Bàn giải pháp nâng cao chất lượng biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa

29/09/2022 17:17

(Chinhphu.vn) - Sách giáo khoa (SGK) là một loại hàng hoá đặc thù, thường có tác động tới tâm lí và dư luận xã hội, vì thế cần có những quyết sách để ổn định SGK, trong đó có những quyết sách về việc tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, thẩm định, phát hành...

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa - Ảnh 1.
Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng SGK giáo dục phổ thông - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 29/9, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng SGK giáo dục phổ thông.

Tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, chủ trương xã hội hoá SGK đã huy động được nhiều tổ chức, cùng đông đảo các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn SGK.

Cả nước có 6 nhà xuất bản (NXB) tham gia biên soạn, phát hành SGK môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp (gồm các NXB: Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Vinh, Đại học Huế); 3 tổ chức biên soạn SGK (gồm: Công ty cổ phần Phát triển giáo dục Việt Nam VPBOX, Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam VEPIC, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển xuất bản giáo dục Việt Nam VICTORIA). Tổng số có 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp. Trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn SGK có trình độ từ tiến sĩ trở lên.

Đặc biệt, chủ trương xã hội hóa SGK đã đạt được mục tiêu đề ra khi có nhiều bộ sách, chất lượng SGK tăng lên về hình thức, phong phú hơn về nội dung. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai. Đó là tình trạng một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu SGK chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu sách trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các SGK khác nhau. Chất lượng một số bản mẫu sách còn hạn chế, trong đó, bên cạnh những lỗi về nội dung còn rất nhiều lỗi về mặt chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh…

Việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào SGK chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội, gây băn khoăn trong dư luận khi sách được đưa vào sử dụng. Việc thẩm định sách phải thực hiện qua nhiều vòng, nhiều đợt dẫn đến việc phê duyệt danh mục sách còn chậm gây khó khăn trong việc tổ chức lựa chọn SGK.

Nhận định rõ ưu điểm và hạn chế trong chất lượng bản mẫu SGK, cũng như việc thẩm định, phê duyệt và lựa chọn, cung ứng sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT đã đưa giải pháp triển khai tiếp theo cho vấn đề này. Theo đó, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK theo quy định tại Thông tư số 05 ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh hoạ của bản mẫu SGK đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình.

Song song với đó Bộ sẽ tăng cường công tác thực nghiệm SGK, khai thác góp ý sau thực nghiệm, xin ý kiến nội bộ để tăng cường chất lượng bản mẫu SGK. Tăng cường kiểm soát chất lượng thực nghiệm bản mẫu SGK đảm bảo bài thực nghiệm đại diện cho các chủ đề trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục, đặc biệt đảm bảo tính khả thi của các bài thực hành, thí nghiệm, bài học dự án. 

Tinh giản tối đa kênh chữ, kênh hình, khai thác hiệu quả hình ảnh và ngữ liệu để đảm bảo hiệu quả bài học và giảm giá thành SGK. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt SGK, dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn SGK đáp ứng với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền.

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa - Ảnh 2.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: "Chúng ta khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa, nhưng vẫn phải lấy chất lượng là số một" - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Cần có những quyết sách để ổn định SGK

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, qua những lần đổi mới SGK tại Việt Nam có thể nhận thấy 5 vấn đề.

Một là xây dựng chương trình luôn là vấn đề gay cấn, thường gặp nhiều khó khăn trở ngại và thường bị chậm so với tiến độ dự kiến ban đầu. Sau khi Đảng và Nhà nước có chủ trương đổi mới, cải cách thì phải một thời gian khá dài sau mới có chương trình và SGK.

Hai là, việc biên soạn SGK muốn được thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng, cần giao vai trò chủ động cho một NXB có tính chuyên nghiệp. 

Vấn đề thứ 3 chính là làm SGK có tính chất đặc thù, nên cần có tính chuyên nghiệp cao. Một NXB làm SGK thực thụ phải là một đơn vị có khả năng đảm trách được mọi công đoạn của việc xuất bản SGK. Có như vậy, mới có thể có sự điều phối của một "tổng đạo diễn", đảm bảo cho SGK có được chất lượng, đúng tiến độ và giá bán hợp lí nhất.

Vấn đề thứ 4, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, SGK là một loại hàng hoá đặc thù, thường có tác động tới tâm lí và dư luận xã hội, vì vậy cần có những quyết sách để ổn định SGK, trong đó có những quyết sách về việc tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, thẩm định, phát hành...

Cuối cùng, những điều chỉnh về chiến lược chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đối với việc xuất bản SGK là cần thiết và thường xuyên để SGK có chất lượng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục và xã hội về loại hình sản phẩm đặc biệt này.

Khuyến khích biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa

Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa, nhưng vẫn phải lấy chất lượng là số một. Thứ trưởng khẳng định, công tác biên soạn, thẩm định, phát hành, lựa chọn SGK rất quan trọng. Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhấn mạnh, đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông.

"Đây là bài toán vừa mới, vừa khó và chúng ta chưa có tiền lệ khi thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK", theo Thứ trưởng, thời gian qua, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai, thực hiện chủ trương này. "Chúng ta đã huy động được nhiều tác giả tham gia biên soạn SGK. Qua phản ánh của giáo viên, SGK mới dễ hiểu và dễ vận dụng triển khai trong quá trình giảng dạy".

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của đổi mới giáo dục phổ thông. Theo đó, cần thống nhất nhận thức: SGK khi được biên soạn, thẩm định và phát hành đến học sinh phải bảo đảm chất lượng, chuẩn mực, giá cả hợp lý.

"Chúng ta khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa theo chủ trương xã hội hóa, nhưng vẫn phải lấy chất lượng là số một", Thứ trưởng nhấn mạnh. Khi đặt mục tiêu chất lượng là số một, cần chú ý đến các khâu cần được cải tiến và đổi mới: Làm bản mẫu, thẩm định và phát hành. Cùng với đó, cần chú trọng đến công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK khi giảng dạy. Biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Liên quan đến giá SGK, Thứ trưởng nhấn mạnh, cần lưu ý đến các khâu như: Yếu tố cấu thành giá sách và ban hành định mức kỹ thuật của sách. Đổi mới lần này theo mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Việc có nhiều bộ sách nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Cũng theo Thứ trưởng, cần tiếp tục kiện toàn văn bản, pháp lý. Đặc biệt, là các chính sách, cơ chế tài chính cho hội đồng thẩm định ở địa phương. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để xã hội hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng ngành giáo dục. Muốn vậy, các nhà xuất bản, địa phương và giáo viên cần tham gia vào công tác này để dư luận hiểu đầy đủ về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông lần này.


Theo Nhật Nam / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp