Bệnh viện Nhân Ái - Nơi hội tụ những tấm lòng

02/03/2023 15:41

Dù các tiến bộ y học đã đưa HIV/AIDS vào danh mục những bệnh có thể khống chế, song, việc chăm sóc những bệnh nhân giai đoạn cuối, đặc biệt là những thân phận cơ nhỡ luôn cần lắm trái tim yêu thương và bàn tay ân cần. Điều đã và đang diễn ra mỗi ngày tại một bệnh viện nằm cách xa TP.HCM 200km.

Được xây dựng trên một khu đất với địa thế trắc trở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, Bệnh viện Nhân Ái trực thuộc Sở Y tế TP.HCM là nơi tiếp nhận chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối, nơi nhiều bệnh nhân đến, được chăm sóc điều trị và gắn bó luôn với đội ngũ y bác sĩ nơi này. 

Nói như vậy để thấy, đây chính là một cơ sở y tế có nét đặc thù như nhiều người sau một lần ghé thăm đã gọi Nhân Ái là mái ấm của tình yêu thương, là chốn tận cùng của sự sống nhưng tình người luôn như ngọn lửa cháy âm ỉ sưởi ấm bao số phận khổ đau vì bệnh tật, đơn côi vì xa gia đình. 

Thật không ngoa khi nói, Nhân Ái chính là nơi hội tụ của những tấm lòng, đúng như cái tên của bệnh viện. Đội ngũ y bác sĩ tề tựu về đây chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, hành trang ban đầu của mỗi người chỉ là “nhận nhiệm vụ được giao”, nhưng sau một thời gian gắn bó, họ đã tự nguyện “không thể rời xa”.

Mang danh bệnh viện của TP.HCM, nhưng tính theo khoảng cách địa lý, phải mất hơn 4 giờ đi ô tô, một bác sĩ nhà ở TP.HCM mới có thể về thăm gia đình. Xa xôi cách trở với gia đình là điều không ai thích, tuy vậy điều này không phải là khó khăn lớn nhất. Nỗi gian truân mà mỗi nhân viên y tế nơi đây phải làm việc và sống cùng, chính là phải chăm sóc cho những người bệnh đặc biệt, những người xăm trổ, những người suy kiệt thể xác nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể gào hét cào cấu ai đứng gần. “Bệnh nhân ở đây nguy hiểm còn hơn ở nhà thương điên”. Nhiều người đã nói như vậy khi ghé thăm.

Là cơ sở y tế đặc thù nên tính chất của công việc gặp rất nhiều khó khăn, chuyện lây nhiễm, phản ứng bất thường của những bệnh nhân quá khích là điều mà các y bác sĩ phải luôn luôn đối diện. Mọi thứ đã xảy ra. Đã có người bị lây nhiễm. Thế nhưng bằng tình yêu nghề và tình yêu bệnh nhân, cán bộ, công nhân viên và đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện vẫn đồng lòng gắn bó bởi “sống riết thành quen”, “mọi vất vả nay đã hóa yêu thương”.


Phòng bệnh nặng luôn được các bác sĩ tục trực theo dõi

Phải một lần đến Nhân Ái, đi một vòng các phòng bệnh, hoặc trò chuyện cùng bệnh nhân của bệnh viện, những người hầu hết đã đến bước đường cùng và đang phải đối diện với ngày tháng cuối đời gắn bó bệnh tật, mới thấy vừa đáng sợ, song cũng vừa đáng thương. Nỗi sợ hãi chính là thứ tạo nên chuỗi vất vả mà người thầy thuốc phải gánh chịu. Tuy nhiên sự đáng thương của bệnh nhân lại chính là sợi dây vô hình trói chặt thầy thuốc ở lại. Có bác sĩ trẻ mới vào nghề thì làm được vài năm, nhưng cũng có người đã gần 20 năm gắn bó mãi với mảnh đất được cả dân địa phương gọi là “chó ăn đá, gà ăn muối”. Họ làm việc với nhau, cùng chăm bệnh, rồi yêu thương nhau, cưới nhau, sinh con đẻ cái... Nơi đây, ngoài số ít bệnh nhân được gia đình gửi đến, phần lớn được đưa về do không có nơi nương tựa, họ chỉ còn biết trông cậy vào các y bác sĩ. Tại đây, y bác sĩ chính là những người thân duy nhất còn lại của họ.

Không chỉ điều trị, trách nhiệm chăm sóc nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân HIV/AIDS mới chính là sứ mệnh cao cả của thầy thuốc. Điều khiến bệnh viện vốn đã mang tên Nhân Ái trở nên tròn nghĩa hơn với hai chữ “nhà thương”. Bệnh nhân có thể lên cơn hung dữ, người bệnh từng là đại ca giang hồ, trong người họ có virus, nhưng dù họ là ai và có đáng sợ đến mấy thì tiêu chí tiên phong của bệnh viện vẫn là dùng tấm lòng để xoa dịu. Bao nhiêu năm nay, việc chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn là tôn chỉ. Tại Nhân Ái, bác sĩ và điều dưỡng không làm việc theo giờ hành chính. Ở đây, họ làm cả ngày lẫn đêm. Không chỉ chăm sóc sức khỏe, các bác sĩ điều dưỡng như người anh, người chị hoặc đứa em, cùng sống, cùng chia sẻ những câu chuyện đời với người bệnh. Nhiều bệnh nhân tứ cố vô thân khi qua đời, người cuối cùng họ nhìn thấy và họ được chôn cất cũng do chính các tấm lòng Nhân Ái.

BS.CK2 Trần Kim Anh, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái vào bệnh viện khi còn trẻ măng giờ đầu đã ánh bạc, bồi hồi nhắc lại những ngày đầu. Năm 2006, trước tình hình bệnh nhân HIV/AIDS tăng nhanh tại TP.HCM trong đó có những bệnh nhân lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã quyết định thành lập Bệnh viện Nhân Ái trực thuộc Sở Y tế TP.HCM với chức năng chính ban đầu để tiếp nhận những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối vô gia cư, lang thang không nơi nương tựa đang sống ở TP.HCM, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động thương binh và Xã hội và Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM để điều trị và chăm sóc giảm nhẹ cuối đời. 

Với nhân lực lúc thành lập chưa đến 100 nhân viên y tế, trong đó chỉ có 5 bác sĩ cùng với sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trực tiếp từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và các bệnh viện của TP.HCM đến nay Bệnh viện Nhân Ái là nơi hội tụ của 340 y, bác sĩ, điều dưỡng nhiều tâm huyết, yêu nghề đến từ mọi miền của đất nước và các dòng tu thuộc Cộng đoàn Mai Linh tham gia tích cực các hoạt động chuyên môn như: Điều trị, hỗ trợ chăm sóc cho những người bệnh suy giảm miễn dịch ở giai đoạn cuối, những người bệnh nguy kịch bị người thân xa lánh, xã hội kỳ thị. Chăm sóc giảm nhẹ những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối giúp họ không còn cảm giác đau đớn ở những ngày cuối cùng của cuộc đời. Nhiều trường hợp bệnh nhân HIV/AIDS đã được cứu sống và hòa nhập cộng đồng. 


Bất cứ thời điểm nào trong ngày, khi bệnh nhân cần là lập tức bác sĩ có mặt

Có mặt tại đây từ những ngày đầu, dược sĩ Nguyễn Cao Cường (trưởng khoa Dược), hay điều dưỡng Vũ Thị Diệu, cùng nhiều anh chị em khác đều quyết tâm vượt khó khăn để bám trụ vùng đồi núi heo hút với nhiều bệnh nhân đơn côi, không nơi nương tựa. Tất cả xác định Nhân Ái là ngôi nhà thứ hai của mình. Sau nhiều năm làm việc, gắn bó với ngôi nhà chung Nhân Ái, năm 2011, anh Cường và chị Diệu cũng đã nên duyên với nhau. Họ đã xác định tương lai của mình tại đây, cùng hướng đến chăm sóc cho những bệnh nhân cơ nhỡ. Với nhiệm vụ của mình là điều dưỡng, hơn ai hết, chị Vũ Thị Diệu rất thấu hiểu và chia sẻ với bệnh nhân đặc biệt của mình ở đây. 

Bác sĩ Nguyễn Phi Khanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái tâm sự, với bệnh nhân tại đây, ngoài điều trị thực thể thì việc chăm sóc, nâng đỡ tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng. “Những bệnh nhân lang thang, vô gia cư, không người thân tử vong tại bệnh viện được bệnh viện thay mặt người thân tổ chức tang lễ và hỏa táng tại lò thiêu của bệnh viện, tro cốt được đưa vào nhà lưu cốt để giảm đi sự cô đơn, lạnh lẽo, kỳ thị của người đời”. 

Trong quá trình hoạt động, bệnh viện được bổ sung thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ như quản lý điều trị của bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh nhân tâm thần, cắt cơn nghiện, tiếp nhận những bệnh lý khác vượt khả năng điều trị của các các cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố đóng trên địa bàn của các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Lắk, Lâm Đồng chuyển đến. Trước đây, khi chưa có bệnh viện Nhân Ái thì những bệnh nhân này phải chuyển về các bệnh viện ở TP.HCM gây không ít khó khăn, áp lực cho các bệnh viện cũng như vấn đề an ninh trật tự tại thành phố. Đồng thời, trực tiếp quản lý, điều trị ARV cho các học viên nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở cai nghiện ma túy này. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, bệnh viện còn được giao nhiệm vụ thu dung điều trị cho cán bộ nhân viên, học viên nhiễm Covid-19 nặng, hỗ trợ quản lý điều trị F0 tại các cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm bảo trợ xã hội và tham gia phòng chống dịch tại các bệnh viện dã chiến thành phố.

Từ ngày hoạt động đến nay, bệnh viện đã thu được nhiều kết quả rất tích cực. Bệnh nhân đáp ứng điều trị được xuất viện ngày càng tăng, tỷ lệ tử vong giảm mạnh từ 40-50% tử vong trong những năm đầu, đến nay tỷ lệ này chỉ còn dưới 3%. Quan trọng hơn cả, chính tấm lòng nhân ái, bao dung đến từ đội ngũ y bác sĩ, của các sơ và sự chung tay đến từ tấm lòng hảo tâm của xã hội đã tiếp thêm sức mạnh thắp lên ngọn lửa yêu thương để bệnh nhân không cảm thấy cô đơn, gắn bó với bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình. 


Tại bệnh viện, những bệnh nhân có sức khỏe tốt sẽ làm những việc nhỏ để chăm sóc những bệnh nhân yếu hơn, họ coi nhau như người thân

Dành một khoảng đời thanh xuân, tuổi trẻ để đến với vùng núi rừng heo hút gắn bó với những bệnh nhân vô cùng đặc biệt, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái, BS.CK2 Trần Kim Anh nói đây chính là nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái, nơi hàm chứa một ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. “Tại đây, người bệnh được tư vấn, chăm sóc, điều trị toàn diện cả sức khỏe lẫn tinh thần. Không ít người bệnh nguy kịch bị người thân, xã hội kỳ thị xa lánh đã được cứu sống và hỗ trợ hòa nhập với cộng đồng trở thành những con người có ích cho xã hội. Học viên nhiễm HIV, mắc lao, lao kháng thuốc tại các cơ sở cai nghiện ma túy được thu dung điều trị kịp thời giảm tình trạng bỏ trị, mất dấu, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng”.

Cũng theo bác sĩ Kim Anh, thông qua hoạt động truyền thông, các chương trình truyền hình thực tế bệnh viện luôn tiên phong trong công tác tuyên truyền giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh, giúp người bệnh tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và dễ dàng hơn trong việc hòa nhập với cộng đồng. Mô hình đã góp phần giải quyết vấn đề an ninh trật tự, chính sách an sinh xã hội của thành phố cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia về HIV/AIDS, Lao, Tâm thần... Ngoài ra, Bệnh viện Nhân Ái còn được xem như là cánh tay nối dài của mạng lưới y tế TP.HCM đến các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội đóng trên địa bàn các tỉnh xa thành phố trong công tác quản lý, chăm sóc điều trị và phòng chống dịch. Cung cấp đầy đủ và tiếp cận dễ dàng các dịch vụ chăm sóc y tế cho người HIV, người tâm thần, người nghiện ma túy, người không có nơi nương tựa.

Cuộc sống ngày càng phát triển, khát khao đời sống sung túc, an nhàn cũng là lẽ thường tình. Thế nhưng tại Bệnh viện Nhân Ái, sự sung túc và khái niệm hạnh phúc lại có định nghĩa khác. Cùng tốt nghiệp trường Y. Cùng mang tấm bằng danh giá. Tấm bằng đủ sức để dệt nên bao mơ ước. Song hạnh phúc đối với những thiên thần áo trắng chốn này chính là sự ưu ái sẻ chia, là được nhìn thấy nụ cười khỏe mạnh hiền lương trên gương mặt và cả những giọt nước mắt khi được yêu thương của những con người từng lầm lỡ. 

Thiên Chương

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp