Sáng 13/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm "ChatGPT, trí tuệ nhân tạo - lợi ích và thách thức đối với giáo dục". Chia sẻ về lý do tổ chức tọa đàm, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn. Chính sự phát triển của AI đã, đang và sẽ định hình nên tương lai ngành giáo dục trên toàn thế giới.
Toạ đàm bao gồm hai chủ đề thảo luận: Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục và Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Đây là nơi các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các học giả, các giáo viên thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục. Đồng thời, tăng cường sự hợp tác giữa các chuyên gia, giáo viên và nhà quản lý tìm ra các giải pháp cho những vấn đề về giáo dục và xây dựng kế hoạch tương lai sử dụng và ứng dụng AI.
Bộ GD-ĐT, cũng như toàn ngành giáo dục, đã tìm hiểu và nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của Chat GPT và AI đối với giáo dục. Từ đó, các ban, ngành sẽ có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng đối với giáo dục.
ChatGPT đang tạo ra “cơn sốt” trên toàn cầu. (Ảnh minh họa).
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - ông Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi tọa đàm cho biết sự ra đời của công nghệ đã làm thay đổi đặc quyền truyền bá tri thức và vai trò của người thầy. Chính công nghệ giúp cho ngành giáo dục có những bước tiến lớn.
"Vai trò của người thầy sẽ thay đổi nhưng thay đổi như thế nào để không chỉ thích ứng mà còn đón đầu công nghệ. Người học phải thay đổi như thế nào và chính sách giáo dục phải thích ứng ra sao?", ông Hoàng Minh Sơn đặt ra câu hỏi về các nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo rất mong được lắng nghe trao đổi từ các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo từ các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu.
Đối với ChatGPT, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang gây sốt trên toàn thế giới, vấn đề đặt ra là làm sao có sự hỗ trợ, quản lý về mặt chính sách để phát huy những tính năng tích cực cũng như hạn chế những tiêu cực từ công nghệ này đối với ngành Giáo dục.
Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia dự đông đảo các đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ.