Sự phát triển các ứng dụng của các công nghệ 4.0 trong quản lý và khám chữa bệnh đã và đang tạo ra một sự thay đổi lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mở ra rất nhiều cơ hội giúp các bệnh viện vượt qua các áp lực hiện tại và phát triển mạnh mẽ theo nhịp phát triển chung của các bệnh viện trên thế giới.
Ngày 25/2/2023, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tổ chức hội thảo khoa học với Chủ đề: Mô hình nguyên lý bệnh viện thông minh trong hệ thống y tế thông minh.
Số hóa các hoạt động trong bệnh viện
Theo BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đẩy mạnh số hóa bệnh viện bằng nhiều ứng dụng thông minh, đặc biệt sẽ triển khai bệnh án điện tử toàn bệnh viện trong thời gian tới. Bệnh viện này cũng đã triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh.
“Nỗi lo lắng của các bác sĩ khi tiếp nhận bệnh nhân suy hô hấp nặng hoặc ngưng thở trong lúc khoa không còn máy thở (do tất cả máy thở của khoa đang được sử dụng cho bệnh nhân khác) là hiện tượng không phải hiếm gặp ở các bệnh viện tuyến cuối của thành phố, khi đó chỉ còn cách gọi điện thoại đến các khoa khác (được trang bị máy thở) để mượn hoặc chuyển người bệnh đến nhưng không phải lúc nào cũng được đáp ứng. Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, để giải tỏa nỗi lo lắng, bệnh viện triển khai sản phẩm “Ứng dụng IoT để quản lý và điều phối máy giúp thở giữa các khoa trong toàn bệnh viện,” BSCKII Võ Đức Chiến cho biết.
Các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) đã thiết lập nên hạ tầng cho IoT của bệnh viện, từ đó các máy thở sẽ được định danh và truyền thông tin tình trạng hoạt động qua mạng wifi của bệnh viện. Họ đã sử dụng con chip tích hợp wifi 2.4Ghz, để thực hiện ghi nhận công suất điện tiêu thụ của mỗi máy thở và kết nối dữ liệu này với hệ thống wifi của bệnh viện. Vị trí của mỗi máy thở được xác định thông qua vị trí “access point” đã được xác định. Dữ liệu về công suất điện tiêu thụ sẽ được ghi nhận vào “server database”, nhờ đó biết được chính xác tình trạng hoạt động của máy thở.
Với sản phẩm này, lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã phân quyền cho các bác sĩ trưởng khoa chủ động giải quyết cho “mượn” máy thở lẫn nhau khi khoa hết máy thở giúp cho công tác cấp cứu người bệnh luôn được kịp thời.
Hay bước đầu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tiến hành số hóa bệnh án của bệnh nhân. Bệnh viện đang chuyển đổi thành bệnh viện kỹ thuật số với hệ thống hồ sơ y tế điện tử của riêng mình. Các trung tâm dữ liệu thu thập và tập trung thông tin, và các ứng dụng di động cho phép các nhân viên lâm sàng và bệnh nhân truy cập dữ liệu trong vòng vài giây. Việc số hóa thông tin giúp bệnh viện hiểu những gì đã xảy ra đối với bệnh nhân trước khi nhập viện, quản lý tất cả việc chăm sóc nội trú, và giám sát các can thiệp sau khi xuất viện.
Hay Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức (PTGMHS) đã sử dụng camera để thu nhận hình ảnh khuôn mặt người bệnh và nhân viên y tế, sau đó sử dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo để nhận diện, giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn người bệnh.
“Bệnh nhân trước khi được chuyển lên khoa PTGMHS, điều dưỡng dùng app trên điện thoại nhập thông tin hành chính bệnh nhân (thông tin được chuyển từ phần mềm quản lý bệnh viện HIS), sau đó chụp lại hình bệnh nhân. Thông tin hình ảnh của bệnh nhân được lưu xuống cơ sở dữ liệu của hệ thống nhận diện. Tại cửa vào của khoa PTGMHS có gắn camera, camera này sẽ tự động quét và check trong dữ liệu,” BSCKII Võ Đức Chiến cho biết.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng đã nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo kiểm soát gây mê, để xác định chuyển tiếp của các trạng thái gây mê khác nhau của người bệnh liên quan đến phẫu thuật. Theo đó, các bác sĩ gây mê sẽ tối ưu hóa liều lượng thuốc gây mê, nhằm đem lại sự an toàn cho người bệnh trong gây mê và phẫu thuật. Các giá trị cá nhân hóa có thể thay đổi đối với từng cá thể người bệnh trong nhóm có cùng thông số như tuổi, giới tính, cân nặng, chỉ số BMI và dấu hiệu lâm sàng. Do đó, áp dụng điều này để điều chỉnh lượng thuốc mê sử dụng chính xác, an toàn và hiệu quả hơn cho người bệnh.
Bệnh viện thông minh
Bệnh viện thông minh là một mô hình quản lý đang được quan tâm phát triển trên thế giới và cũng là mô hình được Bộ Y tế quan tâm triển khai trong những năm qua. Trong bối cảnh TP.HCM phê duyệt “Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” phát triển theo hướng thành phố thông minh, việc chuyển đổi mô hình bệnh viện từ mô hình hiện tại sang mô hình bệnh viện thông minh là một điều cần thiết.
Theo GS.TS.BS Đặng Vạn Phước, Trưởng khoa Y (ĐHQG-HCM), để có thể chuyển đổi mô hình một cách hiệu quả, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và sự phát triển của các bệnh viện TP.HCM, một lộ trình phát triển bệnh viện thông minh cần được xây dựng. Lộ trình này sẽ giúp các bệnh viện tự đánh giá hiện trạng của mình và, từ đó, xây dựng, triển khai các chương trình phát triển theo hướng bệnh viện thông minh để nâng cao năng lực quản lý và chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng các nhu cầu của người dân.
Nhóm nghiên cứu bao gồm Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Trường Đại Học Bách Khoa TP.HCM (Đại Học Quốc gia TPHCM – ĐHQG-HCM) và Khoa Y - ĐHQG-HCM, đã triển khai đề án Bệnh viện thông minh trong hệ thống y tế thông minh. Lộ trình phát triển bệnh viện thông minh tại TP.HCM.
Theo nhóm nghiên cứu y tế thông minh là những giải pháp dựa trên công nghệ, sự kết nối mạng, sự thông minh, sự đổi mới sáng tạo để tạo ra các lợi thế trong việc chăm sóc sức khỏe như chữa bệnh, chăm sóc, ngăn ngừa bệnh bằng việc đề xuất các phương cách mới trong điều trị, quản lý và theo dõi bệnh nhân.
Y tế thông minh có thể thúc đẩy sự tương tác giữa các bên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bảo đảm các bên nhận được các dịch vụ mình cần, giúp các bên ra các quyết định và tạo thuận lợi cho việc phân bổ hợp lý các nguồn tài nguyên. Do đó, sự tương tác giữa các bên liên quan (con người) có vai trò rất quan trọng trong y tế thông minh. Vì vậy, y tế thông minh là một bậc cao của cấu trúc thông tin trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Ông Lê Trúc Phương, Bộ môn Quản lý Bệnh viện & Kinh tế Y tế, Khoa Y – ĐHQG-HCM, để triển khai bệnh viện thông minh trước hết phải tạo ra bộ dữ liệu số cho bệnh viện, sau đó thực hiện quá trình số hóa (digitization) vì vậy cốt lõi nhất vẫn là bệnh án điện tử.
Y tế thông minh bao gồm nhiều thành phần như các bác sĩ, bệnh nhân, bệnh viện và các viện nghiên cứu và là một hệ thống sống bao gồm các chiều hướng như ngăn ngừa bệnh, và quan trắc, chẩn đoán, điều trị bệnh, quản lý bệnh viện, ra các quyết định liên quan đến y tế, các nghiên cứu y khoa.
Bệnh nhân sẽ sử dụng các thiết bị đeo để quan trắc liên tục các thông số sức khỏe của mình, tìm kiếm sự hỗ trợ y khoa thông qua các trợ lý y khoa ảo, thực hiện các dịch vụ quan trắc sức khỏe từ xa thông qua các ngôi nhà thông minh (có trang bị thiết bị quan trắc sức khỏe từ xa).
Các bác sĩ có thể khai thác các hệ thống hỗ trợ ra quyết định y khoa thông minh để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân, quản lý thông tin y khoa thông qua các hệ thống HIS, PACS, bệnh án điện tử…
Y tế thông minh cũng sẽ giúp quản lý sức khỏe (heath management). Mô hình mới trong quản lý sức khỏe của y tế thông minh sẽ tập trung vào việc quản lý sức khỏe cho bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ được quan trắc sức khỏe của mình theo thời gian thực, nhận các phản hồi về tình trạng sức khỏe, và các can thiệp y khoa kịp thời. Y tế thông minh cũng sẽ tạo cho mỗi người dân một hồ sơ sức khỏe điện tử (Electronic Health Record -EHR) để theo dõi sức khỏe trọn đời cho bệnh nhân. EHR sẽ được kết hợp với bệnh án điện tử (Electronic Medical Record - EMR) để phục vụ việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.
Tại TP.HCM, y tế thông minh và bệnh viện thông minh đã và đang được quan tâm phát triển. Đến nay, phần lớn các bệnh viện ở TP.HCM đã quản lý dữ liệu thông tin của bệnh nhân dạng số từ các bệnh án điện tử, quản lý đăng ký khám chữa bệnh điện tử, và thực hiện các hoạt động quản lý nội bộ dựa trên nền công nghệ thông tin. Sở Y Tế TP.HCM cũng đã xây dựng nền tảng cho y tế thông minh thông qua cổng thông tin kết nối và truyền dữ liệu thông tin bệnh nhân giữa các bệnh viện và Sở Y tế TP.HCM.