Đây là ca ghép đa tạng gồm tim và thận đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh: VGP/KO
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho biết ghép đa tạng – tức là cùng lúc ghép từ 2 tạng trở lên cho một người bệnh, là phẫu thuật rất khó và phức tạp. Ở Việt Nam mới thực hiện thành công được 3 ca ghép đa tạng. Đây là ca ghép đa tạng thành công lần thứ 4 ở Việt Nam nhưng là ca ghép đa tạng gồm tim và thận đầu tiên ở Việt Nam.
Thành công này khẳng định một bước tiến mới của ngành ghép tạng Việt Nam đúng dịp kỷ niệm lần thứ 68 Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Bệnh nhân được ghép thành công tim – thận lần này là anh T.T.Q, 37 tuổi, cư trú ở tỉnh Gia Lai, bị mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim và rối loạn nhịp nặng, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo liên tục trong 5-6 năm nay.
Ghép đa tạng cùng lúc tim - thận là phẫu thuật rất khó và phức tạp - Ảnh: VGP/KO
Bệnh nhân thường xuyên phải điều trị cấp cứu tại các trung tâm tim mạch lớn ở TPHCM và Huế do các cơn nhịp nhanh cấp tính. Do tất cả các biện pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả, nên bệnh nhân đã được các bác sĩ hướng dẫn mổ ghép cả tim và thận. Đây là kỹ thuật rất phức tạp và chưa phổ biến ở Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, BV Hữu nghị Việt Đức, mặc dù ghép tim và ghép thận là các kỹ thuật rất thường quy tại BV Hữu nghị Việt Đức, song ghép cả 2 tạng cùng lúc vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi đội ngũ thầy thuốc phải có sự chuẩn bị rất kỹ càng.
Giữa năm 2022, tại BV Hữu nghị Việt Đức, sau khi đánh giá kỹ, hội đồng chuyên môn của Bệnh viện đã thống nhất chỉ định thực hiện ghép đồng thời cả tim và thận cho bệnh nhân với nguồn tạng hiến từ người cho chết não.
Trong hơn 6 tháng tiếp theo, không có trường hợp hiến tạng chết não nào thực sự phù hợp và bệnh nhân vẫn liên tục đến các bệnh viện để chữa suy tim, chạy thận. Đến đầu tháng 2/2023, may mắn đã đến với bệnh nhân Q. khi có một bệnh nhân bị chết não do chấn thương sọ não rất nặng, đã được gia đình đồng ý hiến đa tạng để cứu các ca bệnh nặng khác.
Hôm nay (24/2) - ngày thứ 8 sau ghép, bệnh nhân đã có thể đi lại, ăn uống - Ảnh: VGP/HM
Ca hiến đa tạng này có nhiều điểm rất đặc biệt, có người thân đã mất vì có chỉ định ghép đa tạng nhưng không chờ được người hiến phù hợp, bị hỏng một số tạng do chấn thương nên chỉ hiến được tim và 1 quả thận. Điều đặc biệt quan trọng, đó là các chỉ số sinh học phù hợp cao với bệnh nhân T.T.Q.
Mọi quy trình chuyên môn và thủ tục pháp lý nhanh chóng được hoàn thành. Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo thực hiện ca ghép lịch sử với sự tham gia của rất nhiều đơn vị chuyên môn. Ca ghép đã kéo dài 10 giờ đồng hồ, từ 9h sáng tới 19h tối. Tất cả các diễn biến trong quá trình mổ hoàn toàn phù hợp với các quy trình đã chuẩn bị rất kỹ từ trước mổ.
Diễn biến sau mổ của bệnh nhân tuy khá nặng nề cả về chức năng tim ghép và thận ghép, tuy nhiên những diễn biến này đều nằm trong dự kiến và sự chuẩn bị của các bác sĩ.
Đến nay, ngày thứ 8 sau ghép, các chức năng của tim và thận ghép ở bệnh nhân đã phục hồi gần như bình thường. Bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị thêm trong vài tuần theo các phác đồ chung sau ghép tạng.
Hiện tại, mỗi ngày, BV Hữu Nghị Việt Đức thực hiện 200-300 ca mổ, trong đó mỗi ngày mổ cấp cứu hơn 30 ca, cả năm BV mổ gần 8.000 ca.
"Thành công của ca ghép đa tạng này chính là món quà mà Bệnh viện gửi tới tất cả người bệnh, người dân niềm tin vào sự phát triển y tế chuyên sâu của nước ta cũng như đội ngũ nhân viên y tế trong toàn ngành, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn vất vả hiện nay nhưng các y bác sĩ trên cả nước vẫn luôn cố gắng đưa những tiến bộ kỹ thuật mới để cứu sống người bệnh", GS. Trần Bình Giang chia sẻ.
Trên thế giới, ca ghép đa tạng tim - thận đầu tiên trên thế giới thực hiện tại Mỹ năm 1978.
GS. Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết ở Việt Nam cũng như trên thế giới, nguồn tạng luôn hạn chế so với nhu cầu ghép. Trên thế giới, 80% bệnh nhân không có khả năng chờ đến lúc có nguồn tạng hiến.
Hiền Minh
Theo Báo điện tử Chính phủ