Hội nghị về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữa BCĐ cấp quốc gia với BCĐ cấp tỉnh - Ảnh: VGP/NN
Sáng 15/6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữa Ban Chỉ đạo (BCĐ) cấp quốc gia với BCĐ cấp tỉnh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Kỳ thi) diễn ra trên toàn quốc, được xã hội quan tâm; kết quả Kỳ thi được sử dụng cho nhiều yêu cầu về chuyên môn và các mục đích khác nhau. Đặc biệt trong thời điểm này, khi chúng ta đang đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, trong đó có giáo dục phổ thông, sự quan tâm của xã hội càng lớn hơn nữa. Kỳ thi năm nay quy chế thi có một vài điểm mới, điều chỉnh, do đó, các yêu cầu với công tác tập huấn, quán triệt thực hiện phải được chuẩn bị rất chu đáo.
Nhấn mạnh điều này, từ góc độ là người chịu trách nhiệm cao nhất của Bộ GD&ĐT đối với Kỳ thi, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, kỳ vọng trưởng BCĐ Kỳ thi cấp tỉnh phát huy hết tinh thần trách nhiệm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền.
Bộ trưởng yêu cầu công tác chuẩn bị, triển khai cần bám sát, bám chắc vào Chỉ thị 17 ngày 29/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, bảo đảm thống nhất, thông suốt giữa hoạt động của các BCĐ cấp tỉnh với BCĐ cấp quốc gia.
Chia sẻ một số lưu ý trong công tác chuẩn bị cho Kỳ thi, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến phương diện kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ Kỳ thi. Các công việc, như in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bảo quản, vận chuyển, giao nộp bài thi, đề nghị các tỉnh, thành phố lên nhiều phương án, đề phòng trường hợp có thời tiết bất thường, thiên tai, đặc biệt thời điểm thời tiết cực đoan; quan tâm công tác phòng chống cháy nổ, nhất là ở khu vực in sao đề thi, chấm thi; bảo đảm điện phục vụ cho kỳ thi.
Triển khai và phối hợp cơ bản đồng bộ, nhịp nhàng
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết, chuẩn bị cho Kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ, kịp thời các quy định, văn bản hướng dẫn, kế hoạch thực hiện, tập huấn nghiệp vụ; triển khai và phối hợp cơ bản đồng bộ, nhịp nhàng giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, ban, ngành và các địa phương.
Công tác ứng dụng CNTT vào các khâu của Kỳ thi hiệu quả, kịp thời, tạo thuận lợi cho thí sinh và các bên liên quan. Số liệu thống kê, báo cáo, tổng hợp kịp thời, chính xác. Trao đổi thông tin hai chiều giữa Bộ GD&ĐT và các địa phương để xử lý các công việc nhanh chóng, hiệu quả. Công tác truyền thông báo chí được tăng cường tạo sự đồng thuận của xã hội.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã huy động các sở, ban, ngành, đoàn thể, và các cấp chính quyền địa phương phối hợp chuẩn bị tổ chức Kỳ thi; cơ bản chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi.
Các sở GD&ĐT đã tiếp nhận đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ GD&ĐT. Từ đó, tham mưu thành lập BCĐ kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp tỉnh, phân công nhiệm vụ các thành viên; tham mưu ban hành các văn bản: phương án, kế hoạch tổ chức Kỳ thi trên địa bàn tỉnh, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện xét tốt nghiệp, thi tốt nghiệp THPT năm 2023, văn bản phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan trong tổ chức Kỳ thi.
Đến thời điểm này, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và chuẩn bị cơ sở vật chất chuẩn bị tổ chức Kỳ thi theo đúng tiến độ. 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập BCĐ thi tốt nghiệp cấp tỉnh của địa phương. Hầu hết các địa phương đã ban hành chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường phối hợp tổ chức Kỳ thi trên địa bàn. Dữ liệu thông tin của thí sinh cũng đã được hoàn thành, báo cáo vào Hệ thống quản lý thi và gửi về Bộ GD&ĐT.
Một số nội dung khác địa phương đã hoàn thành, như: Thành lập hội đồng thi, phân công nhiệm vụ của các thành viên hội đồng thi; thành lập các ban của hội đồng thi và các điểm thi; đánh số báo danh, xếp phòng thi theo từng bài thi, môn thi tại các điểm thi; rà soát, bổ sung các điều kiện về cơ sở vật chất chuẩn bị tổ chức thi.
Nhấn mạnh một số công việc cần lưu ý triển khai trong thời gian tới, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh đến bố trí khu vực in sao đề thi và bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi; công tác in sao đề thi; công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành địa phương và xây dựng các kịch bản dự phòng.
Cụ thể, địa phương cần bố trí khu vực in sao đề thi ba vòng độc lập đáp ứng an toàn, bảo mật theo đúng quy định của quy chế thi. Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt, đúng quy trình. Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày.
Với công tác in sao đề thi, địa phương lưu ý chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác in sao đề thi. Máy móc thiết bị tuyệt đối không có chức năng thu phát và không nối mạng internet, phải được công an kiểm tra niêm phong các cổng kết nối. Mọi phương tiện, vật tư, thiết bị trong khu vực in sao đề thi dù hư hỏng hay không dùng đến chỉ được đưa ra ngoài khu vực này khi thi xong bài thi/môn thi cuối cùng của bài thi.
Trong quá trình in sao cần in sao theo đúng số lượng được giao. Lưu ý in sao đề thi các bài thi/môn thi Ngoại ngữ cho các phòng thi ghép; in sao từng mã đề thi cho mỗi đề thi của mỗi bài thi/môn thi trắc nghiệm. Phải có biện pháp cụ thể để phân biệt bì/túi đề thi của các bài thi/môn thi khác nhau.
Về công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành địa phương, ông Huỳnh Văn Chương đề nghị BCĐ cấp tỉnh các địa phương phân công nhiệm vụ các thành viên BCĐ là đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tại địa phương phối hợp chặt chẽ, đúng người, đúng việc, rõ trách nhiệm trong tất cả các khâu (đặc biệt bảo đảm an ninh, an toàn và thuận lợi cho thí sinh trong những ngày thi).
Địa phương cần chủ động xây dựng phương án dự phòng và các kịch bản để tổ chức Kỳ thi khi có các tình huống bất thường về thiên tai, dịch bệnh hoặc các vấn đề khác thường phát sinh hoặc dự báo có thể phát sinh.
Phương Liên
Theo Báo điện tử Chính phủ