Trang thiết bị y tế hư hỏng, người bệnh phập phồng chờ đợi
Cụ thể, Khoa Siêu âm Thăm dò Chức năng của Bệnh viện Chợ Rẫy có gần 1/3 số máy bị hư hỏng không thể sửa chữa. 3 trong số đó đang đặt tại khoa còn 7 chiếc hư hỏng hoàn toàn khác được gửi tại kho của bệnh viện. Số máy còn lại cũng đã quá thời gian sử dụng. Trước đây, nơi này, mỗi ngày, khoảng 2.000 - 3.000 bệnh nhân cần siêu âm, tuy nhiên, hiện nay con số này phải giảm đi một nửa vì thiết bị y tế không đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị.
Còn theo các bác sĩ tại khoa Xạ, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày, nếu như 4 máy xạ trị của khoa đều hoạt động sẽ phục vụ xạ trị cho khoảng 300 - 400 bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay chỉ 2 máy xạ còn hoạt động được, dẫn đến mỗi ngày có gần 200 bệnh nhân phải chờ đợi để được thực hiện kỹ thuật này.
Các trang thiết bị trong khoa Xạ trị, Bệnh viện Chợ Rẫy bị hư hỏng vì chưa được mua được gói bảo trì, bảo hành đúng hạn.
Theo BS Nguyễn Văn Đô, Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện Chợ Rẫy, từ khi anh vào làm đến nay, đội ngũ y tế tại đây chưa từng lâm vào tình trạng này.
Cách đây 5 năm, hệ thống gia tốc xạ trị - xạ phẫu đa năng lượng VERSA HD được Bệnh viện Chợ Rẫy đưa vào sử dụng. Đây hệ thống xạ trị - xạ phẫu hiện đại nhất thế giới thời điểm đó, là cơ hội mới để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị cho bệnh nhân ung thư ngày càng tăng. Thế nhưng, sau 5 năm, 2 trong số 4 máy xạ trị phải ngưng hoạt động vì chưa được mua được gói bảo trì, bảo hành đúng hạn.
Hiện nay Khoa Xạ trị, Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ 2 máy xạ còn hoạt động được, dẫn đến mỗi ngày có gần 200 bệnh nhân phải chờ đợi để được thực hiện kỹ thuật này.
Đối với bệnh nhân chờ đợi được xạ trị, các bác sĩ buộc phải hội chẩn lại để chuyển sáng một mô thức điều trị khác như hóa trị trong thời gian chờ xạ trị, để tránh tình trạng bệnh diễn tiến không tốt…
Ông Nguyễn Văn T. (sinh năm 1965, ngụ tại Tiền Giang) cũng lo lắng cho biết, sau khi mổ, vợ ông được chuyển sang xạ trị, đã được 4 tia thì máy hư. Ông T cho biết, hai vợ chồng ông đã chờ từ trong Tết và đã lên khoa Xạ trị, Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 lần để xem lịch xạ trị. Nhưng mãi đến ngày 13/2/2023, vợ ông mới được xạ trị lại.
“Những gia đình có bệnh nhân cần xạ trị như chúng tôi vô cùng lo lắng. Nhưng tại hoàn cảnh của bệnh viện như vậy, do máy hư, chứ không phải bệnh viện bỏ bê mình. Các bác sĩ cũng luôn động viên bệnh nhân và người nhà chúng tôi trong suốt thời gian chờ đợi,” ông T. cho biết.
Trước tình trạng này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã báo cáo Bộ Y tế những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 114 của Chính phủ. Theo đó, bệnh viện không thể mua được trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất, sửa chữa, bảo trì, linh kiện thay thế trang thiết bị y tế do vướng luật. Điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị định 98 năm 2021 để giải quyết các vướng mắc, khó khăn hiện nay để các bệnh viện có thể triển khai được công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Về lâu dài, cần thiết xây dựng luật đấu thầu riêng cho ngành y tế hoặc bổ sung chương đấu thầu cho ngành y tế trong luật Đấu thầu.
Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi Luật Dược
Bộ Y tế đã báo cáo về các vướng mắc trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế và đề xuất Chính phủ hàng loạt giải pháp tháo gỡ trước thực trạng thiếu hoá chất, vật tư, thiết bị y tế... Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị.
Bộ Y tế cho biết, việc cấp phép đăng ký, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định "cứng" trong Luật Dược, trong khi đó, quy định về quản lý dược của nhiều nước đã có nhiều sự thay đổi (đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19).
Theo Bộ Y tế, đối với mua sắm thuốc tập trung, theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn: “chỉ lựa chọn 01 nhà thầu trúng thầu đối với mỗi phần của gói thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia” dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc nếu nhà thầu bị gián đoạn cung ứng, giảm tính cạnh tranh sau 1-2 lần đấu thầu.
Bên cạnh đó, chỉ có 1 hình thức duy nhất (đấu thầu rộng rãi) trong mua sắm tập trung, không thể áp dụng các hình thức mua sắm khác trong tình huống thiếu thuốc. Còn hình thức mua sắm trực tiếp chỉ áp dụng theo kết quả của đấu thầu rộng rãi, trong khi đó đàm phán giá là một hình thức mua sắm tập trung không được áp dụng kết quả để mua sắm trực tiếp.
Số lượng hồ sơ yêu cầu gia hạn ngày càng tăng; nhân lực quản lý và thực hiện việc gia hạn đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế còn thiếu; chất lượng hồ sơ do doanh nghiệp nộp chưa cao; mức phí chi trả cho chuyên gia thẩm định thấp trong khi yêu cầu phải có chuyên môn cao, trách nhiệm lớn, rủi ro pháp lý nên chưa khuyến khích chuyên gia tham gia.
Chi phí đầu vào gia tăng dẫn đến tăng giá một số loại thuốc trong khi theo quy định, giá kế hoạch được tham khảo kết quả trúng thầu trước đó (trong vòng 12 tháng) nên có hiện tượng nhà thầu không tham gia đấu thầu, bỏ thầu.
Đối với mua sắm trang thiết bị y tế, Bộ Y tế cũng nêu rõ khó khăn, vướng mắc đang gặp phải như nghị định 63/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn chi tiết về nội dung, phương pháp xây dựng quyết định mua sắm và dự toán mua sắm nên các đơn vị lúng túng trong việc thực hiện.
Theo Bộ Y tế, khó nhất hiện nay là đơn vị không biết tham khảo thông tin xây dựng giá gói thầu mua sắm thiết bị y tế thế nào là đúng. Đặc biệt là quy định phải tham khảo 3 báo giá nhưng trong điều kiện không tham khảo được 3 báo giá lại không có quy định giao cho chủ đầu tư quyết định xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Một số trang thiết bị sau khi kết thúc đề án liên doanh, liên kết có giá trị dưới 50%, nhưng vẫn trong điều kiện hoạt động tốt...
Bệnh viện Chợ Rẫy hiện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác, gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh
Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một quy định. Cụ thể, đối với một số nội dung sau bỏ quy định về thời điểm mua và chuyển hình thức quản lý chỉ một số mặt hàng thuộc danh mục quản lý phải kê khai giá thay bằng tất cả các mặt hàng như hiện nay và bổ sung quy định tất các các mặt hàng trang thiết bị y tế phải kê khai giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để công khai, minh bạch thông tin.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đề xuất quy định gia hạn thêm 01 năm hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời, quy định rõ thêm trường hợp xử lý trang thiết bị y tế tại đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đang lưu hành trên thị trường hoặc đã được cơ sở y tế mua sắm sau khi bị thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế.
Trước đó, trong văn bản báo cáo trình Bộ Y tế và Bộ Tài chính, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết đơn vị này đang trong tình trạng khó khăn trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, bảo trì. Hầu hết trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy Siêu âm doppler màu... đều không có đủ 3 báo giá để thực hiện đấu thầu mua sắm.
"Điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác, gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh", báo cáo của bệnh viện nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo bệnh viện này, trang thiết bị y tế (bao gồm vật tư y tế, hóa chất...) là hàng hóa đặc thù của ngành y tế, liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Do đó, việc này cần phải được quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng, công khai, kịp thời để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên đến nay, các quy định vẫn chưa được điều chỉnh bổ sung.
Bệnh viện còn gợi ý thêm rằng, cho phép dự toán mua sắm hàng năm trên tổng kinh phí phân bổ trong năm (chẳng hạn như tổng kinh phí trong năm dự kiến là 4.000 tỷ đồng, trong đó mua sắm thuốc 2.000 tỷ đồng; mua sắm vật tư y tế, hóa chất 1.000 tỷ đồng; các khoản chi khác 1.000 tỷ đồng).
Đối với các công tác đầu thầu thuốc, may sắm trang thiết bị y tế, Thiếu tướng TS.BS Trần Quốc Việt chia sẻ thêm, lãnh đạo bệnh viện giao nhiệm vụ cụ thể “nếu bộ phận Dược để đứt thuốc, vật tư tiêu hao, thì phải chịu trách nhiệm.” Bằng mọi giá, Bộ phận Dược phải báo cáo ngay khi gặp khó khăn để lãnh đạo bệnh viện cùng chủ động tìm kiếm phương cách theo đúng quy định của pháp luật để tháo gỡ. “Tuy nhiên, hiện nay, các hồ sơ tham gia đấu thầu rộng rãi suy giảm. Bình thường 200 - 250 công ty tham gia đấu thầu, nay chỉ trên dưới 170; số mặt hàng bình thường gần 2000 bây giờ chỉ còn khoảng 1500. Rõ ràng đây là những nguy cơ dẫn đến thiếu thuốc,” Thiếu tướng, TS.BS Trần Quốc Việt nói thêm. |