Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình tại Phiên họp của Ùy ban Pháp luật Quốc hội ngày 7/8 về hoạt động công chứng - Ảnh: VGP/LS
Có 3.220 công chứng viên hành nghề trên cả nước
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước có 3.220 công chứng viên hành nghề tại các phòng công chứng (PCC) và văn phòng công chứng (VPCC). So với thời điểm triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014, số công chứng viên đã tăng lên hơn 2 lần.
Về hoạt động hành nghề của công chứng viên, có 3 hình thức hành nghề gồm công chứng viên của PCC, công chứng viên hợp danh của VPCC và công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại VPCC. Trong số 3.220 công chứng viên hiện có, có 2.830 công chứng viên đang hành nghề tại các VPCC (chiếm 88%) và 390 công chứng viên của PCC (chiếm 12%).
Việc thành lập các VPCC do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở quy định của Luật Công chứng và Tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập VPCC đã được ban hành. Trong 3 năm (2020 - 2022), số lượng VPCC tại một số địa phương tăng đáng kể so với giai đoạn còn quy hoạch. Tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước đã thành lập được 1.248 VPCC trong tổng số 1.368 tổ chức hành nghề công chứng. Tất cả các VPCC đều được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.
Đối với việc chuyển đổi PCC thành VPCC, theo quy định của Luật Công chứng, PCC được chuyển đổi thành VPCC trong trường hợp không cần thiết duy trì; trường hợp không chuyển đổi thì giải thể PCC. Đến nay, cả nước có 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ra quyết định chuyển đổi 16 PCC thành VPCC. Bên cạnh phương án chuyển đổi, đã có 11 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định giải thể 12 PCC do không chuyển đổi được sang VPCC hoặc theo chủ trương sắp xếp, tinh gọn các đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập. Sau quá trình chuyển đổi, giải thể nêu trên, hiện nay trong cả nước có 10 địa phương không còn PCC.
Đối với 120 PCC hiện có tại 53 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng nhìn nhận, về cơ bản các PCC này đã tự bảo đảm một phần hoặc toàn bộ chi thường xuyên. Trong 3 năm từ 2020 - 2022, các tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước đã thực hiện hơn 22 triệu việc công chứng (trong đó có gần 21 triệu việc công chứng hợp đồng, giao dịch và hơn 1 triệu việc công chứng bản dịch); tổng số phí công chứng thu được là hơn 9.100 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 1.200 tỷ đồng; số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước và nộp thuế là gần 1.200 tỷ đồng.
Chỉ 0,01% các vụ án tranh chấp liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng
Tại phiên giải trình, các đại biểu đặt câu hỏi liên quan việc thực hiện các quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 455, 459), Luật Đất đai (Điều 167), Luật Nhà ở (Điều 122), Luật Kinh doanh bất động sản (Điều 17), các hợp đồng, giao dịch có tính chuyển dịch quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (mua bán, tặng cho, chuyển nhượng, góp vốn…) phải công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản, việc công chứng thực hiện theo yêu cầu của các bên (điểm b khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai).
Hiện nay, việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở và tài sản gắn liền với đất chiếm tỉ lệ hơn 70% số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng. Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở không chỉ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch mà còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, qua đó tạo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi: Chỉ khoảng 0,01% các vụ án tranh chấp liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng; số vụ việc có bản án yêu cầu bồi thường thiệt hại là rất ít, với tổng số tiền khoảng hơn 12 tỷ đồng - Ảnh: VGP/LS
Đồng thời, việc công chứng các hợp đồng, giao dịch còn góp phần quan trọng phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp phát sinh.
Số liệu tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng (2015 - 2020) của các địa phương cho biết, chỉ có khoảng 0,01% các vụ án tranh chấp liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng; số vụ việc có bản án yêu cầu bồi thường thiệt hại là rất ít, với tổng số tiền khoảng hơn 12 tỷ đồng, nhiều địa phương không có trường hợp nào phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng. Thực tế cho thấy, việc công chứng, chứng thực đối với hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân đã góp phần đáng kể trong việc hạn chế các tranh chấp phát sinh. Đối với các hợp đồng, giao dịch trong kinh doanh bất động sản mà một bên là tổ chức kinh doanh bất động sản, hiện chưa có cơ chế để người mua bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi thoả thuận, ký kết hợp đồng, giao dịch với các chủ đầu tư.
Nhiều vụ án hình sự mà chủ đầu tư bán nhà, huy động vốn qua hình thức đặt cọc, giữ chỗ… khi dự án chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Điển hình như vụ án công ty Alibaba với bị hại là hơn 4.500 người, vụ án Châu Thị Thu Nga với bị hại gần 500 người, vụ việc gần 400 người mua đất dự án ở Bình Dương đã được TAND Bình Dương đưa ra xét xử trong tháng 7/2023…
Quốc hội cho thảo luận Luật Công chứng sửa đổi vào năm 2024
Trả lời về trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong quản lý Nhà nước về công chứng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, được quy định tại khoản 2 Điều 69 và các điều luật có liên quan trong Luật Công chứng.
Trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật về công chứng và chính sách phát triển nghề công chứng, Bộ Tư pháp đã tham mưu ban hành, ban hành theo thẩm quyền hoặc có ý kiến đối với việc ban hành 1 luật, 3 nghị định, 1 nghị quyết, 5 thông tư, 2 quyết định, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc ban hành, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Từ năm 2015 đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức 4 kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng cho tổng số 2.724 thí sinh, cấp Giấy chứng nhận cho 1.281 thí sinh đạt yêu cầu và phần lớn trong số này đã được bổ nhiệm công chứng viên.
Về công tác thanh kiểm tra, hằng năm, Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp đều tiến hành thanh tra theo kế hoạch và đột xuất tại các tổ chức hành nghề công chứng. Về việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng và quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng tại các địa phương, đến nay đã có 55/63 địa phương xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng. Bộ Tư pháp đã xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm quản lý tổ chức hành nghề công chứng từ tháng 5/2020 đến nay.
Đối với hoạt động hợp tác quốc tế về công chứng, với vai trò tích cực của Bộ Tư pháp, công chứng Việt Nam đã trở thành thành viên của Liên minh Công chứng quốc tế từ tháng 10/2013 và thực hiện tích cực các trách nhiệm của thành viên Liên minh.
Với những gì đã nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, hệ thống pháp luật về công chứng tiếp tục được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về công chứng và tạo môi trường hành nghề công chứng minh bạch, hiệu quả. Hoạt động công chứng ngày càng được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, góp phần tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội…. “Sứ mệnh” của công chứng là con mắt thứ ba được xã hội công nhận.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Tư pháp cũng chỉ ra, sau thời gian thực hiện, một số quy định pháp luật về công chứng đã có những điểm hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn. Chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều. Việc thành lập và phân bổ VPCC tại một số địa bàn chưa phù hợp với nhu cầu công chứng. Công tác quản lý Nhà nước về công chứng có lúc có nơi chưa thực sự hiệu quả, kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra tuy đã được quan tâm, tăng cường nhưng chưa theo kịp với sự phát triển của hoạt động công chứng…
Vì thế, tại Phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thông tin, Bộ Tư pháp đã đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Đối với các dự án Luật đang được sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Công chứng (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản), đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Công chứng hiện hành và định hướng sửa đổi Luật Công chứng đã trình Quốc hội về giá trị pháp lý của văn bản công chứng, thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng, phạm vi các hợp đồng, giao dịch phải công chứng... nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm an toàn, pháp lý cho các giao dịch quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tư pháp cũng kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trong phạm vi thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật Công chứng, thống nhất quan điểm xác định đúng vị trí, vai trò của hoạt động công chứng và có chính sách phát triển nghề công chứng bền vững.
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an tăng cường phối hợp với Bộ Tư pháp trong rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về công chứng với pháp luật có liên quan; triển khai, hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, dân cư với cơ sở dữ liệu công chứng; Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc hướng dẫn thống nhất các quy định liên quan đến cơ chế tài chính của PCC, việc xác định giá chuyển đổi PCC thành VPCC.
Lê Sơn
Theo Báo điện tử Chính phủ