Một người bạn của tôi phải nghỉ việc ở nơi chị đã gắn bó hơn 10 năm. Lương cao. Công việc ổn. Số ngày nghỉ và phúc lợi khiến nhiều bạn bè còn ao ước. Thế nhưng, sếp của chị có thói quen hạ thấp nhân viên trong các cuộc họp cấp tập đoàn, họp với công ty con, hay với sếp tổng.
Bị stress do sếp
Chị kể rằng chị làm chung nhóm với một quản lý “rất cá tính”. Người quản lý này thường xuyên nói móc và nhắc đi nhắc lại một số lỗi cũ, dù có những việc từ bốn năm trước. Có những cuộc họp với các phòng ban khác, ông cũng to tiếng nói: “Thôi bên anh đừng có giao việc này cho M. Nó làm nhầm lịch cuộc gặp với đối tác mấy năm trước đấy”. Chị đồng nghiệp bảo cô tên M. đó chỉ nhầm một lần, và chuyện đó cũng lâu rồi, với lại sau khi sắp xếp lại lịch, cuộc gặp diễn ra bình thường, không có hậu quả gì quá nghiêm trọng.
Chị nói, có thời điểm chị cảm thấy ghét công việc đến mức không muốn bước vào văn phòng nữa. Sáng ngủ dậy chị thấy buồn ói, người chóng mặt. Tới khi gọi điện xin nghỉ phép xong, người trở lại bình thường. Chị đi khám, bác sĩ bảo chị căng thẳng quá mức với công việc. Tóc rụng. Chị nổi cáu với cả bạn bè khi chúng tôi đi họp lớp. Chị nói chị quát mắng con mà đôi khi giật mình không hiểu sao mình khó chịu vậy.
Đỉnh điểm của sự việc là một buổi sáng, chị vừa đến văn phòng, sếp đang thao thao bất tuyệt giữa khu bàn làm việc của ban. Sếp đang mắng một nữ nhân viên trẻ: “Em có mù không hả? Mù cũng phải thấy mờ mờ chứ. Không làm được thì nghỉ đi. Tôi để hồ sơ ngay trên bàn em chiều qua mà em không xử lý, rồi sáng nay tôi họp bằng gì.” Chị bạn tôi nhớ ra, hôm qua khi sếp để tập hồ sơ lên bàn cô ấy cũng là hơn sáu giờ chiều. Sáu giờ là tan sở. Cô ấy đã về vì phải đón con ở nhà trẻ ra.
Chị nói hôm đó là giọt nước tràn ly. Chị làm một tràng đáp lại ông: “Anh là sếp, là người lớn tuổi, nên tập ăn nói cho có giáo dục. Anh đưa hồ sơ lại bàn người ta sau giờ làm việc, xong đổ lỗi cho nhân viên không làm. Hành vi của anh là bóc lột. Xúc phạm nhân viên. Xúc phạm phẩm giá người khác...”.
Chị rời khỏi văn phòng, gọi cho nhân sự sắp xếp xin nghỉ và gửi một lá đơn tố cáo sếp hành hung và bắt nạt nhân viên.
Hãy lắng nghe “cơ thể”
Ít người đi làm để ý tới phản ứng của cơ thể, cảm xúc, sự căng thẳng kéo dài vì những hành động “độc hại” của sếp và đồng nghiệp. Họ thường đổ lỗi cho mệt mỏi là vì nhiều việc hoặc căng thẳng là vì công việc có lịch gấp, dồn dập. Họ coi nhẹ những tương tác diễn ra hàng ngày với đồng nghiệp.
Nhưng thực ra đồng nghiệp và sếp có thể là nguyên nhân chính gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đến niềm đam mê công việc và sức khỏe của bạn. Câu chuyện trên của chị bạn tôi chỉ là một trường hợp rất nhỏ trong hàng trăm kiểu biến tướng của văn phòng “độc hại”.
Như chị bạn tôi làm việc lâu dài vì công việc ổn định, lương tốt, phúc lợi tốt, nhưng chị thấy phát bệnh mỗi ngày phải đi làm. Phản ứng tiêu cực này diễn ra lặp đi lặp lại có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm, như thù ghét công việc, không cảm thấy giá trị công việc, tệ hơn là rơi vào trầm cảm hoặc thật sự bắt đầu bị bệnh vì chán ghét, phẫn nộ trước công việc.
Thẳng thắn trao đổi với đồng nghiệp
Nếu một lúc nào đó, bạn ngủ dậy và cảm thấy bản thân đang tìm mọi lý do để nghỉ làm, hoặc bạn mất ngủ vì lo âu với công việc, hoặc bạn cảm thấy nơi làm việc đã khiến mình ghét công việc thay vì yêu thích nó như ngày mới vào công ty, có lẽ bạn phải bắt đầu hành động để giải quyết vấn đề đó.
Phản ứng sớm và có kế hoạch trước những đồng nghiệp “độc hại”
Sau nhiều năm làm quản lý, tôi nhận ra rằng quản lý thường biết vị trí quyền lực của mình và có thể lạm dụng vị trí đó. Nhiều người hay tỏ ra im lặng hoặc phục tùng. Trong văn phòng độc hại, sự phục tùng hay im lặng có thể là dầu hỏa để ngọn lửa bắt nạt cháy bùng dễ hơn bao giờ hết.
Nhưng ngay cả ở những công ty nơi sếp ứng xử bình thường, bạn vẫn có thể gặp phải những đồng nghiệp “độc hại”: Nói xấu sau lưng; Chiếm công trong công việc; Cố ý phê phán hay nói xóc xỉa đồng nghiệp trong email hay cuộc họp thay vì góp ý có tính chất xây dựng; Gợi ý về chuyện tình dục hay làm bạn cảm thấy bị đe dọa. Người Việt ta quen với chuyện nhịn đi cho lành, nhưng kẻ ở vị trí muốn tổn thương đồng nghiệp lại nhìn thấy cơ hội ở đây, và sẽ càng tăng cường hành động.
Một câu chuyện tôi từng nghe bạn kể khi cô liên tục bị người làm cùng nhóm đi khắp văn phòng và NÓI THẬT TO những lỗi lặt vặt trong công việc, lặp đi lặp lại nhiều lần. Bạn cảm thấy tủi nhục, thấy sợ làm sai và luôn khổ sở tìm xem mình làm sai việc gì để cố gắng sửa chữa hết trước khi gửi văn bản công việc. Bạn thậm chí mơ thấy cảnh mình đứng ở văn phòng và mọi người bô bô nói “Em A viết sai chính tả tr tre thành ch chó kìa”.
Sau một thời gian quá mệt mỏi với cảm giác khổ sở vì bị ám chỉ hay “vạch mặt” liên tục, cô gửi thư cho sếp và nói cô không thể làm việc cùng đồng nghiệp kia vì những lý do như vậy. Sếp muốn tổ chức một cuộc nói chuyện “làm hòa”.
Sau buổi nói chuyện thẳng thắn và rất mạnh dạn đó, người đồng nghiệp kia không nói chuyện với cô nữa, và cũng thôi không đi vòng quanh đùa bỡn lỗi của cô trong công việc nữa. Còn cô nói cô chỉ nhận xử lý việc qua email, cô không muốn trao đổi miệng xong hiểu lầm rồi đi buôn chuyện khắp nơi.
Việc bạn làm gửi “tín hiệu” tới người độc hại là bạn không dễ bị bắt nạt, và bạn sẽ phản ứng rất mạnh đấy.
Hiểu rõ các luật, chính sách của công ty về các hành vi: bắt nạt, quấy rối, xâm hại
Nếu bạn chỉ làm việc ở các công ty nhỏ trong nước, có thể bạn chưa biết ở các tập đoàn lớn, hành vi bắt nạt, quấy rối, xâm hại là những hành vi đo lường được và có các chính sách trừng trị.
Vậy nếu bạn bắt đầu vào làm việc cho một tập đoàn lớn, hãy đọc thật kỹ Welcome Kit (thông tin cho người mới), đặc biệt là các điều khoản về sức khỏe, sức khỏe tâm thần, bắt nạt, quấy rối. Bạn cần hiểu rõ định nghĩa của những khái niệm này theo văn bản của công ty bạn đang làm việc.
Một số công ty muốn bạn có bằng chứng, những thông tin như tin nhắn chat, email, ghi âm trò chuyện trực tiếp khi bạn bị sỉ nhục, chửi mắng... đều có thể trở thành bằng chứng. Bạn cần chuẩn bị rất kỹ những thông tin này nếu muốn đẩy phản ứng lên cao, và báo cáo cho lãnh đạo cấp trên về hoàn cảnh bạn gặp phải. Quá trình chuẩn bị bằng chứng, thu thập thông tin này cũng rất tốt, vì nó cho bạn thời gian lùi lại và nhìn thấy mình đã bị thương tổn ra sao, hay những lời lẽ đó đang làm mình lo âu, hoảng sợ thế nào. Có thể đó không phải là ký ức đẹp để nhớ lại, nhưng là con đường để bạn đẩy những kẻ bắt nạt ra khỏi không gian làm việc chung, để chính bạn và đồng nghiệp có thể yêu thích nơi làm việc hơn.
Gửi thông tin và bằng chứng đến nhiều người có trách nhiệm. Không giấu giếm việc mình bị bắt nạt, không che đậy và chỉ đi “nói thầm” cho ai đó.
Tại sao ta phải hiểu về nơi làm việc “độc hại”?
Tôi đọc báo hằng ngày và thấy rất nhiều bài than phiền vì sao giới trẻ kiệt sức bỏ việc, hay vì sao người trẻ không thích làm việc lâu dài cho một công ty. Kiệt sức là một biểu hiện của lo âu hoặc mệt mỏi kéo dài vì không gian làm việc gây tác động tiêu cực về cảm xúc, tinh thần và cuối cùng là ảnh hưởng đến cơ thể họ. Tôi không có câu trả lời thuyết phục cho bạn trẻ là liệu bạn có nên “gồng” như thế hệ trước, hay sẵn sàng chọn nơi làm việc phù hợp hơn với bản thân.
Quyết định đó phụ thuộc vào hoàn cảnh và lựa chọn nghề nghiệp. Nhưng tôi tin rằng, nếu bạn sớm hiểu và hiểu rõ về những hành vi có thể gây tổn hại đến bạn trong công việc, khiến bạn nghi ngờ về phẩm giá của bản thân, hay luôn bị đe dọa phải “dâng hiến” cơ thể để đoạt được phần việc nào đó, thì bạn sẽ biết phải hành động ra sao để tự vệ.
Công sở độc hại vẫn còn là thứ vô cùng mới ở Việt Nam, hoặc có khi bạn nói ra nhiều người sẽ bảo là “nhà giàu dẫm phải gai mùng tơi”. Nhưng ai cũng muốn mình làm việc tốt, năng suất cao, ai cũng muốn yêu công việc và kiếm sống lương thiện, vì vậy mỗi người trẻ đi làm nên sớm học về những điều này, để có phản ứng phù hợp và không gây ra những tổn hại quá lớn cho bản thân về lâu dài, như chị bạn tôi, đến mức nghĩ đến việc sáng lên văn phòng là muốn bệnh.
Cơ quan về Sức khỏe Tâm thần của Úc và New Zealand khái quát một số dấu hiệu cho thấy văn phòng “độc hại” như sau: * Bạn cảm thấy bị kỳ thị, không được khuyến khích, động viên khi bạn làm tốt công việc. * Bạn bị cả nhóm đồng nghiệp cô lập. * Trong email, nhóm chat, trò chuyện trực tiếp, bạn bị nói móc, chửi bới, dùng những từ có ý xấu để chỉ bạn hoặc cố ý làm bạn đau lòng. * Sếp ép bạn thực hiện công việc nào đó, nhưng lại không cung cấp thời gian/nguồn lực phù hợp để hoàn thành việc đó, dẫn đến ảnh hưởng đến thành quả, chỉ tiêu của bạn. |
Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online