong 1 tháng của khoảng 1,8 triệu dân trên địa bàn tỉnh và dự báo nhu cầu tiêu dùng tăng 20% trong dịp Tết.

Nhóm mặt hàng được tỉnh Đắk Lắk xác định cần bình ổn thị trường và dự trữ là lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, đường, bột ngọt và các loại thực phẩm chế biến, rau củ quả), nhiên liệu. Thời gian bình ổn từ ngày 30/11/2022 đến ngày 30/2/2023.

Hiện đã có 10 doanh nghiệp lớn xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng tiêu dùng, nhiên liệu với khoảng 424,86 tỷ đồng; đáp ứng hơn 23% nhu cầu tiêu dùng của người dân trong trường hợp nếu xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn hàng hóa. 

Ngoài ra, Đắk Lắk xác định, lượng lớn hàng hóa được dự trữ tại các cửa hàng, chợ cũng là kênh quan trọng đáp ứng nhu cầu hàng hóa của nhân dân trong dịp Tết.

Còn theo Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, tổng số hàng hóa thiết yếu dự trữ của 19 đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ tham gia dự trữ với tổng giá trị gần 2.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh tại 4 chợ lớn của Thành phố như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường cũng có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết ước gần 740 tỷ đồng (69 tấn gạo nếp, gần 30 tấn thịt các loại, hơn 4.000 tấn rau, củ, quả). 

Các doanh nghiệp đầu mối cung ứng thịt gia súc, gia cầm, lương thực thực phẩm; trung tâm thương mại, siêu thị với giá trị dự trữ khoảng gần 915 tỷ đồng. Các cửa hàng tạp hóa tại các khu dân cư, tuyến phố chuyên doanh tham gia dự trữ với giá trị ước trên 645 tỷ đồng.

Thành phố sẽ tổ chức bán thịt heo bình ổn giá trong 3 ngày giáp Tết Quý Mão 2023, dự kiến từ ngày 18-20/1/2023.

Minh Trang


Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp